Vốn hóa Grab giảm mạnh, đã thấp hơn giá trị IPO

Lê Hồng Quý 18:39 | 13/04/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Grab đã huy động thành công 15,5 tỷ USD trong 25 vòng gọi vốn trước khi phát hành công khai lần đầu (IPO) nhưng hiện tại, vốn hóa công ty đã giảm xuống dưới con số này.

Sau gần 10 năm hoạt động từ năm 2012 cho tới cuối năm 2021 (thời điểm IPO), Grab đã huy động được 15,5 tỷ USD sau 35 vòng gọi vốn và trở thành một trong những công ty khởi nghiệp (startup) gây được nhiều tiếng vang nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên kể từ khi chính thức niêm yết trên sàn Nasdaq (Mỹ), giá cổ phiếu Grab đã giảm sâu, qua đó kéo vốn hóa công ty đi xuống.

Cụ thể, giá cổ phiếu Grab ở thời điểm hiện tại đang được giao dịch quanh vùng giá 3,4 USD, mất gần 80% giá trị so với mức đỉnh là 17,15 USD cách đây 5 tháng. Qua đó, vốn hóa công ty hiện là 12,72 tỷ USD, thấp hơn so với tổng số vốn mà kỳ lân gốc Singapore từng gọi.

Giá cổ phiếu Grab hiện đã giảm mạnh về vùng 3,4 USD/ cp (Ảnh: Nasdaq)

IPO là một trong những cột mốc lớn đánh dấu việc các startup thay vì huy động vốn từ các quỹ hay nhà đầu tư mạo hiểm đã có thể tìm kiếm nguồn vốn từ các nhà đầu tư đại chúng.

Câu chuyện của Grab hiện tại có phần giống với Uber. Sau một năm niêm yết vào tháng 5/2020, giá cổ phiếu Uber đã mất gần 50% giá trị từ hơn 40 USD xuống còn 21,33 USD ở mức đáy. Tuy nhiên sau đó cổ phiếu hãng gọi xe lớn nhất nước Mỹ đã có những phiên tăng sốc vượt mốc 60 USD trước khi được giao dịch ở vùng 30 USD như hiện tại.

 

Giá cổ phiếu Grab và Uber đều tụt sâu trong năm đầu tiên sau khi IPO

Năm 2020, Grab lỗ 2,75 tỷ USD. Sang năm 2021, Grab tiếp tục ghi nhận khoản lỗ 3,55 tỷ USD. Tính riêng ba tháng cuối năm 2021, Grab đã lỗ 1,1 tỷ USD, tăng mạnh so với 635 tỷ USD cùng kỳ năm 2020.

Dẫu vậy, hãng gọi xe khẳng định đây là năm "mạnh mẽ" nhất của công ty khi doanh thu tăng 44% và tổng giá trị giao dịch tăng 29%.

"56% người dùng của chúng tôi hiện đang sử dụng hai dịch vụ của Grab trở lên và mức chi tiêu trung bình của người dùng trên nền tảng năm 2021 đã tăng 31% so với cùng kỳ", ông Anthony Tan, nhà sáng lập Grab cho hay. Ông cũng tiết lộ 2022 sẽ là một năm bản lề của công ty khi mở ngân hàng số, đồng thời theo đuổi những cơ hội lớn hơn trong mảng giao hàng.

Mảng giao vận (bao gồm giao đồ ăn) đang là nhân tố đóng góp lớn nhất vào tổng giá trị giao dịch (GMV) của Grab, dù ban đầu kì lân Singapore định hình bản thân là một "nền tảng kinh doanh dịch vụ đi lại".

Cụ thể, GMV cả năm của Grab là 16 tỷ USD thì của riêng mảng giao vận là 8,5 tỷ USD (53,1%). Trong khi đó mảng di chuyển của Grab chỉ đóng góp 2,8 tỷ USD GMV, tương đương 17,5%. 

Với GrabFood nói riêng và các nền tảng giao đồ ăn nói chung, đây là một thị trường cực kì màu mỡ bởi Grab có thể tạo ra doanh thu từ cả các đối tác nhà hàng lẫn tài xế.

Ngoài ra, tỷ lệ hoa hồng thu được ở mảng giao vận năm 2021 của Grab cũng tăng lên 18,2% (trước đó là 16,6% vào năm 2020). 

Do đó, với lượng người dùng lớn, có thể nói trong tay Grab nói riêng và các hãng gọi xe nói riêng đã có một lượng dữ liệu khổng lồ, hoàn toàn có thể giúp công ty phát triển thêm một mảng dịch vụ mới để tạo thêm doanh thu bên cạnh việc phục vụ nhu cầu di chuyển, ăn uống như hiện tại.

Theo một báo cáo của Euromonitor, Grab vẫn đang dẫn đầu thị phần mảng giao đồ ăn tại Đông Nam Á với 51% và ở cả thị trường gọi xe công nghệ (71%). Đông Nam Á là một thị trường lớn (hơn 600 triệu dân) với nhiều dư địa cho doanh nghiệp kinh tế số. Do đó, trải qua hai năm gặp khó khăn với COVID-19, Grab nói riêng và các hãng gọi xe, giao vận nói chung vẫn còn nguyên cơ hội trong năm 2022 này.

Từ khóa: #Grab