Vốn ngoại liên tiếp đổ vào bất động sản công nghiệp tại nhiều địa phương
Hải Phòng, Quảng Ninh liên tiếp đón thêm nhiều nhà đầu tư ngoại
Bất động sản công nghiệp vẫn đang là điểm sáng của thị trường và được các chuyên gia đánh giá cao vè tiềm năng phát triển. Theo đó, nhiều địa phương đang dọn ổ chào đón "đại bàng" đến làm tổ, điền hình là Hải Phòng và Quảng Ninh.
Trong 2 tháng đầu năm 2024, tổng thu hút vốn đầu tư nước ngoài toàn TP Hải Phòng đạt 165,24 triệu USD, trong đó cấp mới 18 dự án với số vốn là 150,27 triệu USD, cấp mới trong khu công nghiệp, khu kinh tế 11 dự án, đạt 149,18 triệu USD, (chiếm 99,27%); cấp mới ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế 7 dự án đạt 1,09 triệu USD (chiếm 0,73%).
Trong năm 2024, TP Hải Phòng đặt kỳ vọng thu hút từ 2 đến 2,5 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài.
Mới đây, Cụm công nghiệp Tiên Cường II tại huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng, do Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Tiến Phát làm chủ đầu tư đã chính thức khởi công.
Theo chủ đầu tư, mặc dù Cụm công nghiệp Tiên Cường II đang trong giai đoạn hoàn thiện cơ sở hạ tầng và các tiện ích liên quan nhưng đã thu hút được nhiều sự quan tâm của các khách hàng, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong đó, Công ty TNHH Clapton Whale và Công ty TNHH HongKong Kinyee Technology đã ký kết hợp đồng đầu tư tại cụm công nghiệp với diện tích sử dụng gần 10 ha.
Theo Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, đến năm 2025, thành phố phấn đấu tỷ lệ lấp đầy 14 khu công nghiệp (KCN) đạt trên 70%, thành lập thêm 4-6 KCN mới. Thực hiện chuyển đổi từ 2-3 KCN thành KCN sinh thái; 1 KCN công nghệ cao. Đảm bảo 100% KCN đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường.
Thu hút FDI vào khu kinh tế (KKT), KCN đạt 12,5-15 tỷ USD; thu hút DDI vào KKT, KCN đạt 10 - 15 tỷ USD. Hoàn thành 2-3 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong KKT Đình Vũ - Cát Hải.
Giai đoạn đến năm 2030, thành lập thêm các KCN với diện tích khoảng 1.433 ha. Các KCN, KKT đóng góp trên 90% giá trị sản xuất công nghiệp, trên 90% tổng kim ngạch xuất khẩu của Thành phố. Thu hút FDI vào KKT, KCN đạt 15 tỷ USD; thu hút DDI vào KKT, KCN đạt 12-16 tỷ USD.
Cùng với Hải Phòng, Quảng Ninh cũng đang đón nhiều nhà đầu tư nước ngoài đổ vốn vào KCN Sông Khoai nằm trên địa phận thị xã Quảng Yên. KCN này được quy hoạch với diện tích sử dụng đất 714 ha, chia thành 5 giai đoạn giải phóng mặt bằng và đầu tư. Tính đến tháng 12/2023, KCN Sông Khoai đã được thị xã Quảng Yên triển khai công tác giải phóng mặt bằng ở 4 giai đoạn và đã hoàn thành, bàn giao cho chủ đầu tư đối với 385,72/714 ha, đạt 54,02%.
Mới đây, Công ty TNHH Tamagawa Việt Nam đã khởi công nhà máy chuyên sản xuất máy dò góc tuyệt đối cho động cơ ô tô điện tại KCN Sông Khoai (thị xã Quảng Yên). Theo đó, nhà máy được xây dựng với tổng diện tích đất hơn 6,27 ha, tổng số vốn đầu tư hơn 35 triệu USD (hơn 600 tỷ đồng). Dự kiến nhà máy sẽ chính thức đi vào hoạt động vào khoảng đầu quý II/2025.
Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp Quảng Ninh, tính đến hết năm 2023, KCN Sông Khoai đã thu hút được 15 dự án FDI thứ cấp với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 2,3 tỷ USD. Trong đó có 13 dự án FDI mới và điều chỉnh 2 dự án tăng vốn thêm 5 triệu USD với tổng vốn đầu tư thu hút trên 1,4 tỷ USD, riêng dòng vốn này đã chiếm tới 45% tổng số vốn FDI vào Quảng Ninh năm 2023. Đưa nơi đây trở thành mảnh đất "màu mỡ" của khu vực phía Bắc thu hút các nhà đầu tư lớn.
Với những tiềm lực sẵn có, tỉnh Quảng Ninh dự kiến sẽ lên kế hoạch thu hút vốn đầu tư FDI vào KCN Sông Khoai. Trong năm 2024, tổng vốn đăng ký dự kiến đạt trên 1,5 tỷ USD. Các lĩnh vực được hướng đến là chế biến, sáng tạo, sản xuất linh kiện điện tử, ô tô, công nghiệp phụ trợ và các ngành công nghiệp công nghệ cao đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hoa Kỳ...
Một tỉnh phía Bắc khác là Hải Dương, địa phương này cũng đã hút thêm được 232 triệu USD vốn đầu tư. Tính từ đầu năm đến ngày 20/5, Ban Quản lý các khu công nghiệp Hải Dương cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 45 lượt dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 232 triệu USD, đạt 37% kế hoạch năm.
Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 29 dự án mới với tổng vốn trên 186 triệu USD. Điều chỉnh vốn tăng thêm cho 16 lượt dự án với tổng số tiền đầu tư 42 triệu USD. Trong đó thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là 151 triệu USD, đạt 22% kế hoạch năm. Thu hút vốn đầu tư trong nước (DDI) trên 1.900 tỷ đồng, vượt 90% so với kế hoạch năm.... Đến nay, các khu công nghiệp trong tỉnh Hải Dương đã thu hút được trên 390 dự án đầu tư thứ cấp với tổng vốn đăng ký gần 6 tỷ USD.
Thanh Hoá sắp có KCN hơn 500 ha
Bên cạnh đó, Thanh Hoá cũng vừa duyệt đồ án quy hoạch phân khu xây dựng 1/2000 Khu công nghiệp Phú Quý, nằm trên địa bàn 7 xã của huyện Hoằng Hóa.
Dự án có một mặt giáp đường giao thông Quỳ Xuyên và cụm công nghiệp Phú Quốc, một mặt giáp hành lang đường sắt và Quốc lộ 1.
Với tổng diện tích 540 ha, đây sẽ là khu công nghiệp mới lớn nhất tại Thanh Hóa, theo quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 (chỉ nhỏ hơn KCN Bỉm Sơn 566 ha và KCN Sao Vàng 550 ha đã quy hoạch và đi vào hoạt động).
Quy mô lao động của dự án khoảng 36.000-58.500 người, được định hướng là khu công nghiệp đa ngành, ưu tiên các ngành công nghệ cao, chế biến chế tạo, cơ khí, ôtô, dược, thực phẩm. Khu vực dọc tuyến đường đối ngoại và trục chính khu công nghiệp ưu tiên các doanh nghiệp lớn mang tính chất mỏ neo (vai trò tiền đề).
Theo quy hoạch, khu đất xây dựng nhà ở cho chuyên gia, công nhân rộng khoảng 11 ha, nằm ở phía đông nam khu công nghiệp, giáp đường Quỳ Xuyên. Nhu cầu tái định cư cho dự án gần 150 hộ, ước tính cần quỹ đất khoảng 9 ha, dự kiến bố trí ở phía đông Quốc lộ 1 thuộc xã Hoằng Quý.
Cuối tháng 4, Thanh Hóa cũng phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu xây dựng 1/2000 Khu công nghiệp Tượng Lĩnh, huyện Nông Cống, quy mô 350 ha. Dự án có một mặt giáp đường tỉnh 525, một mặt giáp đường từ sân bay Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn.
Thanh Hóa hiện là địa phương dẫn đầu miền Trung trong thu hút đầu tư nước ngoài. Lũy kế đến nay, tỉnh có 161 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 15 tỷ USD. Tới cuối 2023, tỉnh này có 1 khu kinh tế và 8 khu công nghiệp tổng diện tích hơn 2.000 ha và 45 cụm công nghiệp. Khu vực huyện Hoằng Hóa ngoài đầu tư khu công nghiệp còn có lợi thế phát triển du lịch nhờ vị trí giáp biển, ở ngay cửa ngõ của hai đô thị TP Thanh Hóa và TP Sầm Sơn.
Dòng vốn FDI đổ vào bất động sản tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ 2023
Số liệu của Tổng cục thống kê công bố cho thấy, tổng vốn FDI tính đến hết ngày 20/4 đăng ký vào Việt Nam, gồm vốn đăng ký cấp mới, đăng ký điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, đạt gần 9,27 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, kinh doanh BĐS là lĩnh vực đứng vị trí thứ hai trong thu hút dòng vốn FDI, với hơn 1,6 tỷ USD (đứng đầu là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với số vốn đăng ký đạt gần 5 tỷ USD). Như vậy, so với cùng kỳ năm 2023, vốn FDI đổ vào BĐS đã tăng hơn 4 lần.