VPBank xem xét IPO vào cuối năm nếu việc bán vốn FE Credit không thành công

15:20 | 19/02/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ban lãnh đạo VPBank (VPB) - công ty mẹ sở hữu 100% vốn FE Credit vừa thông tin mới nhất về thương vụ bán vốn tại công ty tài chính có thị phần cho vay lớn nhất Việt Nam.
Trong đó, theo trung tâm phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) vừa công bố báo cáo cập nhật kết quả kinh doanh của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - Mã: VPB), quá trình thẩm định (due diligence) đã thành công và đang đàm phán với đối tác.

Lãnh đạo VPBank kỳ vọng hoàn thành đàm phán bán vốn tại FE Credit cho đối tác trong quý II/2021, nếu không sẽ IPO vào cuối năm nay. Dù vậy, tiến độ thảo luận có phần bị gián đoạn do dịch COVID-19.
 
Vpbank sẽ IPO vào cuối năm nếu bán vốn FE Credit thất bại
VPBank có thể thu về khoản lãi lớn từ thương vụ bán 49% vốn FE Credit. Ảnh: Zing

Theo SSI Research, việc bán 49% vốn tại FE Credit với mức định giá gấp khoảng 4 lần giá trị sổ sách, ngân hàng có thể ghi nhận một khoản lãi ròng lớn. Với khoản lãi bổ sung cho nguồn vốn này, VPBank sẽ giảm bớt sự phụ thuộc nguồn huy động từ khách hàng, qua đó giảm chi phí vốn bình quân.
 
Tuy nhiên, với tiêu chuẩn kế toán Việt Nam hiện nay, nếu như khả năng kiểm soát của VPBank đối với FE Credit vẫn được duy trì (nắm giữ từ 51% cổ phần), lãi từ việc bán vốn nêu trên sẽ không được ghi nhận như một khoản thu nhập trên báo cáo kết quả kinh doanh, mà sẽ được ghi nhận trực tiếp vào khoản mục lợi nhuận giữ lại trên bảng cân đối kế toán.

Sau khi thương vụ hoàn tất, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VPBank ước tính tăng 800 tỷ đồng so với kịch bản không có thương vụ bán vốn tại Fe Credit. Trong khi lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ giảm 1.130 tỷ đồng.
 
Vpbank sẽ IPO vào cuối năm nếu bán vốn FE Credit thất bại
Nguồn: Zing 
 
Tại thị trường trong nước, FE Credit hiện là công ty cho vay tài chính tiêu dùng có thị phần lớn nhất. Năm 2020, công ty này giải ngân khoảng 63.000 tỷ đồng các khoản vay tiền mặt và vay tiêu dùng qua hình thức trả góp.

Đến cuối năm 2020, tổng dư nợ tín dụng của công ty này là 66.000 tỷ, trong đó 37% là khách hàng mới. Tuy nhiên, do hoạt động trong lĩnh vực vay tiêu dùng nên tỷ lệ nợ xấu của công ty này theo tiêu chuẩn VAS cũng là 6,6%.
 
Trong cả năm vừa qua, công ty này ghi nhận hơn 17.400 tỷ đồng doanh thu. Sau khi trừ các chi phí vận hành và chi phí dự phòng, “gà đẻ trứng vàng” của VPBank thu về 3.713 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 17% so với năm 2019. Số này tương đương khoảng 28% lợi nhuận hợp nhất toàn ngân hàng, thấp hơn khá nhiều so với mức 45-50% hàng năm trước đó.
 
Trong kế hoạch kinh doanh mới công bố, lãnh đạo VPBank đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận tại ngân hàng mẹ là 20-30% so với số thực thu năm 2020. Tăng trưởng lợi nhuận tại FE Credit cũng dự kiến vào khoảng 20-25%.

Trong đó, tăng trưởng tại FE Credit được thúc đẩy bởi dư nợ cho vay tăng 9-12% và tổng thu nhập hoạt động tăng 14-18%.
 
Vpbank sẽ IPO vào cuối năm nếu bán vốn FE Credit thất bại
FE Credit hiện là công ty cho vay tài chính tiêu dùng có thị phần lớn nhất Việt Nam

Đến 31/12/2020, tổng dư nợ tín dụng tăng 9% lên 66.000 tỷ đồng, 37% từ khách hàng mới. Về chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu tăng từ mức 6% thời điểm cuối năm trước lên mức 6,6%. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) tăng từ 15,9% lên 19,1%.
 
Về các chỉ tiêu hiệu quả kinh doanh, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu trung bình (ROAE) giảm từ mức 34,3% của năm 2019 xuống 23,4%; tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản trung bình (ROAA) giảm từ 5,5% xuống 4,1%.
 
Hải Yến