Xây dựng thể chế và hệ sinh thái số thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Chiều tối 6/12, Viện Nghiên cứu Công nghệ vì Cộng đồng (Tech For Good Institute, TFGI), với sự hỗ trợ của Grab tại Việt Nam đã tổ chức tọa đàm "Nền tảng số - Tăng trưởng trong tương lai" theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Đây là sự kiện đầu tiên của Viện TFGI tại Việt Nam, nhằm tăng cường sự hiểu biết và trao đổi thông tin về công nghệ, đổi mới sáng tạo và nền kinh tế số đang phát triển nhanh chóng trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt tại Việt Nam.
Phát biểu tại toạ đàm, Giám đốc điều hành Grab tại Việt Nam Nguyễn Thái Hải Vân cho rằng, chuyển đổi số, nền tảng số hay kinh tế số đóng vai trò quan trọng trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra sôi động. Đây còn được coi là động lực tăng trưởng cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế tại nước ta trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.
Theo bà Nguyễn Thái Hải Vân, thông qua toạ đàm mong muốn mở ra không gian cho khu vực công - tư để cùng bày tỏ quan điểm, chuyên môn, và hợp tác thúc đẩy sự đổi mới công nghệ và kinh tế số tại Việt Nam. Qua đó thúc đẩy, nâng cao năng lực chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, bảo đảm sự phát triển đồng đều, bền vững đối với tất cả thành phần kinh tế trong quá trình chuyển đổi số.
Tại toạ đàm, các đại biểu, học giả, nhà nghiên cứu chính sách và chuyên gia công nghệ trong và ngoài nước đã thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm để phát triển nền kinh tế số công bằng, bao trùm và bền vững, từ đó tìm ra các giải pháp sáng tạo phù hợp với bối cảnh của Đông Nam Á.
TS. Ming Tan, Viện trưởng Viện TFGI cho rằng, đại dịch đã thúc đẩy đáng kể sự tham gia vào các nền tảng số, nhưng chúng ta vẫn chỉ đang ở những bước đầu tiên. Khu vực Đông Nam Á có nhiều cơ hội để phát triển hơn nữa. Ví dụ, doanh số bán đồ ăn trực tuyến và thương mại điện tử chỉ chiếm 8% tổng doanh số bán đồ ăn và bán lẻ trong khu vực Đông Nam Á vào năm 2020 so với 17% ở Mỹ và 27% ở Trung Quốc.
Kết quả nghiên cứu của Viện TFGI cũng cho thấy, nền kinh tế số tại Đông Nam Á đã phát triển mạnh mẽ, cùng với đó là sự ra đời của các ứng dụng số và hơn hết là sự tăng trưởng lớn mạnh của hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ.
Song, bất chấp sự tăng trưởng tích cực trong nền tảng số này, 30% dân số tại 6 nước Đông Nam Á nói trên vẫn chưa tham gia vào môi trường trực tuyến và vẫn còn một khoảng cách lớn giữa thành phố và nông thôn. Điều này đã chỉ ra rằng, tiềm năng lớn luôn đi kèm với trách nhiệm cần phải giảm thiểu rủi ro.
Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Trọng Đường cho biết, Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số nhấn mạnh nền tảng số là giải pháp đột phá. Chiến lược chuyển đổi số quốc gia cũng khẳng định muốn chuyển đổi số nhanh phải dựa vào nền tảng số. Song, quy định pháp luật, thể chế cho nền tảng số hiện vẫn chưa rõ ràng, trong khi đó đây là cơ sở để thúc đẩy kinh tế số phát triển, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, các bên khi xảy ra tranh chấp.
Ở góc độ doanh nghiệp, Nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của bePOS Phạm Nguyên Bách chia sẻ, thể chế cho nền tảng số còn hạn chế, nhưng đang dần được cởi mở. Các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng đã chủ động chuyển đổi mạnh mẽ trong nền tảng số, với mong muốn tận dụng cơ hội phát triển, thế mạnh và tiềm năng của nền tảng số để phát triển doanh nghiệp trong bối cảnh.
TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, trong thời gian tới, bên cạnh việc hoàn thiện thể chế, cần giải quyết thách thức về hệ sinh thái cho nền tảng số. Bởi, nếu hệ sinh thái không hoàn chỉnh, khiếm khuyết, cũng như thiếu sự kết nối trong hệ sinh thái, chi phí cho doanh nghiệp khởi nghiệp cao thì khó cho các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp khởi nghiệp trong việc tiếp cận chuyển đổi số, nền tảng số, từ đó giảm hiệu quả phát triển kinh tế số trong tương lai.
Trước đó, báo cáo "Kinh tế nền tảng: Chất xúc tác cho sự tăng trưởng số tại khu vực Đông Nam Á" của Viện TFGI, cho thấy Đông Nam Á đã đạt được những bước tiến lớn để dịch vụ tnternet di động dễ dàng được truy cập với giá cả phải chăng.
Năm 2020, tại 6 thị trường lớn nhất khu vực gồm Singapore, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines và Việt Nam có hơn 400 triệu người dùng tnternet, con số này tăng gấp 3 lần so với 10 năm trước.
Riêng tại Việt Nam, kết quả nghiên cứu trong báo cáo "Kinh tế nền tảng: Chất xúc tác cho sự tăng trưởng số tại khu vực Đông Nam Á" do Viện TFGI thực hiện cho thấy, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ trong việc tham gia vào nền kinh tế số. Trong số các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tham gia khảo sát, 62% doanh thu của họ đến từ nền tảng số, cao hơn 5% so với với các doanh nghiệp Singapore ở mức 57%.
Thực tế, khu vực tư nhân đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi số. Về phía Grab, với mạng lưới kinh doanh và công nghệ toàn cầu, Grab mong muốn thực hiện nghĩa vụ xã hội thông qua thúc đẩy lộ trình số hoá. Theo đó, Viện TFGI là tổ chức nghiên cứu độc lập, phi lợi nhuận của Đông Nam Á do Grab thành lập, với mục tiêu phục vụ các nhóm đang làm việc và chịu tác động bởi sự phát triển nhanh chóng của kinh tế số tại khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng.