Xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang Ả Rập Xê Út tăng 57 lần trong 9 tháng
Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, Ả Rập Xê Út đang là thị trường xuất khẩu cá ngừ đơn lẻ lớn thứ 3 của Việt Nam sau Mỹ và Canada.
Theo bà Nguyễn Hà, chuyên gia thị trường cá ngừ của VASEP, ngày 8/9/2020, Đại sứ quán Ả Rập Xê Út tại Việt Nam có công hàm gửi các cơ quan chức năng phía Việt Nam thông báo ý kiến của Tổng cục Thực phẩm và Dược phẩm Ả Rập Xê Út (SFDA) cho phép 12 doanh nghiệp hải sản Việt Nam được phép xuất khẩu trở lại một số mặt hàng hải sản vào thị trường Ả Rập Xê Út, trong đó có các công ty chế biến và xuất khẩu cá ngừ.
Quy định trên đã mở ra một thị trường mới cho ngành cá ngừ Việt Nam, nhất là trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu thủy sản sang nhiều thị trường gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19.
Sau công hàm trên, đến tháng 7/2021, các lô hàng cá ngừ đầu tiên của Việt Nam đã được xuất khẩu sang thị trường này. Sau 9 tháng, giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường này đã tăng từ 85 nghìn USD trong tháng 7/2021 lên gần 5 triệu USD tính đến tháng 3/2022, tăng gấp 57 lần.
Bà Hà, chuyên gia thị trường cá ngừ của VASEP nhận định, Ả Rập Xê Út là một quốc gia nằm sâu trong đất liền, không có ngành đánh bắt. Người dân Ả Rập Xê Út lại ưa chuộng các sản phẩm thuỷ sản tươi, đông lạnh và đóng hộp. Do đó, đây là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp cá ngừ Việt Nam gia tăng xuất khẩu.
Mới đây, Đại sứ quán Việt Nam tại Ả Rập Xê Út cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã gửi hồ sơ đề nghị cung cấp giấy phép xuất khẩu cho 25 doanh nghiệp thủy sản Việt Nam, trong đó có cá ngừ. Dự kiến, sau khi được đánh giá và chấp nhận, thị phần của thủy sản Việt Nam tại Ả Rập Xê Út sẽ tăng cao.
Theo ông Trần Trọng Kim, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Ả Rập Xê Út, mặc dù thị trường này còn nhiều tiềm năng cho doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu thủy sản Việt Nam khai thác, tuy nhiên, một số rào cản đang níu chân doanh nghiệp, trong đó có chi phí vận tải từ Việt Nam sang Ả Rập Xê Út tăng cao.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần đáp ứng đúng và đủ các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm và quy định nhãn mác đóng gói khi xuất khẩu hàng hóa sang Ả Rập Xê Út. Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Ả Rập Xê Út (SFDA) ban hành và quy định các điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn châu Âu và Mỹ, kiểm tra việc tuân thủ các quy định rất nghiêm ngặt. Doanh nghiệp vi phạm sẽ bị tước giấy phép kinh doanh, phạt tiền, thậm chí phạt tù, tất cả hàng vi phạm đều bị tiêu hủy…
Về các thị trường quan trọng khác, tính đến quý I/2022, Mỹ vẫn tiếp tục là thị trường xuất khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam. Hiện tại, sản lượng đánh bắt cá ngừ tại khu vực EPO thấp, do đó nguồn cung cá ngừ từ các nước châu Mỹ như Ecuador cho thị trường Mỹ giảm, Mỹ có thể sẽ phải tăng nhập khẩu từ các các nước tại khu vực khác như Thái Lan hay Việt Nam. Do đó, dự báo xuất khẩu sang thị trường Mỹ vẫn tiếp tục tăng trong nửa đầu năm nay.
Về phía các thị trường EU, sau khi tăng trưởng kim ngạch liên tục trong 3 tháng đầu năm 2022, Đức đã thay thế Hà Lan trở thành thị trường nhập khẩu đơn lẻ lớn thứ 5 và thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam trong khối EU. Trong những tháng đầu năm, trị giá xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Đức có mức tăng trưởng bình quân so với cùng kỳ năm trước gần 58%.