Xuất khẩu cá tra giảm dần những tháng cuối năm 2022, triển vọng nào cho DN trong năm 2023?

Lạc Lạc 17:20 | 02/01/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
10 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt gần 2,2 tỷ USD, tăng 75% so với cùng kỳ 2021. Tuy nhiên, kết quả này phần lớn nhờ vào mức nền so sánh thấp của năm ngoái và kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh trong hai quý đầu năm, với 5 trên 6 tháng đạt hơn 200 triệu USD. Bước sang những tháng cuối năm, đặc biệt là tháng 10 và tháng 11, kim ngạch xuất khẩu cá tra đang cho thấy những tín hiệu giảm dần.

Xuất khẩu cá tra giảm dần trong những tháng cuối năm 2022

Theo Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS), lạm phát toàn cầu tăng cao khiến người dân chuyển nhu cầu từ các sản phẩm cao cấp sang các hàng hóa có giá trị phải chăng hơn. Trong thị trường xuất khẩu thủy sản, cá minh thái và cá tra là hai sản phẩm có cùng phân khúc giá, tuy nhiên chiến tranh Nga-Ukraine kéo dài khiến nguồn cung cá minh thái từ Nga bị thiếu hụt nặng nề, mở đường cho cá tra Việt Nam có cơ hội tiếp cận các thị trường nước ngoài.

Bên cạnh đó, các dịp lễ như Tạ ơn, Giáng sinh và năm mới khiến cho nhu cầu tiêu thụ cá càng tăng cao ở các quốc gia phương Tây. Việc mở cửa trở lại của Trung Quốc (thị trường thứ 2 trên thế giới về tiêu thụ cá tra) cũng góp phần thúc đẩy nhu cầu cá tra trên toàn thế giới tăng trở lại. 

 Nguồn: VASEP

 

Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến hết tháng 10/2022, xuất khẩu thủy sản cả nước đã mang về 9,5 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, xuất khẩu cá tra tăng trưởng ấn tượng với kim ngạch 10 tháng của năm đạt gần 2,2 tỷ USD, tăng 80% so với cùng kỳ năm 2021. Hầu như các tháng đều tăng trưởng hơn 60% so với cùng kỳ 2021. Tuy nhiên, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu trong quý III giảm lần lượt là 25% và 33% so với quý II. Nguyên nhân đến từ việc lượng tồn kho tại các thị trường nhập khẩu thường đạt đỉnh từ tháng 6, 7, đặc biệt tại thị trường Mỹ (chiếm thị phần lớn nhất trong cơ cấu xuất khẩu cá tra của Việt Nam) có năm tài chính kết thúc vào 30/6 nên các doanh nghiệp sẽ cố gắng xả kho vào thời điểm này, khiến giá cá ghi nhận sự hạ nhiệt. 

 

Sản lượng và kim ngạch xuất khẩu được kỳ vọng sẽ tăng trưởng trở lại vào quý IV do nhu cầu tăng cao vào dịp cuối năm. Trong tháng 10/2022, sản lượng xuất khẩu tăng 19,9% trong khi kim ngạch tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nếu so với tháng 9, kim ngạch xuất khẩu tháng 10 giảm 3%. Còn kim ngạch xuất khẩu tháng 11 (ước tính) thậm chí giảm tới 12% so với tháng 10. 

Xuất khẩu cá tra có giảm sụt nhẹ ở các tháng gần đây được cho là do Trung Quốc mới chỉ nới lỏng một phần các biện pháp phong tỏa, đồng thời Mỹ đang thiếu hụt nhân sự về logistic, khiến nhiều lô hàng bị kẹt lại cảng chưa đến được tay người mua. Nhìn chung, nhu cầu về cá tra vẫn chưa hề hạ nhiệt, tuy nhiên một số yếu tố ngoại cảnh vẫn tác động tiêu cực đến quá trình xuất khẩu của các doanh nghiệp.

Thống kê từ VASEP cũng cho thấy, Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam nói chung và mặt hàng cá tra nói riêng. Trong 10 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt 491 triệu USD, tăng 70%. Tuy nhiên từ tháng 7 đến nay, xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang Mỹ chỉ dao động trong khoảng 32-33 triệu USD mỗi tháng, sụt giảm đáng kể so với mức đỉnh 81 triệu USD hồi tháng 4.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp Mỹ, tính đến hết quý III/2022, cá tra philê đông lạnh của Việt Nam xuất sang Mỹ tăng 19% về lượng và 66% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm gần 60% tổng khối lượng và 43% tổng giá trị các loại cá nhập từ Việt Nam sang Mỹ. Sản phẩm này có giá nhập khẩu tăng nhiều nhất trong các sản phẩm thuỷ sản nhập vào Mỹ trong 3 quý đầu năm nay. Số liệu cũng cho thấy hơn 90% khối lượng cá tra đang bán tại thị trường Mỹ có xuất xứ từ Việt Nam.

Dự kiến cả năm 2022, giá trị xuất khẩu cá tra sẽ đạt trên 2,5 tỷ USD, tăng 58% so với năm 2021. 

Giá cá nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi chưa có dấu hiệu hạ nhiệt là những thách thức cho ngành trong năm 2023

Theo nhóm phân tích VCBS, từ 2019 đến này, giá thức ăn chăn nuôi ngành thủy sản đã tăng khoảng 40-60% (tăng khoảng 18.000-26.500 VND/kg). Bên cạnh đó, sau khi hạ nhiệt vào hồi tháng 8/2022, giá cá nguyên liệu đang có xu hướng quay lại gần mức đỉnh 33.000 VND/kg.

  Nguồn: VASEP

Giá nguyên liệu đầu vào tăng, xong các hộ nông dân nuôi cá ở Việt Nam chỉ bán ra được ở mức 26.000-27.000 VND/kg, không thu lãi được nhiều mà thậm chí còn lỗ nên người nông dân bỏ nuôi nhiều, các doanh nghiệp càng làm chủ được nguồn cung. Bên cạnh đó, hiện nay các doanh nghiệp thủy sản đang hướng tới tự chủ về nguồn cung (có ao cá nguyên liệu và nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi riêng) nên cũng hạn chế được sự ảnh hưởng của giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. 

Giá cá fillet xuất khẩu vẫn duy trì ổn định trong những tháng gần đây sau khi tăng liên tục hồi đầu năm 2022. Cụ thể, giá cá fillet xuất khẩu liên tục tăng từ đầu năm và đạt đỉnh vào tháng 8/2022 ở mức 5 USD/kg. Giá cá giảm nhẹ 14% từ tháng 9 và duy trì ở mức 4,3 USD/kg. Do quý III hàng năm vốn là thời kỳ thấp điểm cho việc xuất khẩu thủy sản, tồn kho ở các nước nhập khẩu cũng đạt mức đỉnh ở thời điểm này. Giá cá tra fillet vẫn tiếp tục duy trì quanh mức 4,3 USD/kg ở tháng 10 và tháng 11, các lô hàng mới với giá cao vẫn đang kẹt ở cảng chưa tới được tay khách hàng.

Dự báo, giá cá tra vẫn có tiềm năng hồi phục do nguồn cung vẫn còn hạn chế, trong khi nhu cầu tích trữ hàng hóa phục vụ mùa cao điểm cuối năm bắt đầu tăng cao.

Tuy nhiên, việc xuất khẩu và tiêu thụ cá tra của Việt Nam tại thị trường khó tính như Mỹ đang tồn tại một số khó khăn. Ví dụ như cá tra Việt Nam bị áp thuế chống bán phá giá và phải chịu cạnh tranh trực tiếp từ các quốc gia như Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia và Ecuador, dẫn đến thị phần bị thu hẹp cho dù vẫn chiếm lĩnh thị trường. Sản phẩm cá tra Việt Nam chưa có độ phủ sóng và nhận diện đối với người tiêu dùng Mỹ và hầu như vắng bóng trong thực đơn các nhà hàng,...

Đánh giá về cơ hội và thách thức đối với mặt hàng cá tra nói riêng và thủy sản nói chung của Việt Nam tại thị trường Mỹ trong năm 2023, Tham tán Thương mại Đỗ Ngọc Hưng cho rằng những khó khăn nảy sinh từ nửa cuối năm 2022 có thể sẽ tiếp tục chi phối sang năm 2023 do kinh tế toàn cầu có nguy cơ suy thoái, lạm phát tại Mỹ dù đã giảm nhưng vẫn ở mức cao, cộng thêm yếu tố biến động tỷ giá và cạnh tranh gay gắt hơn từ các đối thủ có chi phí thấp, giá bán rẻ.

Ông Đỗ Ngọc Hưng cho rằng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ, trong đó có những sản phẩm chủ lực như tôm, cá tra và cá ngừ, sẽ phải rất nỗ lực mới đạt được mức tăng trưởng như năm 2022.

Dự phóng cụ thể cho một số doanh nghiệp trong ngành

Với Công ty cổ phần Nam Việt (mã: ANV), theo kết quả về thuế chống bán phá giá lần thứ 17 (POR17) của Bộ thương mại Mỹ được công bố, ANV được hưởng mức thuế suất 0%, việc này khiến doanh nghiệp quyết định quay trở lại thị trường Mỹ. Tính đến thời điểm cuối tháng 9/2022, ANV đã xuất được 11 công sang thị trường Mỹ, vượt gấp đôi chỉ tiêu ban đầu là 5 công. ANV cũng đang lên kế hoạch để trong 2-3 năm tới, sản lượng xuất khẩu sang thị trường Mỹ sẽ tăng trưởng từ 5-7%. 

ANV cũng đang dần hồi phục sản lượng xuất khẩu sang Trung Quốc, doanh nghiệp cũng đã xuất thêm được 80 công sang thị trường này. Ngoài xuất khẩu sang Thượng Hải như mọi khi, ANV đã tìm thêm được một số đối tác mới ở Bắc Kinh và Quảng Châu. Theo kế hoạch, sản lượng xuất khẩu tại thị trường Trung Quốc sẽ tăng trưởng từ 35-45% trong thời gian tới. Bên cạnh đó, giá bán tại thị trường Trung Quốc cũng cao hơn so với các doanh nghiệp khác, do các sản phẩm xuất sang thị trường này là mặt hàng không hóa chất và xử lý thấp. 

 Nguồn: ANV, VCBS tổng hợp

VCBS nhận định đối với thị trường châu Âu và Đông Nam Á, tình hình các đơn hàng của ANV vẫn đang ổn định. Riêng với các đơn hàng sang Thái Lan đang tăng vọt, doanh nghiệp đang đưa được các đơn hàng của mình vào các siêu thị nên luôn bán được với giá tốt. ANV dự kiến sẽ nâng sản lượng xuất khẩu sang các thị trường này từ 10-15% trong thời gian tới. 

Doanh thu xuất khẩu của ANV ở các thị trường trong 8 tháng đầu năm 2022 hầu như đều tăng trưởng mạnh mẽ từ 34% đổ lên. Đặc biệt, thị trường Nga và Brazil tăng trưởng gấp 2 và 3 lần so với cùng kỳ năm trước. 

VCBS kỳ vọng, doanh thu cá tra của ANV cho năm 2022 và 2023 sẽ tăng trưởng lần lượt là 22% và 9% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 4.545 tỷ đồng và 4.955 tỷ đồng, qua đó đem về lợi nhuận lần lượt là 642 và 693 tỷ đồng cho doanh nghiệp.

Với Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (mã: VCH), sau kết quả về thuế chống bán phá giá POR17, nhiều doanh nghiệp nhận được mức thuế suất ưu đãi 0% nên bắt đầu gia nhập vào thị trường Mỹ. Tuy nhiên, nhóm phân tích VCBS cho rằng thị phần của Vĩnh Hoàn tại Mỹ vẫn duy trì ổn định, do hàng năm Chính phủ Mỹ sẽ xem xét và đánh giá lại mức thuế chống bán phá giá áp dụng cho từng doanh nghiệp. Với kinh nghiệm hơn 20 năm xuất khẩu sang thị trường Mỹ, cùng đội ngũ luật sư chuyên nghiệp, VHC tự tin có thể duy trì mức thuế suất ưu đãi 0% qua các đợt đánh giá lại. 

  Nguồn: ANV, VCBS tổng hợp

Trong 10 tháng đầu năm 2022, VHC vẫn duy trì ổn định thị phần của mình ở các thị trường, doanh thu tăng trưởng mạnh mẽ ở hai thị trường Mỹ và Châu Âu (lần lượt là 75% và 25%) do hưởng lợi từ thiếu hụt nguồn cung cá minh thái từ Nga, lạm phát tăng cao khiến người dân thay đổi thói quen tiêu dùng, và đồng USD tăng giá. 

10 tháng đầu năm 2022, doanh thu xuất khẩu tại thị trường Trung Quốc của VHC tăng nhẹ 5%, VHC sẽ tiếp tục tập trung vào thị trường Mỹ nhiều hơn, do thị trường Trung Quốc ưa thích mặt hàng rẻ, không phù hợp với dòng sản phẩm chất lượng cao của Vĩnh Hoàn vốn đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe của thị trường Mỹ. Trong cơ cấu doanh thu của VHC những tháng vừa qua, thị trường Mỹ vẫn đứng đầu với tỷ trọng là 45%, đứng thứ 2 là thị trường Châu Âu 13%, doanh nghiệp cũng đã xuất thêm được nhiều lô hàng hơn vào các nước Châu Âu trong năm nay. 

Doanh thu theo sản phẩm của VHC cũng cải thiện rõ rệt trong năm nay. Mảng cá tra fillet tăng mạnh 59%, tiếp đó là C&G với mức tăng trưởng là 41%. Tại thời điểm tháng 9 và tháng 10, doanh nghiệp cũng đã chốt được nhiều đơn hàng cho tới quý II/2023.

Theo đó, VCBS dự phóng doanh thu của Vĩnh Hoàn trong năm 2022 và 2023 lần lượt đạt 12.548 tỷ đồng và 12.718 tỷ đồng, tương ứng tăng 38,6% và 1,4% so với năm liền trước. Lợi nhuận ròng năm 2022 và 2023 dự phóng tương ứng đạt 2.067 tỷ đồng và 2.162 tỷ đồng.