Xuất khẩu rau quả trong nước lập đỉnh mới
Theo số liệu thống kê Tổng cục Hải quan vừa công bố, tính đến hết tháng 9, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 258,97 tỷ USD, giảm 8,5%, tương ứng giảm 24 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022.
Trong các nhóm hàng xuất khẩu, đạt tăng trưởng tốt nhất là mặt hàng rau quả. Tháng 9, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 667 triệu USD, tăng 43,7% so với tháng trước. Nếu so với cùng kỳ 2022, mức tăng còn ấn tượng hơn với 167% (tương đương kim ngạch tăng thêm gần 420 triệu USD).
Sự tăng trưởng của mặt hàng rau quả tháng 9 có sự đóng góp lớn từ việc phục hồi ở thị trường Trung Quốc với mức tăng tới 441% so với cùng kỳ, lên 491 triệu USD. Các thị trường khác cũng tăng trưởng tốt như: Hà Lan 51%, Hàn Quốc 45%, Mỹ 14,7%,...
Luỹ kế hết tháng 9, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 4,2 tỷ USD, tăng tới 72,5% so với cùng kỳ năm trước và cũng là mặt hàng có mức tăng trưởng ấn tượng nhất. Như vậy, xuất khẩu rau quả 9 tháng đầu năm 2023 đã mang về kim ngạch cao nhất giai đoạn 2013 - 2023.
Trong số các thị trường lớn, Trung Quốc chiếm chiếm 65% tổng trị giá xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2023, tương đương 2,7 tỷ USD.
Năm 2022, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc ghi nhận giảm 20% về kim ngạch, từ 1,9 tỷ USD (năm 2021) còn 1,52 tỷ USD (năm 2022), nguyên nhân chủ yếu do đại dịch Covid-19, tình trạng kiểm soát dịch nghiêm ngặt từ phía Trung Quốc khiến việc giao thương hàng hóa 2 nước gặp khó khăn. Bắt đầu từ tháng 1, với việc Trung Quốc mở cửa, tình hình xuất khẩu rau quả của Việt Nam đã có dấu hiệu khởi sắc. Ngoại trừ tháng 1 giảm 5,2%, kết quả kim ngạch xuất khẩu rau quả sang thị trường này ghi nhận đà tăng trưởng mạnh, trong đó tháng 5, 6 và 9 đều trên 400%.
Ngoài ra, một số thị trường khác tăng trưởng tốt cũng góp phần vào kết quả chung xuất khẩu rau quả 9 tháng như Hà Lan tăng 50% lên mức 118 triệu USD; Hàn Quốc tăng 20%, đạt 188 triệu USD…
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn lý giải, các nghị định thư mà Việt Nam đã ký với Trung Quốc trong năm ngoái đã giúp hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam từ đầu năm 2023 đến nay có nhiều thuận lợi. Sầu riêng, xoài, thanh long, chuối là những sản phẩm đóng góp kim ngạch lớn nhất. Trong đó, sầu riêng vươn lên dẫn đầu các nhóm hàng trái cây với kim ngạch đã vượt 1 tỷ USD tính đến hết tháng 8.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, sầu riêng và chuối của Việt Nam ngày càng được nhiều quốc gia ưa chuộng do chất lượng nâng cao. Đặc biệt, vụ sầu riêng Việt kéo dài, từ tháng 2 đến tháng 6 thu hoạch ở các tỉnh miền Tây; tháng 6 đến tháng 10 thu hoạch miền Đông và Tây Nguyên nên sản lượng dồi dào, giá cạnh tranh hơn so với hàng Thái Lan, Philippines.
Muốn xuất khẩu đi các thị trường lớn, giá trị cao, rau quả Việt Nam phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn cao của thị trường Mỹ, EU. Nông sản Việt ngoài đảm bảo chất lượng cần hướng đến phát triển chế biến sâu ứng dụng công nghệ hiện đại, phù hợp với quy mô nhỏ, vừa.
Tin vui mới nhất đến với ngành rau quả Việt khi mới đây trái dừa sọ của Việt Nam đã chính thức được cấp “visa” sang Mỹ. Đây là tín hiệu tích cực thúc đẩy mặt hàng dừa và các sản phẩm từ dừa đạt mục tiêu xuất khẩu trên 1 tỷ USD trong năm 2023.
Hiện, Việt Nam đứng thứ 7 về sản xuất dừa trên toàn thế giới. Diện tích trồng dừa vào khoảng 188.000ha, tập trung chủ yếu ở các tỉnh: Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang, Vĩnh Long. Cả nước cũng có hơn 90 doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm từ dừa, trong đó có 42 doanh nghiệp xuất khẩu những sản phẩm chế biến sâu.