Xuất khẩu rau quả 7 tháng đạt 3,8 tỷ USD, sầu riêng vẫn là chủ lực

Trang Mai 07:12 | 26/07/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong thời gian tới, dự kiến 2 mặt hàng là dừa tươi và sầu riêng đông lạnh sẽ được xuất khẩu chính ngạch, dự kiến đem về 500 triệu USD trong năm đầu tiên.

Sầu riêng đông lạnh và dừa tươi dự kiến mang về 500 triệu USD/năm 

Theo thông tin từ ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, ước tính 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước đạt hơn 3,8 tỷ USD, tăng trên 23% so với cùng kỳ năm 2023. 

 

Trong top 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất, hầu hết đều tăng trưởng từ 15% đến 96%. Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất với gần 2,2 tỷ USD, chiếm 64% tổng kim ngạch xuất khẩu. Thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của rau quả Việt Nam là Hàn Quốc, đạt 164 triệu USD tăng 57,9% so với cùng kỳ năm 2023. Theo sau đó là Mỹ với 157 triệu USD. Đặc biệt là Thái Lan, một trong những thị trường cạnh tranh trực tiếp của Việt Nam, đạt 97 triệu USD.

 

Trao đổi với phóng viên Doanh nhân Việt Nam, ông Đặng Phúc Nguyên cho biết: Sầu riêng, thanh long, chuối, xoài, mít... là những mặt hàng xuất khẩu chính của rau quả Việt Nam trong 7 tháng đầu năm nay. Ngoài ra còn có các loại quả khác như chôm chôm, măng cụt, dưa hấu… 

Đánh giá về mặt hàng sầu riêng đông lạnh và dừa tươi chuẩn bị được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, ông Nguyên đánh giá: “Hai mặt hàng này trước mình không tập trung làm nhiều, cơ sở vật chất chưa được phát triển tối ưu nên khi mở cửa thị trường thì chắc chắn 1- 2 năm đầu kim ngạch xuất khẩu không tăng nhiều như sầu riêng trái. Ước tính cả 2 mặt hàng sẽ mang lại khoảng 500 triệu USD/năm. Đến năm sau nếu có sự đầu tư thêm, mở rộng nhà máy, công nghệ này kim ngạch có thể tăng lên”.

Đầu năm nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo, năm 2024 ngành hàng rau quả tiếp tục đón nhận những kỷ lục mới, với giá trị kim ngạch xuất khẩu ước đạt 6-6,5 tỷ USD, tăng trưởng ở mức 15%-20% so với năm 2023. Như vậy, mức kim ngạch đạt được trong 7 tháng đầu năm đã đạt 58%-63% dự báo trên. 

“Muốn phát triển lâu bền thì chất lượng phải ổn định”

Đánh giá về triển vọng từ các thị trường trong thời gian tới, đại diện Hiệp hội cho hay: “Các thị trường xuất khẩu rau quả của mình chủ yếu nằm ở khu vực Đông Á, tức là trong đó có khu vực Đông Nam Á, gồm các nền kinh tế như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), trong đó thị trường Trung Quốc là quan trọng nhất, chiếm khoảng 65% kim ngạch xuất khẩu của rau quả. Đó là những khu vực nằm trong vùng ôn đới, cho nên họ rất cần những rau quả nhiệt đới của mình. Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển, thời gian vận chuyển ngắn nên hàng hoá có ưu điểm hơn so với các khu vực khác ở xa. 

Quan trọng, đây là những khu vực có nền kinh tế phát triển, đời sống của người dân càng ngày càng cao, nên vấn đề dinh dưỡng và sức khoẻ họ rất chú trọng. Do đó sẽ tiêu thụ rất nhiều hoa quả, nhưng cũng sẽ đòi hỏi chất lượng càng ngày càng cao, trong đó có vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát dư lượng và công nghệ bảo quản, chế biến phải vượt trội hơn các nước khác. Cho nên mình đã chiếm được các thị trường này". 

Trao đổi về những khó khăn khi tìm kiếm thị trường mới, ông Nguyên đánh giá: “Mình cũng cố gắng đa dạng hóa thị trường, các mặt hàng. Nhưng hiện nay có nhiều vấn đề khó khăn. Thứ nhất là những khủng hoảng ở biển Đỏ làm tăng chi phí vận chuyển. Thứ hai là xung đột Nga, Ukraine. Thứ ba là kênh đào Panama thiếu nước, làm đình trệ, chậm dòng chảy, khiến việc xuất khẩu đi những nơi khác gặp nhiều khó khăn (về logistic). 

Đó là những khó khăn mình phải vượt qua bằng cách có hàng hóa chất lượng, rồi công nghệ bảo quản, công nghệ chế biến vượt trội...”

Tuy nhiên, việc nắm giữ những thành quả mình đã đạt được để làm bước đệm cho những sự phát triển mới, ông Nguyên cũng lưu ý các doanh nghiệp cần phải làm ăn chuẩn chỉ, nghiêm túc, đáp ứng đầy đủ yêu cầu để có thể xuất khẩu bền vững, giữ hình ảnh, uy tín cho thương hiệu rau quả Việt. 

“Mình muốn phát triển lâu, bền vững thì đầu tiên là giữ gìn chất lượng, sản lượng ổn định, tốt và đều, chứ không phải lúc hàng tốt, lúc hàng xấu, khi thì nhiều, khi thì ít hàng, nghĩa là chất lượng phải tốt và ổn định. Ngoài ra, mình cũng phải phát triển thêm những công cụ, công nghệ bảo quản, chế biến thì mới cạnh tranh được với các nước và phát triển bền vững và giữ vững được thị phần”, ông Đặng Phúc Nguyên nhấn mạnh.  

Với nguồn cung dồi dào và các thỏa thuận thương mại mới, Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự báo xuất khẩu có thể đạt mức 7-7,5 tỷ USD trong năm nay.