Yêu cầu nghiên cứu thành lập quỹ đầu tư nhà ở xã hội

Đông Bắc 07:05 | 13/03/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao các đơn vị nghiên cứu thành lập quỹ đầu tư nhà ở xã hội bao gồm ngân sách Nhà nước, đóng góp của doanh nghiệp từ chi phí 20% Xây nhà ở xã hội trong dự án nhà ở thương mại và các nguồn hợp pháp khác...

  

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa có buổi chủ trì cuộc họp trực tiếp và trực tuyến của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản (BĐS) cho địa phương, doanh nghiệp (Tổ công tác) sau khi Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) được ban hành.

 Phó Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu thành lập quỹ đầu tư nhà ở xã hội. Ảnh VNN.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao các địa phương tính toán cụ thể nhu cầu của người dân, bố trí đầy đủ quỹ đất dành cho các dự án nhà ở, cải tạo chung cư cũ, trong quá trình lập, thực hiện quy hoạch đô thị và nông thôn; báo cáo hoạt động của các tổ công tác của địa phương về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản.

Đối với nguồn vốn dành cho dự án nhà ở xã hội, Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính nghiên cứu chính sách tài khóa dài hạn hỗ trợ lãi suất cho các khoản vay tín dụng ưu đãi.

Đồng thời, các đơn vị nghiên cứu về việc thành lập quỹ đầu tư nhà ở xã hội bao gồm ngân sách Nhà nước, đóng góp của doanh nghiệp từ chi phí 20% xây nhà ở xã hội trong dự án nhà ở thương mại và các nguồn hợp pháp khác hỗ trợ cho doanh nghiệp xây nhà ở xã hội và người dân mua nhà ở xã hội.

Đẩy mạnh triển khai chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội

Báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết đã 3 lần công bố danh mục 24 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ đủ điều kiện được vay vốn trong gói 120.000 tỷ đồng trên cổng thông tin điện tử của cơ quan này với quy mô 20.188 căn hộ, tổng mức đầu tư 19.014 tỷ đồng. Ngoài ra, có 28 địa phương công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay với nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm hiện tại, có 6 dự án nhà ở xã hội tại 5 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 415 tỷ đồng. Về phía doanh nghiệp, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, mới có 1 chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được vay vốn với số tiền là 125,84 tỷ đồng.

Đáng chú ý, chưa có báo cáo nào cho thấy người dân vay được tiền từ gói 120.000 tỷ đồng này.

Tại cuộc họp, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đã có báo cáo một số vướng mắc trong gói cho vay nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng. Ông Đào Minh Tú cho rằng, vấn đề mấu chốt ở đây cần tạo điều kiện cho “cầu tiếp cận được nguồn cung” và đẩy mạnh nguồn cung, trên cơ sở đó giảm giá khách quan của thị trường trên quan hệ cung-cầu cũng như với các dự án, tập đoàn đẩy giá, lũng đoạn và đầu cơ bất động sản.

Đại diện các ngân hàng BIDV, Agribank, Vietinbank, UBND TP. Hà Nội… cho biết khó khăn trong giải ngân gói tín dụng thương mại 120.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội là khả năng đáp ứng của chủ đầu tư về năng lực tài chính, tài sản bảo đảm, tính thanh khoản của dự án, giới hạn về tỷ suất lợi nhuận của các dự án nhà ở xã hội…

"Không phải tất cả doanh nghiệp xây nhà ở xã hội mà BIDV tiếp cận đều có nhu cầu vay vốn, vì nhiều dự án chưa có đầy đủ điều kiện để triển khai, hoặc đang sử dụng vốn tự có”, ông Trần Phương, phó Tổng Giám đốc BIDV trao đổi.

Một số kiến nghị rút ngắn thời gian rà soát thủ tục pháp lý, nguồn gốc sử dụng đất dự án nhà ở xã hội; đơn giản hoá quy trình, thủ tục hành chính; nới lỏng điều kiện tiếp cận tín dụng cho chủ đầu tư và người mua có thu nhập trung bình và thấp…

Sáng 12/3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam tổ chức Hội nghị đẩy mạnh triển khai chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư. Tại Hội nghị, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh, chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội là nguồn vốn của các NHTM. Vì vậy, quan điểm cho vay, giải ngân là đúng mục tiêu, đúng đối tượng của gói hỗ trợ này, hướng tới nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp.

 "Do đây là gói hỗ trợ phục vụ mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội vì vậy có thể kéo dài một vài năm cho nên không giải ngân thật gấp thật nhanh. Nhưng những dự án đủ điều kiện thì phải được giải ngân ngay”, Phó Thống đốc lưu ý.

Qua Hội nghị này, Phó Thống đốc mong muốn được lắng nghe những chia sẻ về quá trình triển khai cũng như đưa ra những khó khăn, vướng mắc từ hai phía ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản, để đảm bảo gói tín dụng 120.000 tỷ đồng được đi vào cuộc sống một cách hiệu quả nhất.