Ai quản lý chất lượng an toàn thực phẩm của các shop bán đồ ăn online trên Facebook?

06:55 | 01/10/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thực phẩm là một trong những mặt hàng được bán nhiều nhất trên các trang mạng xã hội như Facebook. Câu hỏi ai là người quản lý vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm với các cửa hàng online này vẫn còn bỏ ngỏ.
Ngày nay, Facebook - mạng xã hội nhiều người dùng nhất Việt Nam là nơi kinh doanh buôn bán online của không ít tiểu thương. Việc quản lý kinh doanh thương mại trên các nền tảng mạng xã hội này vẫn luôn là vấn đề đau đầu với nhà chức trách. Đối với mảng kinh doanh thực phẩm, đồ uống, bên cạnh việc không biết thu thuế hay quản lý giám sát ra sao thì còn vấn đề nữa là kiểm duyệt chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Lên Facebook hay Zalo bây giờ, bất cứ ai cũng có thể tìm được các cửa hàng online bán đủ loại đồ ăn, từ đồ tươi cho đến thực phẩm đóng gói, món gì cũng có. Khi dịch Covid-19 diễn biến khó lường, nhu cầu mua sắm online càng tăng cao, các gian hàng kinh doanh thực phẩm online trên các trang mạng xã hội Zalo, Facebook... cũng ngày càng nhiều. 

Khi bán hàng, các chủ cửa hàng đều đưa ra những lời quảng cáo hấp dẫn, cam kết về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhưng cũng như mọi mặt hàng bán online khác, không phải lúc nào chất lượng hàng hóa cũng như quảng cáo. Qua tìm hiểu các gian hàng kinh doanh thực phẩm online phần lớn mặt hàng thực phẩm rao bán đều không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có địa chỉ kinh doanh...

Ai quản lý chất lượng an toàn thực phẩm của các shop bán đồ ăn online trên Facebook? - ảnh 1
Shop bán đồ ăn giờ đây có thể tìm thấy nhan nhản trên Facebook, Instagram hay Zalo
 
Bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội phát biểu trên báo rằng, khách hàng có thể tìm đến các địa chỉ bán thực phẩm online thông qua các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook một cách dễ dàng. Phần nhiều các cơ sở này đều là kinh doanh không có giấy phép, các sản phẩm chế biến không có giấy chứng nhận về an toàn thực phẩm. Các shop đa số cũng là mở theo kiểu làm ăn buôn bán nhỏ, chỉ cần vốn rất nhỏ cũng có thể trở thành chủ shop. Chất lượng sản phẩm thì chỉ có thể được cam đoan bằng miệng, khó kiểm chứng. Những mặt hàng bán online thế này tiềm ẩn nguy cơ lớn mất an toàn thực phẩm.

Lỗ hổng pháp lý đối với kinh doanh online trên mạng xã hội đã được nêu ra từ lâu, nhưng đến nay thực tế giải quyết vẫn chưa là bao. Theo ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), việc kiểm soát kinh doanh thực phẩm bán qua kênh online rất khó khăn khi có rất nhiều tài khoản bán hàng chỉ là trung gian, không có sản phẩm, không có cửa hàng hay địa chỉ cụ thể. Người tiêu dùng cũng đa số không mấy quan tâm về việc sản phẩm có được kiểm định gì không mà chủ yếu quan tâm tới giá cả, bị thuyết phục mua hàng bởi hình ảnh và lời lẽ quảng cáo là chính. Với sự dễ tính như vậy, “đất sống” cho hình thức buôn bán như thế càng nhiều. 

Ông Hải cũng đưa ra lời khuyến nghị là người dân nên nâng cao nhận thức trong mua sắm online để tránh mua phải thực phẩm không bảo đảm an toàn vệ sinh. Cụ thể, khi mua hàng nên tìm hiểu kỹ xem gian hàng đó có uy tín hay không, tuyệt đối không mua thực phẩm ở những Fanpage hay tài khoản không có thông tin người bán và địa chỉ không rõ ràng. 

Ai quản lý chất lượng an toàn thực phẩm của các shop bán đồ ăn online trên Facebook? - ảnh 2
Khách mua đồ ăn cũng ít ai quan tâm nhiều đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm
 
Trong khi kinh doanh qua Shopee, Tiki, Lazada,... ít nhất còn có một bên phải chịu trách nhiệm kiểm định hàng hóa là công ty thương mại điện tử thì với kênh Facebook, Zalo,... nếu khách hàng có thắc mắc hay vấn đề với sản phẩm thì chỉ có thể phản ánh trực tiếp với người bán hàng. Mà đồ ăn uống thực phẩm không phải hàng hóa có giá trị lớn nên nhiều người cũng “nhắm mắt cho qua” mỗi lần mua phải hàng kém chất lượng hay hỏng hóc, không đủ an toàn vệ sinh.

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Minh Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội cho biết theo quy định pháp luật hiện hành, việc kiểm tra, xử lý phải có dấu hiệu, chứng cứ vi phạm cụ thể. Trong khi đó, 90% giao dịch trên mạng thường không có hóa đơn chứng từ. Việc tìm được những đầu mối cung cấp hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng còn gian nan hơn nhiều hàng bán trên sàn TMĐT vì mạng xã hội dễ dàng tạo ra và đóng lại trong thời gian rất nhanh.
 
Người bán có thể “biến mất” chỉ trong vài phút với thao tác khóa/xóa tài khoản. Mà đôi khi những tài khoản bán hàng cũng chưa chắc là tài khoản “chính chủ”. Trước khi các quy định pháp luật về quản lý chất lượng hàng hóa trên môi trường điện tử phù hợp với thực tiễn được ban hành và thực hiện, người tiêu dùng chỉ có cách phải tự bảo vệ lấy mình trước.
 
Kim Chi