“Sức bền” 20 năm của Facebook

H.Thủy (Tổng Hợp)/TTXVN 07:17 | 05/02/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Vào ngày 4/2/2004, sinh viên đại học Harvard tên là Mark Zuckerberg đã giới thiệu TheFacebook.com, một trang mạng xã hội dành cho các sinh viên cùng trường.

Biểu tượng của Facebook. Ảnh: Reuters

Hai mươi năm sau khi ra mắt, Facebook giờ đã là một “gã khổng lồ” công nghệ. Công ty này tiếp tục thể hiện sức mạnh bền bỉ sau khi chôn vùi những đối thủ cạnh tranh lừng lẫy một thời như MySpace và Friendster, đồng thời thiết lập một chỗ đứng khác biệt trong bối cảnh truyền thông xã hội đang phát triển ngày một cao.

 

Tính đến hiện tại, Facebook có hơn 2 tỷ người dùng hoạt động hàng ngày và luôn duy trì mức độ quan trọng đáng kể, thường chiếm vị trí trung tâm trong nhiều cuộc tranh luận về văn hóa và chính trị của thế giới.

Facebook tạo nên sự khác biệt so với các nền tảng xã hội ban đầu khác nhờ tính độc quyền ban đầu và sự nhấn mạnh vào việc “trò chơi hóa” (gamification) các mối quan hệ xã hội thông qua “lượt thích”, bình luận, lượt chia sẻ và số lượng bạn bè, cùng với tính năng cung cấp tin tức cập nhật về cuộc sống của bạn bè và người thân quen cho người dùng.

Năm 2004, Facebook là trang web duy nhất của Harvard. Trong vài năm tiếp theo, trang web đã mở rộng, đầu tiên cho phép sinh viên từ các trường cao đẳng và đại học khác đăng ký, sau đó là học sinh trung học và các chuyên gia có địa chỉ email công ty. Đến năm 2006, nhiều người dùng ban đầu đã già đi, khiến Facebook phải xây dựng mạng lưới thành viên rộng hơn.

Việc sớm nắm bắt và chú trọng đến giới trẻ đã giúp Facebook trở thành một không gian để thế hệ Millennials (chỉ những người sinh cuối những năm 1980 và đầu 1990) cập nhật thông tin về gia đình, bạn bè của họ, cũng như thông báo các cập nhật lớn và nhỏ về cuộc sống cũng như đưa ra ý kiến của họ về mọi thứ.

Kết nối xã hội mạnh mẽ là điểm thu hút mấu chốt của Facebook, giúp tạo sự khác biệt với các trang truyền thông xã hội khác phát triển trong cùng thời kỳ.

Một trong những cái tên từng là đối thủ đáng gờm nhất của Facebook giai đoạn nửa cuối thập niên 2000 là MySpace. Đây là trang truyền thông xã hội phổ biến nhất trong giai đoạn từ năm 2005-2008, tập trung mạnh vào mảng âm nhạc khi cho phép nghệ sĩ đăng bài hát lên nền tảng này. Người dùng cũng có thể quản lý danh sách phát nhạc và gửi bài hát cho bạn bè trực tuyến của họ.

MySpace đã cố gắng khẳng định mình như một nền tảng cho âm nhạc với kho nhạc khổng lồ lên tới 42 triệu bài. Nhưng việc thiếu khả năng bắt kịp nhu cầu người dùng cùng những trục trặc công nghệ đã khiến MySpace dần dần tụt lại. Vào giữa năm 2011, số người dùng hoạt động hàng tháng của MySpace đã giảm xuống còn khoảng 35 triệu. Ngược lại, vào tháng Chín cùng năm đó, Facebook đã có gần 800 triệu người dùng hoạt động hàng tháng.

Friendster, một trang mạng xã hội ra mắt vào năm 2002, cũng không trụ được lâu. Nền tảng này đã ngừng hoạt động vào tháng 6/2015 sau khi nỗ lực chuyển sang một mạng xã hội chuyên về trò chơi trước đó.

Facebook cũng giống Friendster ở chỗ nhấn mạnh vào việc duy trì kết nối với bạn bè và chia sẻ thú vui chung. Nhưng yếu tố chính dẫn đến sự sụp đổ của Friendster là các thành viên mới không có mối liên hệ chặt chẽ với những người dùng khác. Điều này làm suy yếu cơ cấu và hạn chế khả năng phục hồi của Friendster, vốn dựa vào hoạt động tương tác tích cực giữa những người dùng.

Khi MySpace và Friendster cạn kiệt sức lực, Facebook lại lấy đà thông qua đổi mới công nghệ và các vụ mua lại.

Vào tháng 4/2012, công ty đã mua lại nền tảng truyền thông xã hội tập trung vào hình ảnh Instagram với giá khoảng 1 tỷ USD. Chỉ một tháng sau, Facebook chính thức phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu tiên (IPO) với giá 38 USD/cổ phiếu. Vào thứ Sáu tuần này (2/2), cổ phiếu của Meta Platforms Inc. (công ty được Facebook đổi tên vào năm 2021) đóng cửa ở mức gần 475 USD/cổ phiếu.

Ông Pablo Boczkowski, Giáo sư tại khoa Nghiên cứu truyền thông tại Đại học Northwesterni cho biết trong một lĩnh vực kinh tế đang thay đổi nhanh chóng, tồn tại được 20 năm là một kỳ tích đáng chú ý.

Theo ông, Facebook làm khá tốt trong việc cố gắng lắng nghe những gì khách hàng muốn và cung cấp một sản phẩm được tối ưu hóa. Ông Boczkowski lưu ý rằng việc cập nhật giao diện người dùng và thiết kế không thực sự là yếu tố cần thiết để các công ty công nghệ thành công. Giống như Google, giao diện tìm kiếm của họ rất ít được điều chỉnh. Nhưng với Facebook, người dùng dễ dàng nhận thấy khá nhiều thay đổi trong những năm qua, dù không phải tất cả những điều chỉnh đó đều thành công.

Một phần sức mạnh bền bỉ của Facebook có thể đến từ khoản đầu tư vào các ứng dụng nhắn tin như Facebook Messenger và WhatsApp (được mua lại vào năm 2014 với giá 16 tỷ USD). Công ty cũng tham gia vào lĩnh vực phần cứng công nghệ vào năm 2014 khi mua công ty công nghệ thực tế ảo Oculus với giá 2 tỷ USD.

Nói về WhatsApp, một trong những ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất ở nhiều quốc gia như Ấn Độ, Brazil, Argentina và Italy, ông Boczkowski lưu ý rằng khả năng sử dụng miễn phí một nền tảng nhắn tin rất quan trọng đối với một phần rất lớn dân số toàn cầu. Bằng cách cung cấp dịch vụ này, công ty đã củng cố vai trò quan trọng của mình.

20 năm sau ngày ra mắt, Facebook - giờ là Meta - vẫn đứng vững vị trí dẫn đầu lĩnh vực mạng xã hội dù có những nền tảng khác xuất hiện như Twitter (đã đổi tên thành X) hay TikTok. Công ty vẫn tiếp tục phát triển các nền tảng và dịch vụ mới, như vũ trụ ảo (metaverse), kính thực tế ảo Quest hay nền tảng mạng xã hội Threads.

Tuy nhiên, tốc độ phát triển nhanh chóng của các mạng xã hội đã khiến Facebook trở thành trung tâm của các cuộc tranh luận xung quanh vấn đề quyền riêng tư, thu thập dữ liệu và đảm bảo an toàn trực tuyến cho người dùng.

Facebook tăng cường hoạt động giám sát nền tảng của họ trong suốt hai thập kỷ tồn tại để đáp ứng các yêu cầu của giới chức. Họ đã mở các nhóm kiểm duyệt nội dung, thành lập các trung tâm kiểm tra thông tin để chống lại các nội dung sai lệch và có hại, đưa ra các quy tắc mới về quảng cáo và triển khai những công cụ số cho phép người dùng giới hạn thời gian sử dụng thiết bị.

Giờ đây, các quy định lớn về Internet sắp có hiệu lực ở Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh, khiến Facebook và các công ty khác có khả năng phải đối mặt với khoản tiền phạt hàng tỷ USD, bị chặn các dịch vụ, thậm chí phải chịu trách nhiệm hình sự nếu họ bị phát hiện vi phạm các quy tắc an toàn thông tin trực tuyến.

Nhưng bất chấp những yếu tố bất lợi, báo cáo kết quả tài chính mới nhất của Meta được công bố vào ngày 1/2 cho thấy doanh thu đã tăng 16% vào năm ngoái lên 134,9 tỷ USD. Lợi nhuận ròng cũng tăng 69% lên 39,1 tỷ USD.

Kỷ niệm hành trình hai thập kỷ của Facebook-Meta, một điều rõ ràng là nền tảng này không chỉ định hình cách con người kết nối và chia sẻ trong không gian Internet, mà còn đóng một vai trò then chốt trong sự phát triển của bối cảnh kỹ số toàn cầu.

 

Từ khóa: #facebook