Bản tin tài chính ngày 28/9/2020: Giá vàng tuần qua đang đà giảm
Chỉ trong 1 tuần, giá vàng trong nước đã giảm khoảng 1 triệu đồng/lượng, nhưng vẫn cao hơn giá vàng thế giới hơn 3 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trong nước đã mất 1 triệu đồng/lượng trong tuần qua
Tại TP.HCM, giá vàng ngày 27/9 Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết đang ở mức 55,10 đến 55,65 triệu đồng/lượng. Tính từ đầu tuần đến giờ, giá vàng SJC đã giảm 900.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 1 triệu đồng/lượng chiều bán ra. Tập đoàn Doji tại Hà Nội niêm yết giá vàng miếng là 54,92 đến 55,4 triệu đồng/lượng. So với cuối tuần trước đó thì giá đã giảm 900.000 đồng ở cả hai chiều mua và bán.
Trong suốt cả tuần qua, chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra của các công ty kinh doanh vàng bạc trong nước đều loanh quanh ở mức 500.000 đồng/lượng.
Giá vàng thế giới giá thấp hơn trong nước 3,35 triệu đồng/lượng
Giá vàng trong nước hiện đã cao hơn giá vàng thế giới 3,35 triệu đồng/lượng, tức gần gấp đôi so với chênh lệch vào cuối tuần trước. Trong phiên cuối tuần, giá vàng quốc tế chốt tại ở mức 1.861,7 USD/ounce. Nếu quy đổi theo tỷ giá USD của ngân hàng Vietcombank hiện tại thì vàng thế giới đang tương đương 52,25 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí).
Giá USD duy trì đà tăng suốt tuần
Giá USD niêm yết ở ngân hàng thương mại trong nước đã tăng nhẹ sau thời gian dài bình ổn. Tỷ giá trung tâm của NHNN phiên cuối tuần ở mức 23.223 đồng/USD, tăng 27 đồng so với cuối tuần trước. Vietcombank tăng thêm 10 đồng lên giá 23.260 đồng/USD (mua vào) và 23.280 đồng/USD (bán ra). Trên thị trường tự do, giá USD còn tăng mạnh hơn nhiều, khoảng 80 – 90 đồng so với cuối tuần trước, ở mức 23.240 đến 23.280 đồng/USD.
Đồng bạc xanh vẫn tăng mạnh trên thị trường thế giới. Chỉ số USD-Index cuối tuần ở mức 94,57 điểm, tăng 1,56 điểm so với cuối tuần trước.

Giá đồng tiền xanh tiếp tục tăng mạnh ở quốc tế
Vốn FDI vẫn tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực chế biến, chế tạo
Theo báo cáo mới của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/9/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào nước ta đạt 21,2 tỷ USD, bằng 81,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 18 ngành lĩnh vực, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu chiếm tỷ lệ cao nhất với tổng vốn đầu tư đạt gần 9,9 tỷ USD, chiếm 46,6% tổng vốn FDI. Đứng thứ hai là lĩnh vực sản xuất, phân phối điện với tổng vốn đầu tư trên 4,3 tỷ USD, chiếm 20,6%. Danh sách top đầu này vẫn giống với cùng kỳ các năm trước.
EU công bố kế hoạch kiểm soát tiền điện tử
Ủy ban châu Âu (EC) vừa công bố các kế hoạch kiểm soát tiền điện tử để trấn an các nhà đầu tư và giúp tiền điện tử phát triển ở quy mô rộng lớn hơn vì đa số vẫn lo ngại về tính bảo mật, an toàn của chúng. Các đề xuất này sẽ được thảo luận tại Nghị viện châu Âu và có thể mất vài tháng hoặc cả năm trước khi được ban hành chính thức. Theo đó, theo đề xuất thì tiền số Bitcoin và Libra có thể bị hạn chế sự phát triển. Tiền ảo sẽ phải chịu sự giám sát của Cơ quan Ngân hàng châu Âu (EBA) và hệ thống thanh toán cũng bị siết chặt hơn.
Kim Chi