Bất động sản công nghiệp trước vận hội mới

Nguyên Ngọc 11:01 | 16/11/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Xuyên suốt giai đoạn khó khăn từ COVID-19 và hậu dịch, bất động sản công nghiệp là phân khúc duy nhất trong ngành vẫn giữ được nhịp độ ổn định và ngày càng thu hút dòng vốn ngoại.

Việt Nam rộng cửa đón vốn ngoại

Trong bức tranh nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn nhất định, hoạt động thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nổi lên điểm sáng, trong đó lĩnh vực bất động sản vẫn giữ vị trí ưu thế.

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến 20/9/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 20,21 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ.

9 tháng đầu năm, có 2.254 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, tăng 66,3% so với cùng kỳ. Tổng vốn đăng ký đạt hơn 10,23 tỷ USD, tăng 43,6% so với cùngkỳ.

Vốn đầu tư thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục tăng 2,2% so với cùng kỳ khi đạt hơn 15,9 tỷ USD, cao nhất trong giai đoạn 2018 - 2023.

Mức tăng trưởng tích cực của dòng vốn FDI thực hiện cho thấy Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn trong bối cảnh dòng vốn FDI toàn cầu có xu hướng sụt giảm sau COVID-19.

Cục Đầu tư nước ngoài đánh giá kết quả trên cho thấy các giải pháp quyết liệt của Chính phủ trong những tháng đầu năm đã mang lại hiệu quả trong việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp triển khai thực hiện giải ngân vốn đầu tư.

(Đồ họa: Alex Chu).

Đồ họa: Alex Chu).

Sau khoảng 2 - 3 năm không có nguồn cung đất công nghiệp mới ở một số vùng kinh tế trọng điểm thì nhiều dự án được khởi công xây dựng để đón dòng vốn FDI mới đổ về Việt Nam như KCN và Khu phi thuế quan Xuân Cầu - Hải Phòng (750 ha); KCN Sông Lô II - Vĩnh Phúc (165 ha); KCN công nghệ cao Long Thành - Đồng Nai (410 ha); KCN Gia Bình 2 - Bắc Ninh (250 ha); KCN SHI IP Tam Dương - Vĩnh Phúc (162 ha)...

Theo đánh giá của ông Bruno Jaspaert, Tổng giám đốc Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C, trong 7 - 10 năm nữa, Việt Nam sẽ chứng kiến sự tăng trưởng không ngừng trong lĩnh vực BĐS công nghiệp.

(Ảnh minh họa).

Những xu hướng mới

Trong chuyến công du mới đây của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Hoa Kỳ, nhiều tập đoàn lớn trong lĩnh vực hàng không, công nghệ, năng lượng đã ngỏ ý mong muốn hợp tác, đầu tư sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.

Theo ông David Jackson, Tổng Giám Đốc Avison Young Việt Nam, điều này cho thấy Việt Nam có nhiều triển vọng dài hạn để phát triển các ngành công nghiệp nói chung và lĩnh vực BĐS công nghiệp nói riêng.

“Việt Nam có nhiều thế mạnh sẵn có như vị trí địa lý, chính trị ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng với nguồn nhân lực trẻ và năng suất cao. Nhà nước cũng rất chú trọng đầu tư hệ thống hạ tầng nhằm tăng khả năng kết nối và xuất khẩu, hướng đến trở thành trung tâm logistics của Đông Nam Á.

Hiện giá thuê đất trong KCN tại Việt Nam hiện dao động ở mức 90 - 310 USD/m2/kỳ hạn, thấp hơn khoảng 20% so với Thái Lan và Indonesia. Cộng với những chính sách ưu đãi như giảm thuế đất và VAT đang áp dụng đã góp phần tạo nên sức hấp dẫn của BĐS công nghiệp Việt Nam”, Tổng Giám Đốc Avison Young Việt Nam nhận định.

 

Cũng theo ông David Jackson, nhà đầu tư nước ngoài bị hấp dẫn bởi những thế mạnh nói trên của Việt Nam. Mặc dù vậy, cạnh tranh khu vực ngày càng tăng, trong khi giá đất và giá thuê hạ tầng công nghiệp tại Việt Nam đang có xu hướng tăng nhanh, với giá thuê tăng khoảng 10 - 15%/năm; nguồn cung chưa thực sự chất lượng và đa dạng để đáp ứng các yêu cầu ngày càng tăng về tính bền vững; cuối cùng, thủ tục và quy trình đầu tư, cũng như trình độ và kỹ năng người lao động cũng cần được cải thiện hơn nữa.

Do đó, Việt Nam cần tối ưu những điểm mạnh này, kết hợp với cải thiện điểm yếu để đảm bảo thu hút một cách hiệu quả và bền vững. Cụ thể, hệ thống cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện nhưng hạ tầng “mềm” của Việt Nam cần được đẩy mạnh đầu tư hơn nữa. Đó là nhà ở cho công nhân, mặt bằng bán lẻ, trường học và cơ sở y tế để thu hút và giữ chân người lao động.

Đồng thời, kết hợp đồng bộ với các chính sách đào tạo về công nghệ và ngoại ngữ để nâng cao năng lực và kỹ năng cho họ, giúp họ ngày càng tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng.

Ngoài ra, để tránh rủi ro “tăng trưởng nóng”, thị trường cần có nhiều mô hình công nghiệp đa dạng và chất lượng hơn nữa. Yếu tố bền vững (hay tiêu chí ESG: Môi trường - xã hội - quản trị) ngày càng quan trọng đối với nhà đầu tư nước ngoài nên các KCN và cơ sở hậu cần đáp ứng các tiêu chí này để thu hút nhiều khách thuê hơn các mô hình công nghiệp truyền thống.

Dự báo dòng vốn đầu tư vào phân khúc BĐS công nghiệp trong thời gian tới sẽ tập trung vào những mô hình công nghiệp hiện đại, bền vững như KCN sinh thái, KCN công nghệ cao, trung tâm dữ liệu, nhà kho thông minh.Đây là các loại hình mà nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất đến từ những thị trường phát triển như Bắc Mỹ, châu Âu, Đông Bắc Á vốn chú trọng phát triển bền vững rất quan tâm.

Về khu vực địa lý, xét về quỹ đất, bên cạnh các thị trường chính như Hà Nội và TP HCM, điểm sáng nguồn cung tương lai sẽ tập trung ở Hà Nam, Hưng Yên, Phú Thọ và Thái Bình đối với miền Bắc; Bà Rịa- Vũng Tàu, Bình Phước và Tây Ninh ở miền Nam.