Bứt tốc tăng trưởng - Bài cuối: Lực cản tăng trưởng từ vòng xoáy suy giảm toàn cầu
Để cùng nhìn nhận rõ hơn về bức tranh kinh tế toàn cầu trong nửa đầu năm nay và những thách thức đối với kinh tế Việt Nam trong những tháng còn lại của năm 2022, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.
Thưa ông, từ góc độ các chỉ số vĩ mô, ông nhìn nhận như thế nào về đà phục hồi của nền kinh tế thế giới trong 6 tháng qua, đặc biệt là tại các nền kinh tế đầu tàu thế giới như Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU)?
Sau năm 2020 chịu tác động của đại dịch COVID-19, kinh tế thế giới năm 2021 đã có sự phục hồi mạnh mẽ. Tăng trưởng của toàn thế giới trong năm 2021 là 5,9%; trong đó Mỹ là nền kinh tế hàng đầu có mức tăng trưởng 5,7%, cao hơn cả mức tăng trưởng trước đại dịch. Tuy vậy, cũng trong năm 2021, lạm phát của thế giới nói chung và của các nền kinh tế hàng đầu thế giới đều tăng cao.
Trong những tháng đầu năm nay, kinh tế thế giới đã phát triển chậm lại. Cụ thể, kinh tế Mỹ quý I chỉ tăng 1,7%, là mức tăng trưởng khá thấp và dự báo quý II sẽ không tăng. Tương tự tại Trung Quốc, quý I/2022 nền kinh tế này tăng trưởng 4,8%, trong khi quý I năm trước đã tăng tới 18,3%.
Nhìn chung nền kinh tế thế giới trong nửa đầu năm 2022 tăng trưởng chậm lại trong bối cảnh lạm phát tăng cao và đã có dấu hiệu suy thoái kinh tế.
Thưa ông, đâu là những yếu tố chủ yếu khiến kinh tế toàn cầu vẫn chưa phục hồi như mong đợi?
Yếu tố đầu tiên là lạm phát tăng cao. Đây là hậu quả của năm 2021 khi các nền kinh tế lớn đều tăng mức chi tiêu, cộng thêm chính sách tiền tệ nới lỏng. Tại Mỹ, lạm phát đạt mức 8,5% vào tháng 3/2022 và các nhà kinh tế Mỹ cho rằng lạm phát lúc đó đã đạt đỉnh. Sang tháng 4, con số này giảm xuống còn 8,3% nhưng rồi lại bùng lên 8,6% khi sang tháng 5. Tương tự tại EU, lạm phát tăng lên đến trên 8% và đã tăng 7 tháng liên tiếp. Lạm phát tăng cao cũng làm cho các chính phủ phải xem xét lại chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng.
Trong bối cảnh đó, ngân hàng trung ương các nước đã tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát. Tháng 6 vừa qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản, tức là 0,75 điểm phần trăm, lên mức từ 1,5-1,75%.
Ủy ban Thị trường mở Liên bang Mỹ (FOMC) dự kiến FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong năm nay lên mức khoảng từ 3,1-3,6%. Nếu lạm phát không giảm, lãi suất sẽ tiếp tục tăng trong năm 2023. Và nếu cứ tăng như vậy, đến cuối năm 2023, lãi suất có thể ở mức từ 4,1-4,6%.
Từ ngày 1/7 tới, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng sẽ tăng lãi suất. Đây là lý do khiến cho chính sách nới lỏng tiền tệ, tài khóa bị thu hẹp lại, làm giảm tăng trưởng.
Nguyên nhân nữa là do đại dịch COVID-19 bùng phát và gây ra hàng loạt hệ lụy mà kinh tế thế giới chưa khắc phục được, như đứt gãy chuỗi cung ứng, giá cả nguyên vật liệu tăng cao do thiếu hụt nguồn cung.
Thêm nữa, cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine càng làm trầm trọng hơn những hệ lụy của dịch COVID-19.
Đây là 3 nhóm yếu tố khiến tình hình kinh tế nói chung, nhất là tăng trưởng kinh tế nửa đầu năm suy giảm.
Thưa ông, những bất ổn mà kinh tế thế giới đang đối mặt đã tác động như thế nào đến đà phục hồi của kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm nay?
Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn. Có đến 37% nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ sản xuất trong nước là nhập khẩu từ nước ngoài.
Trong năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, giá nguyên, nhiên, vật liệu tăng rất mạnh. Nền kinh tế có độ mở cao sẽ phải chịu nhập khẩu lạm phát. Nói cách khác, sản xuất trong nước sẽ phải chịu giá thành tăng cao hơn.
- TIN LIÊN QUAN
-
Bứt tốc tăng trưởng: Bài 1 - Trên quỹ đạo phục hồi 30/06/2022 - 07:27
-
Bứt tốc tăng trưởng: Bài 2 - Sức bật từ 'bình oxy' đầu tư công 01/07/2022 - 06:28
-
Bứt tốc tăng trưởng - Bài 3: Doanh nghiệp trở lại guồng quay 02/07/2022 - 07:00
Thứ hai, các ngân hàng trung ương tăng lãi suất cũng sẽ tác động đến tỷ giá hối đoái của Việt Nam, làm sao để giữ ổn định cho kinh tế trong nước là thách thức lớn.
Việc nhiều nước tăng lãi suất tác động rất lớn đến kinh tế Việt Nam. Khi lãi suất tăng thì các nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ tính toán lại dòng vốn, họ có thể sẽ quay dòng vốn trở về chính quốc, nơi mà dòng tiền có giá trị hơn.
Khi chính phủ các nước nâng lãi suất cũng ảnh hưởng đến thương mại Việt Nam bởi nâng lãi suất làm tiền Việt mất giá đi, xuất khẩu khó hơn. Đồng thời khi lãi suất tăng cao, kinh tế các nước suy giảm thì tổng cầu của các nước cũng suy giảm theo, điều này sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam.
Trong bối cảnh lạm phát tăng cao, người dân các nước đang tính toán lại chi phí để làm sao trang trải được cuộc sống. Điều này cũng ảnh hưởng đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Thưa ông, báo cáo mới nhất công bố trong tháng 6, các định chế tài chính lớn và nhiều tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hay Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đều hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022. Vậy ông dự báo như thế nào về kịch bản tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022?
Trước khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine, các định chế tài chính quốc tế đã dự báo kinh tế toàn cầu năm 2022 sẽ vẫn tăng nhưng mức tăng thấp hơn năm 2021. Hiện nay thế giới đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng 3 chiều: Lương thực - năng lượng - tài chính. Cuộc chiến giữa Nga - Ukraine càng làm những khó khăn trở thành quy mô toàn cầu. Chưa kể thiên tai, biến đổi khí hậu khó lường đang làm trầm trọng hơn nguy cơ thiếu hụt năng lượng toàn cầu.
Vì thế, gần đây WB đã giảm mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ 4,1% xuống còn 2,9%. Bên cạnh đó IMF cũng cắt giảm dự báo từ 4,4% xuống còn 3,6% và dự báo tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 chỉ còn 3,3% so với mức bình quân của giai đoạn trước là 4,1%.
Với những dự báo như vậy, tôi cho rằng kinh tế thế giới năm nay sẽ tăng trong khoảng từ 3-3,3%.
Nhiều chuyên gia cho rằng nỗ lực của các ngân hàng trung ương trong chống lạm phát cao kéo dài đang bộc lộ những tác dụng không mong muốn, có thể khiến nhiều quốc gia đi vào suy thoái kinh tế. Quan điểm của ông về nhận định này như thế nào?
Ở góc độ của sản xuất, chi phí vay vốn, chi phí sản xuất tăng cao. Ngay cả vay tiêu dùng của khu vực dân cư cũng sẽ gặp khó khăn. Điều đó sẽ khiến nguồn cung thiếu hụt và ngay cả tổng cầu cũng suy giảm. Đây là 2 yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế.
Trong bối cảnh đó, tất cả các kế hoạch đầu tư sản xuất cũng phải thay đổi. Các nhà kinh tế thế giới nói rằng thế giới đang phải đối mặt với khủng hoảng tài chính, có nghĩa là thiếu tài chính trầm trọng do đó đầu tư bị thiếu hụt. Đồng thời bối cảnh trên cũng kìm nén sản xuất của thế giới, suy thoái, đình trệ.
Như trường hợp của Mỹ, quý I chỉ còn tăng 1,5%, quý II không tăng. Theo các nhà kinh tế, cứ 2 quý liên tiếp không tăng hoặc giảm so với quý trước thì đã gọi là suy thoái.
Thưa ông, là nước đã hội nhập sâu rộng, Việt Nam cần tập trung vào những giải pháp gì để ứng phó với những tác động không mong muốn từ đà suy giảm của nền kinh tế thế giới để duy trì được đà tăng trưởng và ổn định các cán cân kinh tế vĩ mô?
Thứ nhất, cần chủ động linh hoạt, phối hợp hiệu quả trong điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ trong bối cảnh lạm phát tăng cao và ngân hàng trung ương các nước tăng lãi suất.
Thứ hai cần chủ động và khẩn trương thực hiện các giải pháp trong gói hỗ trợ kinh tế.
Thứ ba, cần chủ động nguồn cung, đa dạng hóa nguồn cung đảm bảo đủ nguyên, nhiên, vật liệu cho sản xuất của nền kinh tế, không đứt gãy trong khâu sản xuất và đủ hàng hóa cho tiêu dùng.
Thứ tư, cần nâng cao năng lực dự trữ để đảm bảo luôn đủ nguồn cung đối với các nguyên, nhiên, vật liệu thiết yếu như xăng dầu, lương thực... để đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực.
Thứ năm, cần khơi thông các điểm nghẽn về thể chế để có thể đẩy mạnh đầu tư, nhất là đầu tư công.
Ngoài ra, cũng cần có giải pháp về chính sách tài khóa và tiền tệ để kích thích tổng cầu của nền kinh tế. Đặc biệt, Việt Nam đang có 100 triệu dân và tầng lớp trung lưu phát triển khá mạnh. Những loại hàng hóa nào mà người dân đang quan tâm thì cần có các chính sách, nhất là tín dụng, để hỗ trợ tiêu dùng, giúp đẩy mạnh tổng cầu.
Trân trọng cảm ơn ông!