Cấm tổ chức tín dụng bán sản phẩm bảo hiểm kèm dịch vụ ngân hàng

Đông Bắc 14:07 | 18/01/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Luật các Tổ chức tín dụng được Quốc hội thông qua vào sáng 18/1 đã bổ sung quy định cấm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm đi kèm với cung ứng dịch vụ ngân hàng.

  

Sáng nay (18/1), với 91,25% đại biểu tán thành,  Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) chính thức được thông qua. Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/7/2024 ngoại trừ một số quy định đặc biệt.

Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) gồm 15 chương, 210 điều. So với dự thảo công bố trước đó, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa được thông qua có nhiều chỉnh lý, bổ sung quan trọng.

Trước đó, qua thảo luận, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị nghiên cứu luật hóa để có chế tài ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm của nhân viên tổ chức tín dụng (TCTD) như: việc tư vấn không đầy đủ khiến một số khách hàng nhầm lẫn giữa sản phẩm bảo hiểm và sản phẩm ngân hàng, hoặc yêu cầu mua bảo hiểm gắn với các khoản vay khi có nhu cầu vay vốn của ngân hàng.

 

 Quốc hội thông qua Luật tổ chức Tín dụng sửa đổi. Ảnh Quochoi.vn.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị không nên cho phép ngân hàng thương mại liên kết bán bảo hiểm; cấm bán chéo bảo hiểm nhân thọ.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết đã chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng bổ sung quy định nghiêm cấm TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.

Đồng thời, giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm của TCTD để phù hợp với tính chất và hoạt động của lĩnh vực ngân hàng.

Về biện pháp hỗ trợ tổ chức tín dụng được can thiệp sớm, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh có ý kiến đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng điểm a và b khoản 2 Điều 159 của dự thảo Luật quy định TCTD phải thuyết minh rõ số dự phòng rủi ro chưa được trích lập, số lãi phải thu phải thoái chưa phân bổ trong báo cáo tài chính, bao gồm cả báo cáo tài chính niêm yết công khai tại dự thảo Luật.

Giải trình, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, tại Điều 154 của dự thảo Luật đã quy định việc công khai báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp TCTD đang được kiểm soát đặc biệt. Do vậy, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Ủy ban TVQH xin tiếp thu ý kiến của đại biểu theo hướng quy định về dự phòng rủi ro chưa được trích lập, số lãi phải thu phải thoái chưa phân bổ.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ trong quá trình triển khai thực hiện Luật chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm và có giải pháp phù hợp để nắm rõ thực trạng tài chính của các TCTD này khi được áp dụng cơ chế hỗ trợ, bảo đảm an toàn hệ thống TCTD.

Về giới hạn cấp tín dụng (Điều 136) đã đưa ra một lộ trình 5 năm trong việc giảm giới hạn cấp tín dụng đối với một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó.

Cụ thể, từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành đến trước ngày 1/1/2026: 14% vốn tự có đối với một khách hàng; 23% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó. Các tỷ lệ này giảm lần lượt 1% mỗi năm và trở về mức 10% vốn tự có đối với một khách hàng; 15% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó kể từ ngày 1/1/2029.   

Đây là dự án luật có nhiều nội dung chuyên sâu, có tác động trực tiếp đến chính sách tài chính, tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô. Các quy định trong dự luật được kỳ vọng sẽ giúp hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn, lành mạnh, ổn định và bền vững, nâng cao khả năng cạnh tranh, tiếp tục phát huy vai trò là kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế.