Cảnh báo nợ xấu tăng trở lại khi Thông tư 01 hết hiệu lực

11:55 | 16/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2020, nợ xấu các ngân hàng ở mức 49.600 tỷ đồng, tăng gần 12.000 tỷ đồng so với đầu năm. Ngoài ra VCBS nhận định, tỷ lệ nợ xấu sẽ tiếp tục tăng khi Thông tư 01 hết hiệu lực.
Theo Cơ quan Thanh tra giám sát NH của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, thông tư 01 được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành vào ngày 13/3/2020 cho phép ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ hoặc “khoanh nợ”, giữ nguyên nhóm nợ đối với những tài sản, khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tính đến giữa tháng 9/2020, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 271.000 khách hàng với dư nợ 321.000 tỷ đồng.
 
Cảnh báo nợ xấu tăng trở lại khi Thông tư 01 hết hiệu lực - ảnh 1
Nhiều ngân hàng sẽ gia tăng nợ xấu khi Thông tư 01 kết thúc

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu và tài sản rủi ro của toàn hệ thống đã tăng từ mức trên 3% cuối năm 2019 lên 4,5% vào quí III/2020.
 
Điển hình như tại MB, tại thời điểm cuối quý III - 2020 có 4.036 tỷ đồng nợ xấu, tăng 9% so cùng kỳ năm trước, song nhờ tăng trưởng tín dụng cao nên tỷ lệ nợ xấu chỉ ở mức 1,5%, trong khi cùng kỳ năm trước là 1,54%. Trong khi đó, báo cáo tài chính quý III của Sacombank cho thấy, tổng tài sản đến cuối tháng 9 ở mức 485.212 tỷ đồng, tăng 7% so đầu năm; dư nợ cho vay khách hàng tăng 8,2% lên 320.214 tỷ đồng. Tuy nhiên, nợ xấu nội bảng là hơn 6.837 tỷ đồng, tăng 19% so đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn 5.490 tỷ đồng, chiếm 80% tổng nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,9% lên 2,13%.
 
Tại VPBank, tổng nợ xấu hợp nhất đến cuối quý III là hơn 10.147 tỷ đồng, cao hơn 15% so đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 3 tăng 15%, nợ nhóm 4 tăng 36%. Kết quả này kéo tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ vay của NH này tăng từ mức 3,42% đầu năm lên 3,65%.
 
Cảnh báo nợ xấu tăng trở lại khi Thông tư 01 hết hiệu lực - ảnh 2
Tỷ lệ dư nợ tái cơ cấu theo Thông tư 01 của các ngân hàng niêm yết
 
Nợ xấu TPBank tính đến ngày 30-9 là hơn 1.970 tỷ đồng, tăng 60% so thời điểm cuối năm 2019 (hơn 1.235 tỷ đồng). Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng 27% lên hơn 569,5 tỷ đồng, nợ nghi ngờ tăng 82% lên hơn 555 tỷ đồng, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 76% lên hơn 846 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ mức gần 1,3% hồi đầu năm lên gần 1,8%.

CTCP Chứng khoán Vietcombank nhận định với dấu hiệu phục hồi tốt của dư nợ tái cơ cấu, sau khi thông tư hết hiệu lực, tỉ lệ nợ xấu sẽ tăng từ 0,5 đến 1 điểm % và có mức độ phân hóa mạnh giữa các ngân hàng tùy thuộc vào chất lượng tài sản.

Các ngân hàng đã thực hiện trích lập mạnh mẽ trong năm 2020 cho các khoản nợ xấu có thể phát sinh trong tương lai sẽ ít phải chịu áp lực tăng trích lập trong năm 2021.
 
Bên cạnh đó, VCBS cho rằng nợ xấu tăng sẽ tác động lên chi phí trích lập của các ngân hàng dần dần trong vòng 2 năm 2021 và 2022, do dư nợ vẫn có quy trình 360 ngày chậm trả tính từ hạn trả nợ mới để chuyển từ nợ nhóm 1 sang nợ nhóm 5.
 
Khánh Trang