Cao su Phước Hòa có thể lãi nghìn tỷ nhờ tiền đền bù đất KCN VSIP 3

10:52 | 08/12/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo Chứng khoán VCSC, Cao su Phước Hòa (PHR) dự kiến thu về 898 tỷ đồng tiền bồi thường KCN VSIP 3 vào năm 2022, đồng thời sẽ ghi nhận thêm 20% thu nhập từ việc bán đất và 20% lợi nhuận từ cổ phần của PHR tại dự án KCN này.
KCN VSIP I tại Thị xã Thuận An, Bình Dương. (Ảnh: Becamex).  

Liên quan đến Khu công nghiệp (KCN) VSIP 3, CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) vừa đưa ra dự báo, dự án này sẽ được phê duyệt chính thức vào năm 2022 để thực hiện chuyển đổi đất và bắt đầu phát triển.

Nhận định trên của VCSC xuất phát từ bối cảnh quỹ đất công nghiệp của Bình Dương hiện rất hạn chế, do đó địa phương này sẽ sớm đẩy nhanh tiến độ dự án VSIP 3 để thu hút dòng vốn FDI. 

KCN VSIP 3 có quy mô 1.000 ha, được Thủ tướng Chính phủ duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 11/2016. Dự án có quy mô 1.000 ha, được đầu tư xây dựng tại xã Hội Nghĩa, thị xã Tân Uyên và xã Tân Lập, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Thời hạn thực hiện 50 năm, tổng vốn đầu tư thực hiện là 6.407 tỷ đồng.

Hồi tháng 2, KCN VSIP 3 đã được giảm diện tích 141 ha tại phía bắc và 120 ha tại phía Tây, bổ sung diện tích 261 ha theo phía đông.

Vừa qua, Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) vừa chào bán thành công lô trái phiếu trị giá 1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 7 năm để đầu tư vào dự án VSIP 3 Bình Dương và VSIP Nghệ An.

Với việc đền bù đất dự án VSIP 3, Chứng khoán VCSC cho rằng CTCP Cao su Phước Hòa (mã chứng khoán: PHR) có thể thu về 898 tỷ đồng tiền bồi thường vào năm 2022, chiếm khoảng 63% lãi sau thuế năm tới của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, PHR sẽ còn ghi nhận thêm 20% thu nhập được chia từ việc bán đất KCN VSIP 3 và 20% lợi nhuận được chia từ cổ phần của PHR tại dự án KCN này, do đó lợi nhuận của PHR được kỳ vọng tăng trưởng trong trung và dài hạn.

Trên cơ sở đó, công ty chứng khoán dự báo doanh thu năm 2022 của PHR có thể đạt 1.900 tỷ đồng và lãi sau thuế 1.000 tỷ đồng. 

Cũng theo VCSC, việc chuyển hướng chiến lược sang mảng KCN của PHR sẽ giúp doanh nghiệp khai thác được giá trị quỹ đất lớn. Song, không loại trừ khả năng các KCN có thể bị trì hoãn phê duyệt hoặc tỷ lệ hấp thụ đất KCN thấp hơn kỳ vọng.

Trong tháng 11 vừa qua, PHR đã công bố kế hoạch kinh doanh quý IV/2021 của công ty mẹ với tổng doanh thu hơn 479 tỷ đồng, trong đó doanh thu kinh doanh cao su là 425 tỷ, lợi nhuận trước thuế 200 tỷ đồng.

Nếu so với kết quả công ty mẹ cùng kỳ năm ngoái, mục tiêu PHR đặt ra thấp hơn 36% về doanh thu và 53% về lợi nhuận trước thuế. Mặc dù vậy, quý IV năm ngoái công ty có ghi nhận doanh thu và lợi nhuận từ cho thuê đất KCN và khoản đền bù hỗ trợ thiệt hại khi bàn giao đất KCN Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn 2.