Cao su Phước Hoà: Giá bán mủ cao su giảm sâu, mảng BĐS công nghiệp 'gánh' hầu hết lợi nhuận
Lợi nhuận nhích nhẹ so với cùng kỳ
CTCP Cao su Phước Hoà (mã: PHR) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III với doanh thu thuần đạt 453 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước; kéo theo đó, lợi nhuận gộp giảm 7,4%, xuống còn 149 tỷ đồng.Kết quả giảm này chủ yếu do doanh thu bán thành phẩm (cao su và gỗ) sụt giảm 32% còn 258 tỷ đồng, trong đó bán cao su tiếp tục chịu áp lực về giá và sản lượng.
Ngược với đà giảm của doanh thu bán thành phẩm, doanh thu cho thuê đất và phí sử dụng hạ tầng khu công nghiệp đạt 193 tỷ đồng, tăng 42%. Mặc dù chỉ chiếm 42% trong cơ cấu doanh thu, nhưng mảng này chiếmđến 95% cơ cấu lợi nhuận gộp. Biên lợi nhuận gộp của mảng ở mức cao với 74%, nhờ chi phí chuyển đổi từ đất trồng cao su sang đất nông nghiệp thấp.
Ngoài ra, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính trong quý tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ lãi tiền gửi ngân hàng tăng. Ngoài ra, lãi từ công ty liên kết tăng nhờ ghi nhận 25 tỷ đồng tiền lãi từ CTCP Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên.
Xét về các khoản chi phí, chi phí tài chính trong kỳ đã giảm 24,3%, còn 3,3 tỷ đồng; chi phí bán hàng cũng giảm 24%, còn 10 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp gần như đi ngang, đạt gần 26 tỷ đồng.
Kết quả, PHR báo lãi ròng ở mức 144 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, doanh nghiệp cao su này ghi nhận tổng doanh thu thuần 890 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ năm 2022.
Nguồn doanh thu 9 tháng đầu năm vẫn đến chủ yếu từ bán thành phẩm với 656 tỷ đồng, chiếm 73%; mảng cho thuê đất và phí sử dụng hạ tầng khu công nghiệp đứng thứ 2 với 223 tỷ đồng; còn lại doanh thu xử lý nước thải khu công nghiệp và một vài khoản khác. Khoản thu từ cổ tứchai công ty liên kết là NTC và CTCP Thể thao Ngôi sao Geru đã giúp doanh nghiệp lãi ròng hơn 505 tỷ đồng trong 9 tháng, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm ngoái.
So với kế hoạch kinh doanh cả năm, doanh nghiệp đã hoàn thành 34% mục tiêu doanh thu và 54% mục tiêu lợi nhuận hợp nhất cả năm nay.
Nhiều đơn vị chứng khoán nhận định rằng, PHR sẽ hưởng lợi từ việc giá cao su thế giới đang phục hồi trở lại theo đà tăng của giá dầu thô và dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam đang hồi phục tích cực từ năm 2024, còn năm 2023 thì kết quả có thể sẽ vẫn giảm so với cùng kỳ.
Theo đó, trong phân tích hồi tháng 9, chứng khoán MBS nhận định, các quốc gia có nguồn cung cao su lớn đã có chính sách hạn chế sản lượng; hợp tác quản lý nguồn cung giữa các quốc gia để cân đối với thị trường. Thái Lan (chiếm 33% sản lượng thế giới) cắt giảm diện tích đất trồng cao su trong 20 năm tới. Indonesia – đứng thứ 2 về xuất khẩu cao su trên thế giới – có xu hướng chuyển đổi đất trồng cao su sang trồng dầu cọ và các loại nông sản khác có giá trị kinh tế cao hơn.
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu và tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới, tiêu thụ 40% tổng lượng cao su thế giới hàng năm. Nhu cầu tiêu thụ cao su tại Trung Quốc ngày càng tăng nhờ có nhiều chính sách thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất ô tô, đặc biệt là ô tô điện. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc (CAAM), sản lượng sản xuất xe ô tô trong nửa đầu năm 2023 đạt 13 triệu xe tăng 9,3% so với cùng kỳ, sản lượng xe ô tô xuất khẩu hơn 2,14 triệu xe tăng 75,7% so với cùng kỳ để trở thành nước xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới.
MBS cho rằng giá bán cao su năm 2023 của PHR đạt 35,5 triệu đồng/tấn, giảm 8%, và sẽ phục hồi vào năm 2024 với mức tăng là 3%. Sản lượng tiêu thụ cao su ước đạt khoảng 35.000 tấn mỗi năm giai đoạn 2023-2024. Theo đó, đơn vị dự phóng lợi nhuận từ bán cao su năm 2023-2024 lần lượt đạt 187 tỷ đồng, giảm 3,5% và 192 tỷ đồng, tăng 2,4%.
Tính đến cuối tháng 9/2023, tổng tài sản của Cao su Phước Hoà đạt hơn 6.000 tỷ đồng, giảm khoảng 4,5% so với thời điểm đầu năm nay, chủ yếu do giá trị tài sản dở dang dài hạn và tài sản dài khác giảm.
Doanh nghiệp hiện đang có 76 tỷ đồng chi phí sản xuất kinh doanh dở dang, bao gồm 59,3 tỷ đồng chi phí dở dang tại Dự án Khu dân cư Phước Hoà và 17 tỷ đồng liên quan đến chi phí tại Khu tái định cư và nhà ở cho công nhân Tân Bình.
Đối với dự án Khu dân cư Phước Hoà, Cao su Phước Hoà đang hoàn thiện hồ sơ để tách nền đất bàn giao cho các khách hàng đã ứng trước tiền. Dự án này có diện tích 31,35 ha với tổng mức đầu tư 107 tỷ đồng.
Ngoài ra, nợ phải trả tính đến cuối tháng 9/2023 của PHR đã giảm 19% so với thời điểm đầu năm nay, xuống còn 2.340 tỷ đồng (chiếm 39% tổng nguồn vốn). Trong đó, tổng nợ vay giảm 22%, xuống còn 206 tỷ đồng.
Kỳ vọng tăng trưởng đặt vào mảng khu công nghiệp
Cao su Phước Hoà hiện đang dần xoay trục hoạt động kinh doanh từ mảng cao su sang mảng bất động sản khu công nghiệp (KCN). Công ty hiện quản lý quỹ đất quy mô 15.687 ha và đã xây dựng kế hoạch sử dụng đất cho hơn 10.000 ha từ nay cho đến 2030, trong đó gần 5.000 ha sẽ quy hoạch thành các khu công nghiệp, 1.018 ha quy hoạch thành các cụm công nghiệp ở các huyện Phú Giáo, Bắc Tân Uyên và Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương.
Quỹ đất chuyển đổi này là động lực tăng trưởng trong dài hạn cho PHR nhờ lợi thế chi phí giải phóng mặt bằng cho đất cao su ở mức thấp và các khu công nghiệp lớn tại tỉnh Bình Dương hiện đã đạt tỷ lệ lấp đầy cao.
Tuy nhiên, triển vọng mảng KCN của PHR phụ thuộc lớn vào tiến độ hoàn thiện thủ tục pháp lý của các dự án, nhất là khi hầu hết các khu công nghiệp hiện nay của doanh nghiệp đã được lấp đầy, quỹ đất sạch không được bổ sung trong những năm gần đây.
Lợi nhuận từ hoạt độngKCN của PHR còn đến từ các khoản đầu tư vào công ty liên kết là dự án KCN VSIP 3 (PHR sở hữu 20%) và CTCP KCN Nam Tân Uyên – NTC (PHR sở hữu 33%).
Dự án KCN VSIP 3 nằm ở vị trí thuận lợi cạnh trung tâm thành phố mới Bình Dương. Đến hiện tại, KCN này đã thu hút được dự án của Tập đoàn LEGO có quy mô 1,3 tỷ USD trên diện tích đất thuê 44 ha và dự án của Tập đoàn Pandora có quy mô đầu tư 100 triệu USD trên diện tích đất thuê 10 ha.
NTC đã được UBND tỉnh Bình Dương giao 346 ha đất để thực hiện dự án KCN Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn 2. Dự án có vị trí đắc địa, kết nối với các trung tâm công nghiệp như TPHCM, Bình Dương.
Đối với mảng KCN,MBS dự báo PHR ghi nhận lợi nhuận 493 và 480 tỷ đồng trong năm 2023-2024, giảm lần lượt 49 và 3% so với cùng kỳ. Nếu loại trừ đikhoản thu nhập từ bồi thường đất, lợi nhuận từ KCN của PHR có thể tăng 12 và 64% trong giai đoạn 2023-2024.