Khoản đền bù của VSIP III sẽ là điểm tựa của PHR trong năm 2023?
Giá cao su phục hồi nhẹ nhờ Trung Quốc mở cửa
Trong báo cáo phân tích ngày 8/3 về thị trường cao su nói chung và công ty Cao su Phước Hòa nói riêng, chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS) nhận định, trong bối cảnh lạm phát cao cũng như Trung Quốc tiếp tục đóng cửa trong đầu năm 2022, giá bán cao su trung bình sụt giảm mạnh về mức 1.450 USD/tấn, giảm 14,7% so với cùng kỳ.
Từ tháng 11/2022, sau khi Trung Quốc thông báo thông tin mở cửa lại nền kinh tế, giá cao su đã phục hồi từ đáy 1.117 USD/tấn lên mức 1.350 USD/tấn trong tháng 2/2023. Tuy nhiên, theo dự báo của ANPRAC, nguồn cung cao su năm 2023 có thể cao hơn nhu cầu từ 2-3%, do đó MAS dự phóng giá cao su trung bình 2023-2024F dao động quanh mức 1.130-1.140 USD/tấn, giảm 10,3%.
Trong báo cáo kết quả kinh doanh đã kiểm toán, PHR ghi nhận doanh thu năm 2022 đạt 1.712 tỷ, giảm 12% và lợi nhuận ròng đạt 926 tỷ, tăng mạnh 80% so với cùng kỳ 2021, chủ yếu nhờ 698 tỷ đồng thu nhập bồi thường từ chuyển đổi đất cao su sang KCN VSIP III.
Động lực tăng trưởng lợi nhuận năm 2023 đến từ KCN VSIP III
Cũng theo MAS, dự phóng sản lượng thương phẩm cao su của PHR năm 2023F và 2024F đạt 35.931 tấn và 37.652 tấn, tăng lần lượt 1,5% và 5% so với cùng kỳ. Với kịch bản giá cao su năm 2022-2023 lần lượt đạt 37,8 triệu đồng/tấn và 38,9 triệu đồng/tấn, doanh thu dự phóng cho mảng cao su và chế biến gỗ ở mức 1.583 tỷ và 1.677 tỷ.
Về mảng cho thuê khu công nghiệp, với quỹ đất cho thuê còn lại ở KCN Tân Bình 1 dưới 10ha, MAS dự phóng doanh thu mảng cho thuê KCN chỉ đạt 211 tỷ, giảm 15% trong năm 2023F.
Ngoài ra, công ty liên kết Nam Tân Uyên (mã: NTC) dù đã hoàn tất đền bù cho PHR nhưng vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới. MAS ước tính năm 2023, nguồn cổ tức chính của PHR chủ yếu đến từ KCN VSIP III, bao gồm 261 tỷ đền bù chưa thanh toán và 160 tỷ cổ tức.
Từ các yếu tố trên, MAS dự phóng doanh thu và lợi nhuận năm 2023F của PHR đạt 1.775 tỷ và 659 tỷ. Sang năm 2024F, doanh thu giảm 3,9% xuống 1.708 tỷ đồng nhưng lãi ròng tăng lên 827 tỷ đồng.
Trong một dự phóng thận trọng hơn, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) ước tính năm 2023, doanh thu của PHR ước đạt 1.749 tỷ đồng, tăng 2,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ước đạt 528 tỷ đồng, giảm 40,4% so với cùng kỳ 2022.
Trong đó, các giả định được đưa ra trong lĩnh vực mủ cao su, xử lý gỗ, KCN và tiền đền bù dự án.
Cụ thể, đối với mảng kinh doanh mủ cao su, VDSC kỳ vọng sẽ phục hồi do thị trường Trung Quốc đã mở cửa hoàn toàn, tuy nhiên nhu cầu từ thị trường này vẫn chưa thật sự mạnh và có tác động đáng kể đến giá mủ cao su trên toàn cầu. Trong năm 2023, PHR đặt mục tiêu khai thác 11.200 tấn mủ cao su tại vườn cây ở Việt Nam, 12.200 tấn tại vườn cây Campuchia, và thu mua 13.000 tấn.
Đối với mảng xử lý gỗ dự kiến vẫn còn khó khăn, thị trường tiêu thụ chưa có tín hiệu phục hồi. Hiện tại, nhà máy chế biến gỗ Trường Phát (Công ty con của PHR) chỉ duy trì chưa đến 50% công suất thông qua việc cung cấp gỗ cho các hộ kinh doanh nhỏ lẻ trong vùng để duy trì hoạt động vận hành của nhà máy.
Đối với mảng KCN, PHR sẽ ghi nhận doanh thu của 5 ha đã ký hợp đồng trong năm 2022, với giá thuê 135 USD/m2.
Về phần thu nhập khác, PHR sẽ tiến hành thanh lý 285 ha cây cao su với giá bán 200 triệu/ha. Bên cạnh đó, phần đền bù còn lại của thương vụ với VSIP III cũng sẽ được ghi nhận trong năm 2023. Cụ thể, 207 tỷ đồng còn lại của phần đền bù cố định đã được VSIP III chuyển cho PHR trong tháng 2 và sẽ được ghi nhận trong báo cáo thu nhập của quý I/2023. Ngoài ra, phần đền bù theo tiến độ cho thuê của dự án VSIP III (hiện đã cho Lego và Pandora thuê 60 ha) kỳ vọng cũng sẽ được thanh toán trong năm nay, số tiền được nhận vào khoảng 72 tỷ đồng, tương ứng với 1,2 tỷ đồng/ha.
"Phần thu nhập đền bù từ thương vụ với VSIP sẽ tiếp tục là điểm tựa lợi nhuận của Cao su Phước Hòa trong năm 2023 trong bối cảnh mảng kinh doanh cao su kỳ vọng sẽ có sự cải thiện nhẹ khi tác động của việc Trung Quốc mở cửa đang diễn ra chậm, điều đó có thể khiến giá cao su phục hồi muộn hơn kỳ vọng. Thêm vào đó, giá cả vật tư đầu vào cũng sẽ hạ nhiệt trong năm nay khi giá cả hàng hóa đã điều chỉnh; mảng chế biến gỗ chưa có tính hiệu phục hồi từ nhu cầu tiêu thụ; mảng kinh doanh đất KCN dự kiến sẽ đi ngang khi Cao su Phước Hòa chỉ ghi nhận diện tích thuê tương đương với năm 2022", VDSC nhấn mạnh.
Theo thống kê, trong năm 2022, PHR ghi nhận khoảng 698 tỷ đồng tiền đền bù dự án KCN VSIP III. Như vậy, năm 2023, nguồn thu từ tiền đền bù có thể giảm mạnh so với cùng kỳ.
Về tiến độ góp vốn vào dự án VSIP III, PHR hiện đang trình tập đoàn phương án góp 20% vốn theo hình thức hợp tác kinh doanh (BCC) và dự kiến sẽ thực hiện trong năm nay.