CEO Tiki Trần Ngọc Thái Sơn: Từng giao sách xuyên đêm để “đón ánh mặt trời”

Quỳnh Trang 10:19 | 11/11/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Doanh nhân trẻ Trần Ngọc Thái Sơn hiện là nhà sáng lập kiêm CEO của Tiki.vn, trang thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam. Khởi nghiệp với niềm đam mê sách, vị CEO trẻ tuổi này tin rằng: “Đã có những quyển sách làm thay đổi cuộc đời tôi, tôi tin rằng sẽ có những quyển sách khác đâu đó mà Tiki bán sẽ thay đổi cuộc đời những người khác”.

Khởi nghiệp từ niềm đam mê sách ngoại ngữ

Trần Ngọc Thái Sơn sinh năm 1981 tại TP.HCM, trước khi khởi nghiệp ông từng theo học chuyên ngành thương mại điện tử của trường Đại học New South Wales, Úc. Sau khi tốt nghiệp, Trần Ngọc Thái Sơn tham gia vào các vị trí cao như Giám đốc Marketing cho Vinabook, Quản lý điều hành ở Vega và thiết kế Web cho Impaq Interactive (Thái Lan). Các vị trí này đã cung cấp nhiều kinh nghiệm cho nhà sáng lập trẻ trong các lĩnh vực như marketing, thiết kế web và sách.

Năm 2010, Thái Sơn nhận thấy nhu cầu mua và đọc sách của người tiêu dùng Việt, đặc biệt với các đầu sách ngoại ngữ rất cao. Tuy nhiên, sách ngoại ngữ ở Việt Nam thời điểm đó rất hiếm và đắt đỏ, những cửa hàng sách nổi tiếng trong nước cũng chỉ cung cấp số lượng ít. Anh từng thử đặt sách tại nhiều nước khác nhau nhưng thường xuyên phải đối mặt với những vấn đề về chi phí, mất hoặc thất lạc và sự chậm trễ trong việc giao hàng.

Nhà sáng lập kiêm CEO TiKi Trần Ngọc Thái Sơn

“Tìm mua một cuốn sách mất quá nhiều thời gian, nên tôi nghĩ đến một công cụ có thể giúp mọi người mua sách dễ dàng hơn, tiết kiệm được thời gian và tiền bạc đó là mua bán sách online” - Sơn mở đầu câu chuyện khởi nghiệp của mình như vậy.

“Tiki là tiện lợi và tiết kiệm, đó cũng là phương châm của công ty tạo mọi thuận lợi cho khách hàng lên trang web tìm cái gì cũng có, tiết kiệm được thời gian. Dành thời gian cho gia đình, bạn bè...” - Sơn giải thích.

Câu chuyện khởi nghiệp của Trần Ngọc Thái Sơn với Tiki.vn bắt đầu kể từ khi mới là chàng trai 30 tuổi và với số vốn khởi điểm là 5.000 USD - Tiền tiết kiệm của chính anh.

Những ngày đầu, trang web của Sơn chỉ bán sách tiếng Anh với hơn 100 đầu sách được để trong... gara xe của nhà, còn văn phòng công ty được đặt luôn trong... phòng ngủ của Sơn để tiện giao dịch khi khách có nhu cầu mua sách liên lạc qua điện thoại. Khi có đơn hàng Sơn tự đóng gói, bỏ lên xe rồi tự đi giao sách cho khách.

Sơn kể: “Nhiều hôm 11, 12g đêm cũng phải bật dậy đi giao sách. Nhưng vui vì khách rỉ tai nhau tìm mua sách qua mạng, tháng đầu tiên Tiki có được 20 đơn hàng”.

Sau một thời gian dài tìm hiểu thói quen tiêu dùng, anh Sơn nhận thấy khách hàng, nhất là các bạn trẻ lên mạng không chỉ mua sách mà còn có nhu cầu lớn với các mặt hàng khác. Anh dần tích góp, mở rộng mặt hàng. Bằng sự nỗ lực và nhạy bén cùng những kinh nghiệm kinh doanh, liên tiếp  trong 2 năm, Tiki đứng vị trí “Dịch vụ chăm sóc khách hàng được ưa thích nhất”, “Giao hàng được ưa thích nhất” và “Website thương mại điện tử mô hình B2C chuyên ngành sách được yêu thích nhất” do người tiêu dùng bình chọn.

Đến nay sau bốn năm hoạt động Tiki đạt được 70.000 đơn hàng/ tháng với trên 300.000 khách hàng thường xuyên. Tiki không chỉ có văn phòng riêng mà mới đây còn đầu tư xây dựng một kho chứa hàng quy mô 3.000m2.

Kiên trì để đưa Tiki.vn trở thành trang TMĐT hàng đầu Việt Nam

Câu chuyện khởi nghiệp ban đầu tuy khó khăn, nhưng không phụ sự nỗ lực và cố gắng của doanh nhân trẻ Thái Sơn, vào tháng 3/2012, Tiki đã nhận được sự đầu tư của Soichi Tajima – Chủ tịch và CEO của Quỹ đầu tư CyberAgent Ventures Inc. Nhờ vậy, tới tháng 8/2012, trang Tiki.vn đã có 80 nhân viên, văn phòng, kho chứa và phát triển thành nhà sách trực tuyến số 1 tại Việt Nam.

Dấu mốc lịch sử chính là năm 2016, khi Tiki nhận được 384 tỷ VNĐ từ Công ty Cổ phần VNG. Nhờ khoản đầu tư này, Tiki có nhiều điều kiện hơn để phát triển hệ thống phần mềm, công nghệ.

Trần Ngọc Thái Sơn nhận thấy tiềm năng, phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam với những thói quen mua sắm, tiêu dùng thay đổi chuyển dần sang mua sắm trên mạng, anh đã chuyển đổi Tiki thành website bán lẻ đa ngành. Tham vọng của Tiki là trở thành trang thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam. Đến nay website thương mại điện tử Tiki.vn cung cấp các sản phẩm thuộc 10 ngành hàng như sau: Sách, Điện Thoại – Máy Tính Bảng,Thiết Bị Số – Phụ Kiện Số, Điện Gia Dụng , Nhà Cửa Đời Sống, Làm Đẹp – Sức Khỏe, Thiết Bị Văn Phòng Phẩm, Đồ Chơi – Đồ Lưu Niệm, Mẹ & Bé, Thể thao.

Năm 2018, Tiki tiếp tục nhận được sự đầu tư của công ty JDar Inc của Trung Quốc và Công ty STIC Investment của Hàn Quốc đã tài trợ cho một vòng Series C trị giá 54 triệu USD để giúp củng cố sự hiện diện của Tiki trên thị trường.

Tiki được định giá hơn 600 triệu USD

Vào tháng 3 vừa qua, CTCP TiKi - đơn vị vận hành trang thương mại điện tử Tiki – thông báo phát hành thành công 1.000 tỷ đồng trái phiếu kì hạn 2 năm với lãi suất coupon 13%/năm.

Theo Tiki, nguồn vốn huy động từ đợt phát hành này sẽ được sử dụng để tăng quy mô vốn hoạt động của công ty bao gồm: Tài trợ nghiên cứu phát triển, chi phí quản lý vận hành doanh nghiệp, chi phí lương nhân viên, trả tiền cho nhà cung cấp, mua sắm thiết bị công nghệ phục vụ hoạt động kinh doanh; Thực hiện các chương trình, dự án đầu tư của công ty gồm đầu tư vào công ty con, đầu tư mở rộng hệ thống kho bãi, hệ thống lưu trữ - vận chuyển hàng hóa, tài trợ quảng bá tiếp thị.

Top 10 sàn thương mại điện tử có lượng truy cập website trung bình năm 2020 lớn nhất Đông Nam Á

Trong công bố thông tin phát hành, Tiki cho biết trái phiếu được đảm bảo bằng 2.156.465 cổ phần của Tiki. Theo chứng thư thẩm định giá do CTCP Định giá và Tư vấn Đầu tư Quốc tế ban hành ngày 26/2/2021, giá trị một cổ phần Tiki là 665.245 đồng. Kể từ ngày ban hành chứng thư thẩm định giá trên đến ngày phát hành trái phiếu, CTCP Tiki đã phát hành thêm 2.156.465 cổ phần, nâng tổng số cổ phiếu lưu hành của Tiki lên 22.987.633 cổ phiếu. Do đó, giá cổ phần được điều chỉnh tương ứng là 602.838,5 đồng.

Với mức định giá trên, giá trị tài sản đảm bảo cho lượng trái phiếu trên được xác định là hơn 1.300 tỷ đồng. Đồng thời, giá trị toàn bộ cổ phần của CTCP Tiki được xác định ở mức 13.858 tỷ đồng (tương đương hơn 600 triệu USD).

Theo đó, nhà sáng lập kiêm CEO của Tiki, doanh nhân Trần Ngọc Thái Sơn sở hữu 20,1% cổ phần Tiki, tương đương khối tài sản gần 121 triệu USD theo định giá trên.

Theo thông tin từ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương, ngày 10/6/2021 cơ quan này đã tiếp nhận hồ sơ thông báo tập trung kinh tế đầy đủ, hợp lệ của Công ty Cổ phần Tiki (gọi tắt là Tiki) và Công ty Tiki Global Pte. Ltd. có pháp nhân ở Singapore (gọi tắt là Tiki Global). Theo đó, Tiki sẽ chuyển nhượng 90,5% cổ phần cho Tiki Global, sau khi công ty phát hành thêm cổ phiếu theo hình thức chào bán riêng lẻ. Đây được xác định là hình thức mua lại doanh nghiệp theo Luật Cạnh tranh.

Lý giải về quyết định này, ông Ngô Hoàng Gia Khánh, Phó Tổng Giám đốc Phát triển Doanh nghiệp của Tiki khẳng định về bản chất đây là hoạt động để Tiki thành lập một "thực thể" doanh nghiệp tại Singapore. Để phục vụ nhiều mục tiêu cho giai đoạn phát triển sắp tới, mà trọng tâm là tiến tới phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) một cách thuận lợi hơn.

"Tại Việt Nam, 1 nhà đầu tư nước ngoài mua 1 cổ phần thôi thì chúng tôi cũng phải làm các thủ tục theo quy định, mất từ 4-5 tháng mới có thể hoàn thành được. Quy trình này không thuận lợi cho một công ty tại Việt Nam muốn IPO tại thị trường quốc tế", ông Khánh dẫn chứng.

Một lý do quan trọng khác là Tiki đang có kế hoạch xây dựng một tech hub - trung tâm công nghệ để thu hút, phát triển đội ngũ kĩ sư. Khi Tiki có trụ sở tại Singapore thì theo luật của nước bạn, Tiki có thể được Chính phủ Singapore hỗ trợ trả đến 50% lương cho nhân sự. "Đó là một chính sách rất hấp dẫn", ông Khánh nói.

Trong cơ cấu cổ đông của Tiki tính đến tháng 3/2021, nhóm trong nước vẫn chiếm đa số với 51,6% cổ phần. Cụ thể, ông Trần Ngọc Thái Sơn có 20,1%, công ty VNG có 20,2%, các nhóm nhà đầu tư trong nước khác sở hữu 10,3%.