Chuyên gia dự báo giá bất động sản có thể giảm vào dịp cuối năm

Đông Bắc 10:20 | 16/08/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Nhận định về thị trường bất động sản (BĐS) thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, giá sẽ giảm đi 30% vào dịp cuối năm.

 

 Chuyên gia dự báo giá bất động sản cuối năm 2022 sẽ giảm 30%. Ảnh TT. 

Tại Hội thảo "Xu hướng thị trường bất động sản  6 tháng cuối năm 2022" mới đây, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho biết, thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay đang ở mức “chân không tới đất, đầu không tới trời”.

Phần lớn giao dịch bất động sản trong 2 năm vừa rồi đều là giao dịch của nhà đầu tư, ít giao dịch mua để ở. Số lượng giao dịch mua để ở chỉ chiếm 0,26 phần nghìn. Thị trường bất động sản hiện nay là sân chơi của nhà phát triển dự án và nhà đầu tư thứ cấp.

Nhận định về thị trường bất động sản thời gian tới, ông Nghĩa chia sẻ nhận định của một nhóm chuyên gia: giá sẽ giảm đi 30% nhưng không sụp đổ và sau đó sẽ phục hồi.

“Năm 2008, giá bất động sản giảm tới 60 - 70%. Chúng ta đang có nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp, tăng trưởng kinh tế cao, lãi suất tăng ít. Nền tảng này giúp cho nhận định giá bất động sản có thể giảm 30% và sau đó có thể phục hồi trở lại như trên là đúng”, ông Nghĩa nói.

 TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia. Ảnh: VGP.

Nhìn lại thị trường nửa đầu năm 2022, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), cho biết nửa năm qua, thị trường Bất động sản bị tác động bởi hàng loạt các yếu tố như lạm phát phủ bóng lên nền kinh tế, dòng tiền có những dấu hiệu chậm lại. Tính thanh khoản trên thị trường giảm rõ rệt. Chính sách siết tín dụng và hạn chế nguồn cung làm cho giá nhà bị đẩy lên, vượt quá sức mua của phần lớn người dân. Các kênh huy động vốn yếu và thiếu; nhà đầu tư dần mất niềm tin.

Theo ông Đính, chính những điều đó đã ảnh hưởng tới thị trường bất động sản Việt Nam. Cụ thể, đối với nhà ở, dòng tiền dễ chủ yếu phân bố vào các dạng bất động sản đầu cơ nên đẩy giá nhà tăng quá nhanh. Trong khi đó, nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp không được chú trọng, dẫn đến thiếu nguồn cung cho phân khúc mà nhu cầu để ở thực rất cao.

Bất động sản nghỉ dưỡng là dòng sản phẩm có lợi thế trong dài hạn và luôn chứng tỏ được sức hấp dẫn trong thời gian qua. Điều này thể hiện qua việc giá phân khúc này tăng liên tục trong thời gian dài. Tuy nhiên trong bối cảnh thị trường đang tái cân bằng, tín dụng dần thắt chặt, trong khi giá tăng quá cao, phân khúc này đã có những dấu hiệu chững lại.

Chủ tịch VARS cho rằng thị trường bất động sản đang trải qua thời kỳ tái cân bằng. Giá nhà sẽ chịu áp lực tăng do chi phí tăng: lạm phát, nhu cầu nhà ở cao và nguồn cung thấp tiếp tục khiến chi phí tăng vọt. Thanh khoản sẽ giảm, dòng tiền dễ không còn. Các nhà đầu tư cũng có xu hướng cho dòng tiền nghỉ ngơi và trở nên thận trọng hơn.

“Nếu không được tháo gỡ, có thể có một giai đoạn đóng băng dài và gây đổ vỡ cho các doanh nghiệp. Vì vậy, cần có các chính sách hỗ trợ để quá trình tái cân bằng của thị trường diễn ra “mềm”, ông Đính nhấn mạnh.

Dưới góc nhìn của một người làm trong lĩnh vực BĐS, ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch Công ty Soho Việt Nam nhấn mạnh nhiều vấn đề liên quan đấu giá đất đã được các cơ quan chức năng xử lý trong thời gian qua, sắp tới sẽ có những vấn đề tái cơ cấu, sửa luật đất đai, bỏ khung giá đất áp theo giá sát giá thị trường…

"Việc này sẽ giúp thanh lọc thị trường, các đơn vị kinh doanh BĐS, các chủ đầu tư yếu sẽ phải rời cuộc chơi, còn đối với các đơn vị có năng lực tài chính, kinh nghiệm phát triển dự án thì đây sẽ là cơ hội để phát triển", Chủ tịch Công ty Soho Việt Nam nhận định.

Đề cập đến tiềm năng của bất động sản 6 tháng cuối năm  và tương lai, ông Cần chỉ rõ nên có tầm nhìn dài hạn hơn chứ không phải 3-5 năm mà phải là 10-15-20 năm bởi với tốc độ gia tăng dân số, sự thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đang tăng mạnh thì thị trường BĐS Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển so với các quốc gia khác.