Công thức giá cơ sở xăng dầu trong Nghị định mới ban hành của Chính phủ có gì khác biệt?

07:00 | 02/11/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu, trong đó bổ sung Điều 38a về công thức giá cơ sở xăng dầu.

Bắt đầu áp dụng từ 2/1/2022

Cụ thể, giá cơ sở xăng dầu được xác định bằng (=) giá xăng dầu từ nguồn nhập khẩu nhân với (x) tỉ trọng (%) sản lượng xăng dầu từ nguồn nhập khẩu cộng (+) giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước nhân với (x) tỉ trọng (%) sản lượng xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước.

Giá cơ sở xăng sinh học được xác định bằng (=) tỉ lệ phần trăm thể tích xăng không chì (%) nhân (x) {(giá xăng thế giới cộng (+) chi phí đưa xăng từ nước ngoài về cảng Việt Nam cộng (+) chi phí về thuế nhập khẩu xăng) nhân (x) tỉ trọng sản lượng xăng nhập khẩu cộng (+) (giá xăng thế giới cộng (+) premium cộng (+) chi phí đưa xăng từ nhà máy lọc dầu trong nước đến cảng (nếu có)) nhân (x) tỉ trọng sản lượng xăng từ nguồn sản xuất trong nước)} cộng (+) tỉ lệ phần trăm thể tích Etanol nhiên liệu (%) nhân (x) giá Etanol nhiên liệu cộng (+) chi phí kinh doanh định mức cộng (+) mức trích lập Quỹ bình ổn giá cộng (+) lợi nhuận định mức cộng (+) các khoản chi phí về thuế, phí và các khoản trích nộp khác theo quy định của pháp luật hiện hành.

Sửa điều kiện đối với thương nhân kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu

Nghị định cũng sửa đổi điều kiện đối với thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu. Một trong các điều kiện được sửa là thương nhân phải có hệ thống phân phối xăng dầu: Tối thiểu 10 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu hoặc thuê với thời hạn thuê từ 5 năm trở lên, trong đó có ít nhất 5 cửa hàng thuộc sở hữu của doanh nghiệp; tối thiểu 40 tổng đại lý kinh doanh xăng dầu hoặc đại lý bán lẻ xăng dầu hoặc thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của thương nhân.

Đối với thương nhân đầu mối kinh doanh nhiên liệu hàng không, Nghị định quy định không bắt buộc phải có hệ thống phân phối quy định trên nhưng phải đáp ứng thêm điều kiện sau:

- Có phương tiện vận tải, xe tra nạp nhiên liệu hàng không phù hợp với quy định, tiêu chuẩn mặt hàng nhiên liệu hàng không thuộc sở hữu hoặc thuê với thời hạn thuê từ 5 năm trở lên.

- Có kho tiếp nhận tại sân bay với các trang thiết bị, cơ sở vật chất đáp ứng các tiêu chuẩn của mặt hàng nhiên liệu hàng không thuộc sở hữu hoặc thuê với thời hạn thuê từ 5 năm trở lên.

- Có phòng thử nghiệm đủ năng lực thuộc sở hữu hoặc thuê để kiểm tra chất lượng mặt hàng nhiên liệu hàng không theo tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế theo quy định hiện hành.

Cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu hoặc thuê 

Nghị định mới cũng sửa đổi một số quy định đối với đại lý bán lẻ xăng dầu. Theo đó, đại lý bán lẻ xăng dầu phải có cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu hoặc thuê với thời hạn thuê từ 5 năm trở lên và được cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu theo quy định tại Điều 25 Nghị định này.

Nghị định cũng quy định điều kiện đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Theo đó, cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải thuộc sở hữu hoặc thuê với thời hạn thuê từ 5 năm trở lên của thương nhân là đại lý bán lẻ xăng dầu, hoặc tổng đại lý kinh doanh xăng dầu, hoặc thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu.

Nghị định trên cũng áp dụng với thương nhân phân phối xăng dầu, hoặc thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, hoặc thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu có hệ thống phân phối theo quy định tại Nghị định này (thương nhân đề nghị cấp phải đứng tên tại Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu).

Trường hợp đi thuê cửa hàng bán lẻ xăng dầu, thương nhân đi thuê phải đứng tên tại Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu.

Nghị định 95 có hiệu lực từ ngày 2/1/2022.

Doanh nghiệp cạn kiệt nguồn lực vì giá dầu tăng

Chia sẻ với báo giới, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội kiêm Giám đốc HTX Vận tải Thăng Long, cho biết các đơn vị vận tải hàng hóa, hành khách chịu quá nhiều tổn thất trong thời gian qua. Thua lỗ do xe "trùm mền" thời gian dài vì dịch Covid-19, nay thêm giá xăng dầu tăng nên rất khó để các đơn vị vận tải hoạt động lại vì chi phí xăng, dầu chiếm tới 35%-40% chi phí hoạt động.

Theo ông Nguyễn Công Hùng, Giám đốc Taxi Mai Linh miền Bắc nói rằng, doanh nghiệp vận tải vốn đã quá khó khăn vì bệnh dịch. Nay giá xăng dầu tăng mạnh buộc doanh nghiệp phải điều chỉnh giá cước, nếu không sẽ phải bù lỗ trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá cước cũng không dễ, do người dân vẫn còn e ngại đi lại bằng phương tiện công cộng. Cùng với đó, việc DN phải tăng giá cước khiến lượng khách sẽ càng ít hơn.

Trên báo Người Lao động, Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP HCM) đề nghị Chính phủ sớm xem xét can thiệp hỗ trợ bình ổn giá xăng dầu bởi hiện nay giá xăng dầu tăng rất nhanh. “Thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế GTGT, thuế bảo vệ môi trường cần phải được sử dụng để điều tiết khi giá xăng dầu tiếp tục tăng” - ông Ngân đề xuất.

 

Giá xăng dầu tăng 10% làm GDP giảm khoảng 0,5 %

Trao đổi với Vietnamplus, Tiến sỹ Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, 

Kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%. Khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu và nguyên vật liệu trong nước.

Trong hoạt động sản xuất hàng hoá và dịch vụ, tuỳ theo quy trình sản xuất của mỗi ngành, có thể thấy hầu hết các ngành dù nhiều hay ít đều sử dụng xăng dầu. Chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Điều này cho thấy xăng dầu chiếm tỷ trọng khá cao và tác động mạnh vào giá thành sản phẩm sản xuất.

Đặc biệt, giá xăng dầu tăng có tác động rất mạnh tới các ngành sử dụng nhiều xăng dầu như: đánh bắt thủy sản, vận tải hàng hoá và hành khách đường bộ, đường thuỷ và đường hàng không.

Bên cạnh tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, giá xăng dầu tăng còn làm tăng giá hàng hóa trong khâu lưu thông, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hoá sản xuất trong nước, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế.

Đối với nền kinh tế Việt Nam, khi giá xăng dầu tăng 10% làm GDP giảm khoảng 0,5 % - mức giảm khá lớn, phản ánh tác động rất mạnh của biến động giá xăng dầu tới tăng trưởng kinh tế.