Công ty mẹ của Topshop phá sản: Tương lai của ngành bán lẻ thời trang truyền thống sẽ đi về đâu?

20:14 | 01/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Hôm nay 30/11, Arcadia Group - công ty mẹ của các thương hiệu như Topshop, Miss Selfridge và Dorothy Perkins - thông báo đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản khi doanh thu thời trang liên tục lao dốc trong đại dịch.

Arcadia Group phá sản ngay tại quê nhà Anh quốc

 
Hãng cho biết đang tìm cách bảo vệ 13.000 nhân viên và các thương hiệu con của mình. Bên cạnh đó, các cửa hàng sẽ vẫn tiếp tục hoạt động và chưa nhân viên nào bị sa thải. Đây là một trong những vụ phá sản ngành bán lẻ lớn nhất tại Anh từ đầu đại dịch.

Tin tức này được đưa ra trong bối cảnh Anh vật lộn với khủng hoảng thất nghiệp ngày càng trầm trọng và lún sâu trong cuộc suy thoái tệ nhất hơn 300 năm.
 
Công ty mẹ của Topshop phá sản: Tương lai của ngành bán lẻ thời trang truyền thống sẽ đi về đâu? - ảnh 1
Công ty mẹ của Topshop tại quê nhà Anh quốc tuyên bố phá sản

Nhiều hãng bán lẻ thời trang lớn của nước này, như Marks & Spencer hay Selfridges, đã thông báo cắt giảm việc làm do đại dịch. COVID-19 khiến các cửa hàng phải đóng cửa suốt nhiều tháng và đẩy mạnh làn sóng mua sắm trực tuyến - càng làm các cửa hàng thời trang cao cấp lao đao từ trước đó.

"Đây là ngày cực kỳ buồn với tất cả đồng nghiệp, nhà cung cấp và các bên liên quan khác của chúng tôi. COVID-19 đã buộc nhiều cửa hàng của chúng tôi phải đóng cửa trong thời gian dài, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc kinh doanh của tất cả các thương hiệu", Ian Grabiner - CEO of Arcadia cho biết trong một thông báo.

Trước đó, từ đầu năm Arcadia đã phải cắt giảm 500 nhân viên ở trụ sở. Công ty đã gặp khó từ trước khi đại dịch xuất hiện. Tháng 6/2019, họ thoát phá sản trong gang tấc khi đàm phán được việc trả nợ và tái cấu trúc công ty. Hãng đã đóng 50 cửa hàng tại Anh và Ireland, cùng toàn bộ 11 cửa hàng Topshop, Topman ở Mỹ.
 
Công ty mẹ của Topshop phá sản: Tương lai của ngành bán lẻ thời trang truyền thống sẽ đi về đâu? - ảnh 2
COVID-19 đã buộc nhiều cửa hàng của Topshop phải đóng cửa trong thời gian dài

Arcadia được cho là đang tìm kiếm khoản hỗ trợ tương đương 30 triệu bảng. Tuy nhiên, tập đoàn bán lẻ Frasers Group (Anh) hôm 30/11 cho biết Arcadia đã từ chối "phao cứu sinh" trị giá tới 50 triệu bảng từ công ty này. "Frasers Group không nhận được lời giải thích nào cho việc này", thông báo của hãng cho biết.

Theo Chloe Collins - nhà phân tích thời trang kỳ cựu tại GlobalData, Arcadia "đã bị giảm hiện diện trong nhiều năm" khi đầu tư quá ít cho bán hàng trực tuyến và để mất thị phần vào tay các đối thủ online như Boohoo và Asos.

"Cơ hội sáng nhất cho các thương hiệu của hãng này là tách ra", bà cho biết trên CNN. Boohoo, Next và Marks & Spencer có thể là những người mua tiềm năng.

Cuối tuần trước, Arcadia cho biết có kế hoạch mở lại các cửa hàng ở Anh và Ireland khi lệnh phong tỏa đã được nới lỏng. Công ty này hiện có 550 cơ sở tại Anh và châu Âu. Tại Mỹ, thương hiệu Topshop, Topman của hãng có gian hàng trong chuỗi trung tâm thương mại Nordstrom.
 
Công ty mẹ của Topshop phá sản: Tương lai của ngành bán lẻ thời trang truyền thống sẽ đi về đâu? - ảnh 3
Một cửa hàng của thương hiệu Topshop thuộc Arcadia. Ảnh: Reuters
 
Vào tháng 5/2019, Thương hiệu này cũng đã phá sản tại Mỹ và đóng cửa 11 cửa hàng tại các thành phố lớn như New York, Los Angeles, Miami và Chicago.

Những bài toán sai lầm của ông chủ Topshop - Tỷ phú Philip Green


Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự suy thoái của tập đoàn Arcadia. Ví dụ, các scandal xung quanh tỷ phú Philip Green về vấn nạn trốn thuế thu nhập cá nhân.

Ông bị gọi là “Donald Trump” của Anh vì có các hành vi kỳ thị người da màu và sàm sỡ phụ nữ. Chưa kể quý ngài còn thường xuyên rút quỹ tiền lãi cổ phần Arcadia cho gia đình, thay vì tái đầu tư cho các thương hiệu. Có hàng tá lời kêu gọi tẩy chay các thương hiệu của tập đoàn Arcadia vì những lý do này.
 
Công ty mẹ của Topshop phá sản: Tương lai của ngành bán lẻ thời trang truyền thống sẽ đi về đâu? - ảnh 4
Ông trùm ngành bán lẻ thời trang của thế giới - Philip Green

Tuy nhiên, vấn nạn lớn nhất hẳn là vì Topshop đã không còn cạnh tranh lại các thương hiệu trẻ hơn. Ví dụ, Pretty Little Thing hay ASOS. Topshop đi theo hướng kinh doanh thời trang nhanh, tức thương hiệu phải liên tục cập nhật các mẫu thiết kế mới. Nhưng Topshop lại không “nhanh” bằng ASOS hay Pretty Little Thing.

Chưa kể, trong nhiều năm qua, Topshop cũng mất đi những gương mặt hạng sao quảng bá cho thương hiệu.

Việc tập đoàn Arcadia phá sản tại Anh và Mỹ đã chính thức gạt cái tên Philip Green khỏi nhóm tỷ phú của Anh.
 
 
Topshop là một nhà bán lẻ thời trang đa quốc gia của Anh về quần áo, giày dép, trang điểm và phụ kiện. Công ty hiện có 550 cơ sở tại Anh và châu Âu.

Topshop là một phần của Tập đoàn Arcadia, được điều hành bởi Sir Philip Green. Đế chế thời trang Topshop thành lập năm 1964, có trụ sở chính tại London (Anh) với tên Top Shop của Peter Robinson. Topshop hoạt động trên 58 quốc gia và thông qua các hoạt động trực tuyến tại một số thị trường.

Năm 2009, Topshop tấn công thị trường Mỹ bằng một bữa tiệc cực kỳ hoành tráng với sự xuất hiện của hàng loạt ngôi sao tại New York.

Năm 2014, hãng mở cửa hàng "flagship" trên Đại lộ 5, New York. Ngoài ra, Topshop còn có các cửa hàng ở Los Angeles, Atlanta, Las Vegas, San Diego, Chicago, Houston, Washington DC và Miami.

Tuy nhiên, sau 10 năm bước chân vào thị trường Mỹ, doanh số của Topshop không đạt được như kỳ vọng. Topshop vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các hãng bán lẻ trên mạng như Amazon, Asos hay sự xuất hiện của những thương hiệu mới như Everlane.

Ngay tại quê nhà Anh quốc, hãng thời trang Topshop cũng đã đối mặt với nhiều khó khăn. 23 cửa hàng Topshop tại xứ sở sương mù cũng mù mịt trong viễn cảnh sập tiệm.
 
Mặc dù đã đóng cửa toàn bộ các cửa hàng tại Mỹ và Anh nhưng Topshop (cùng với dòng thời trang nam giới Topman) vẫn sẽ tiếp tục duy trì hình thức bán hàng online cũng như phân phối sản phẩm qua các đối tác bán buôn tại hai quốc gia này.

Cùng với đó, hệ thống các cửa hàng của Topshop tại các quốc gia khác sẽ vẫn hoạt động bình thường.
 
Topshop đóng cửa ở Mỹ. Nguồn VTV24
 
Hải Yến