Đạm Cà Mau (DCM): Biên lãi gộp chỉ bằng 1/3 cùng kỳ năm ngoái, mang 10.500 tỷ gửi ngân hàng lấy lãi
Biên lãi gộp quý II co hẹp, chỉ bằng 1/3 cùng kỳ
Cụ thể, DCM ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ quý II đạt 3.291 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu giảm song chi phí giá vốn lại tăng 7% khiến lãi gộp của doanh nghiệp giảm tới 72%, xuống còn hơn 370 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 33% xuống còn 11%.
Điểm sáng là doanh thu tài chính tăng 116% đạt trên 145 tỷ đồng so với cùng kỳ nhờ lãi tiền gửi tăng gấp đôi. Khấu trừ các chi phí khác, DCM lãi sau thuế 290 tỷ đồng, giảm 72% so với mức lãi cao cùng kỳ 2022 . Dù vậy, nếu so sánh với mức lãi đạt được quý đầu năm, con số lợi nhuận ghi nhận được trong quý II đã cải thiện 26%. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt gần 289 tỷ đồng, giảm 72% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, DCM ghi nhận doanh thu thuần đạt 6.026 tỷ đồng, giảm 26% cùng kỳ. Trong cơ cấu tổng doanh thu, mảng bán ure sụt giảm gần 35%, doanh thu đem lại 4.272 tỷ đồng, chiếm 68%. Các mảng hoạt động khác như bán thành phẩm NPK, bán hàng hóa phân bón và bao bì, doanh thu dịch vụ lại có sự tăng trưởng lần lượt 29%, 5% và 350%. DCM báo lãi sau thuế nửa đầu năm đạt gần 520 tỷ đồng, giảm mạnh 80% so với cùng kỳ năm trước.
Theo giải trình, lợi nhuận sau thuế giảm mạnh do doanh thu bán hàng của công ty mẹ giảm hơn 17%, nguyên nhân do giá bán bình quân sản phẩm Ure quý II/2023 giảm hơn 40% so với cùng kỳ 2022.
Bước sang năm 2023, DCM đặt kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất 13.458 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 1.383 tỷ đồng, tương ứng lần lượt giảm 18% và giảm 70% so với năm 2022. Với kế hoạch này, doanh nghiệp đã hoàn thành được gần 47% mục tiêu doanh thu và gần 38% mục tiêu về lợi nhuận sau nửa đầu năm.
Theo báo cáo phân tích doanh nghiệp ngày 12/7, chứng khoán ABS Research cho rằng có khả năng DCM sẽ “kết thúc chu kỳ tăng trưởng” trong năm 2023. Công ty chứng khoán (CTCK) cho rằng năm 2022, DCM được hưởng lợi nhờ giá phân bón tăng phi mã do đứt gãy chuỗi cung ứng, do đó thu về 15.924 tỷ đồng doanh thu và 4.275 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, vượt tới 834% mục tiêu lợi nhuận.
Bước sang năm nay, tình hình sẽ khó khăn hơn. Đánh giá về triển vọng doanh nghiệp thời gian tới, ABS Research cho rằng biên lợi nhuận năm 2023 của DCM có thể bị thu hẹp do giá nguyên liệu đầu vào hạ nhiệt nhưng tốc độ giảm chậm hơn giá bán đầu ra. Tuy nhiên, mảng NPK được được coi là “điểm sáng” với kỳ vọng tăng trưởng khi nhà máy sản xuất phân bón NPK vận hành từ năm 2021 và hiện mới chỉ đạt 38% công suất. ABS Research ước tính sản lượng sản xuất năm 2023 sẽ đạt 162.000 tấn, tăng 41% so với cùng kỳ nhờ tăng công suất là nhu cầu tiêu thụ tăng khi giá phân NPK hạ nhiệt.
Bên cạnh đó, thuế xuất khẩu phân bón NPK giảm xuống mức 0% từ ngày 15/7 sẽ kích thích các doanh nghiệp khấu khẩu. DCM hiện có lợi thế phân phối tại thị trường Campuchia với 35% thị phần. Với khả năng tự chủ nguồn phân Ure đầu vào và dự kiến nhà máy NPK sẽ đạt tối đa công suất vào năm 2026.
Ngoài ra, sản lượng tiêu thụ trong nước được cải thiện khi giá phân bón điều chỉnh. Năm 2022, giá phân bón cao kỷ lục đã khiến nhiều hộ nông dân giảm diện tích gieo trồng, kéo theo giảm sản lượng tiêu thụ phân bón. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá gạo tăng cao trước nguy cơ khủng hoảng lương thực, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ tận dụng thời cơ nâng cao sản xuất.
ABS Research dự phóng mức doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2023 của DCM lần lượt là 12.410 tỷ đồng và 1.451 tỷ đồng, giảm 22% và 66,4% so với cùng kỳ.
Sang năm 2024, chuyên gia cho rằng chi phí sản xuất của DCM sẽ giảm khi nhà máy trích hết khấu hao trong năm 2023. CTCK dự báo doanh thu của DCM sẽ tiếp tục giảm nhẹ, xuống 11.750 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.866 tỷ đồng, tăng 28,5%.
2/3 tổng tài sản là tiền gửi ngân hàng
Tại thời điểm 30/6/2023, tổng tài sản của DCM tăng gần 10% từ đầu năm lên 15.599 tỷ đồng, trong đó tài sản ngắn hạn chiếm trên 85%. Khoản tiền và tương đương tiền tăng nhẹ 15 tỷ so với đầu năm lên 2.141 tỷ đồng, bao gồm phát sinh thêm 30 tỷ tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn dưới 3 tháng. Ngoài ra, tiền gửi ngân hàng kỳ hạn trên 3 tháng và dưới 1 năm tăng thêm 1.560 tỷ đồng so với đầu năm, lên 8.372 tỷ đồng. Tổng tiền đi gửi ngân hàng gần 10.500 tỷ đồng, tương đương 2/3 tổng tài sản doanh nghiệp. Trong 6 tháng đầu năm, khoản tiền gửi này đã mang về cho DCM 249 tỷ tiền lãi.
Các khoản phải thu tăng hơn 2 lần so với đầu năm, lên gần 400 tỷ do sự tăng mạnh của khoản phải thu ngắn hạn khách hàng. Hàng tồn kho ghi nhận 2.300 tỷ đồng, gồm hơn 500 tỷ nguyên vật liệu, gần 1.400 tỷ thành phẩm và cùng một vài khoản khác.
Tính đến hết quý II, DCM ghi nhận tổng nợ 4.520 tỷ đồng, trong đó vay và nợ thuê tài chính cả ngắn hạn và dài hạn 306 tỷ đồng, đáng kể, doanh nghiệp đã tăng gấp đôi dự phòng phải trả ngắn hạn từ đầu năm, lên 1.293 tỷ đồng.