Đạm Cà Mau (DCM) ước lãi nửa đầu năm giảm 85%, triển vọng chưa chắc chắn trong nửa cuối năm

Lạc Lạc 14:00 | 14/06/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Năm 2023, CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã: DCM) lên kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 13.458 tỷ đồng và 1.458 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Đồng thời, mức chia cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 30% cũng đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 thông qua.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 vừa diễn ra, DCM đã công bố kết quả kinh doanh sơ bộ nửa đầu năm 2023 với doanh thu là 6.650 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 377 tỷ đồng, lần lượt giảm 18% và 85% so với cùng kỳ năm trước. Theo doanh nghiệp, lợi nhuận sụt giảm là do giá bán urê ước tính của DCM giảm 38% trong nửa đầu năm 2023 và giả định về chi phí khí đầu vào trong kịch bản kém khả quan nhất (9,58 USD/triệu BTU, bao gồm thuế giá trị gia tăng và cước phí vận chuyển khí).

DCM ước tính giá bán urê trong nước trung bình ở mức 416-423 USD/tấn trong nửa đầu năm 2023 nhờ mạng lưới phân phối được thiết lập và hỗ trợ cho nông dân. Ngoài ra, DCM ước tính sản lượng bán urê của công ty là 380.000 tấn, giảm 12% so với cùng kỳ trong nửa đầu năm 2023, chủ yếu nhờ sản lượng bán urê trong nước với 285.000 tấn.

Bên cạnh đó, cổ đông DCM đã thông qua kế hoạch kinh doanh cho năm nay với mục tiêu sản xuất 1,042 triệu tấn phân bón, sản lượng tiêu thụ đạt 1,23 triệu tấn. Mục tiêu tài chính hợp nhất với 13.458 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt 1.382 tỷ đồng, giảm lần lượt 17% và 67% so với năm 2022.

 

Trong phần trả lời các câu hỏi của cổ đông, ban lãnh đạo cho biết DCM sẽ gặp nhiều thách thức trong việc hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2023. Đại diện doanh nghiệp cho rằng triển vọng 6 tháng cuối năm 2023 là không chắc chắn do phụ thuộc vào giá nông sản và điều kiện thời tiết. Tuy nhiên, DCM đang cố gắng tăng sản lượng bán phân bón để bù đắp cho sự sụt giảm trong giá bán. Ngoài ra, DCM ghi nhận giá khí đầu vào dựa trên kịch bản kém khả quan nhất. Tuy nhiên, tỷ trọng khí thực tế mua từ Malaysia có thể thấp hơn giả định hiện tại, dẫn đến giá khí đầu vào giảm và từ đó sẽ hỗ trợ lợi nhuận sau thuế của DCM vào cuối năm.

Lãnh đạo DCM dự kiến giá urê sẽ chạm đáy vào cuối tháng 6 hoặc tháng 7 trước khi phục hồi vào nửa cuối năm 2023. Theo ban lãnh đạo, giá urê quốc tế trung bình hiện là 285-290 USD/tấn, có thể tiếp tục giảm 15-20 USD/tấn trước khi tăng trở lại vào nửa cuối năm 2023.

Trong phân tích doanh nghiệp vừa công bố, Chứng khoán Vietcap (VCSC) cho biết DCM đã ước tính nhà máy urê của công ty sẽ hết khấu hao vào tháng 9. Do đó, chuyên gia cho rằng chi phí khấu hao của nhà máy urê sẽ giảm xuống còn 878 tỷ đồng, tương đương giảm 33% so với cùng kỳ vào năm 2023.

VCSC cho rằng mức khấu hao này sẽ bù đắp một phần cho giá khí đầu vào cao hơn dự kiến. Do đó, DCM sẽ chủ yếu ghi nhận chi phí khấu hao từ nhà máy NPK sau tháng 9. DCM vẫn chưa chốt chính sách khấu hao cho nhà máy NPK, nhưng công ty đang xem xét áp dụng phương pháp khấu hao nhanh với thời gian 10 năm. DCM cũng cho biết đã trả hết nợ gốc và lãi vay liên quan đến các khoản vay của nhà máy NPK.

Về tiềm năng phát triển trong năm nay, VCBS cho biết DCM đang nỗ lực đa dạng hóa các sản phẩm của công ty bao gồm phân bón hữu cơ, khí công nghiệp và hóa chất. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đang phát triển trung tâm nghiên cứu công nghệ sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Long An. DCM đặt mục tiêu bắt đầu bán carbon dioxide (CO2) tinh khiết vào đầu năm 2024, đồng thời sản xuất khí argon, hydro xanh, oxy và nitơ. DCM ước tính những sản phẩm mới này có thể đóng góp 3-5.000 tỷ đồng vào doanh thu mỗi năm. Ngoài ra, DCM có kế hoạch mua lại các dự án khác để nhanh chóng mở rộng hoạt động kinh doanh sang sản xuất hóa chất.

Bên cạnh đó, DCM dự kiến tác động tiêu cực của EI Nino sẽ nghiêm trọng hơn bắt đầu từ cuối năm 2023 đến năm 2024. Do đó, doanh nghiệp đã tìm các khách hàng nước ngoài mà công ty có thể xuất khẩu để đảm bảo sản lượng bán hàng nếu sản lượng bán hàng trong nước yếu. Ngoài kênh phân phối truyền thống (thông qua các đại lý), DCM đang làm việc trực tiếp và ký kết hợp đồng dài hạn với các công ty như CTCP Thành Thành Công – Biên Hòa (mã: SBT) – một nhà sản xuất đường và phụ phẩm từ đường.

Tuy nhiên, sức cản lớn nhất của DCM trong năm nay vẫn đến từ sự sụt giảm của thị trường nhập khẩu. Do đó,VCSC dự phóng doanh thu và lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp sẽ giảm lần lượt 35% và 74%, xuống khoảng 10.250 tỷ và 1.106 tỷ đồng. 

Trong một kịch bản lạc quan hơn, Chứng khoán Mirae Asset dự phóng DCM sẽ đạt 12.355 tỷ doanh thu, 1.718 tỷ lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ. Dự phóng này tuy thấp hơn 8% kế hoạch doanh thu năm 2023 doanh nghiệp đặt ra, nhưng lợi nhuận lại cao hơn 24%. Động lực cho sự tăng trưởng này là tổng sản lượng phân bón bán được đạt 1,15 triệu tấn, tăng 6,2% so với cùng kỳ 2022.