Lợi nhuận Đạm Cà Mau (DCM) giảm mạnh nhất trong 2 năm

Trang Mai 11:11 | 26/04/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo báo cáo tài chính hợp nhất vừa công bố, CTCP Phân bón dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã: DCM) ghi nhận lãi giảm 85% so với cùng kỳ, đồng thời thấp nhất trong vòng 2 năm qua.

DCM báo lãi thấp nhất kể từ quý I/2021

Theo đó, DCM ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 2.829 tỷ đồng (chủ yếu đến từ công ty mẹ), giảm 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Chiếm 1 nửa doanh thu là bán ure với hơn 1.400 tỷ đồng, bán thành phẩm NPK 69 tỷ, bán hàng hoá phân bón và bao bì 407 tỷ, bán phế phẩm và sản phẩm khác giúp doanh nghiệp thu về 59 tỷ đồng. 

Giá vốn tăng cao khiến lãi gộp doanh nghiệp giảm 71% xuống còn 568 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 48,5% xuống còn 20,7%. Theo giải trình từ phía công ty, doanh thu bán hàng của công ty mẹ giảm hơn 34% do giá bán phân bón giảm mạnh. Cụ thể, giá bán bình quân sản phẩm Ure quý I/2023 giảm hơn 32% so với cùng kỳ.

Doanh thu tài chính tăng 80% lên 118,6 tỷ đồng nhờ khoản lãi tiền gửi tăng 2,6 lần. Chi phí tài chính giảm 54% còn 9 tỷ đồng do công ty giảm nợ vay. Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng giảm 41% trong khi chi phí bán hàng tăng 56%.

Việc tăng mạnh chi phí bán hàng cùng doanh thu giảm sút là 2 nguyên nhân chính khiến lợi nhuận trước thuế của DCM giảm mạnh 84%, xuống còn 261 tỷ đồng. Sau thuế, doanh nghiệp phân bón ghi nhận 230 tỷ đồng, giảm 85% so với cùng kỳ. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất mà công ty ghi nhận kể từ quý I/2021.

 

Kết quả kinh doanh này của DCM còn giảm mạnh hơn dự báo của chứng khoán SSI Research trong phân tích trước đó. Cùng với dự phóng giá urê giảm mạnh, chuyên gia cho rằng quý I/2023 có thể là quý ghi nhận mức sụt giảm lợi nhuận đáng kể nhất của các doanh nghiệp hoá chất, trong đó có DCM. Do đó, SSI Research dự phóng lợi nhuận sau thuế của DCM đạt 283 tỷ đồng, giảm 81% so với quý I/2022. Tính chung cả năm 2023, chuyên gia cho rằng doanh thu của DCM giảm 30,2% so với cùng kỳ, xuống 11.147 tỷ đồng, lãi ròng theo đó cũng giảm gần 56%, xuống gần 1.884 tỷ đồng. 

Trong một báo cáo ngành hoá chất cuối tháng 3, CTCP Chứng khoán VNDIRECT cũng từng dự báo lợi nhuận ròng của các công ty hóa chất cơ bản sẽ đi lùi trong 2023 do nhu cầu yếu hơn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái. "Nhìn chung, đơn vị chứng khoán dự phóng biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp hóa chất cơ bản sẽ giảm 4-6 điểm % so với cùng kỳ trong năm 2023" - VNDIRECT nhận định. 

Trong một góc nhìn lạc quan hơn, CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng thị trường phân bón có khả năng sẽ phục hồi vào nửa cuối năm nay. "Ở chiều ngược lại, những yếu tố hỗ trợ về giá có thể kể đến như tình trạng cấm vận vẫn tiếp diễn, giá điện và cước vận tải biển có xu hướng tăng trở lại... sẽ giúp cho giá phân DAP và MAP hồi phục sớm hơn dự kiến" - KBSV nhận định. 

Hơn 9.000 tỷ tiền mặt và tiền gửi, chiếm 63% tổng tài sản

Tính đến 31/3/2023, tổng tài sản của DCM đạt 14.571 tỷ đồng, tăng gần 3% so với số đầu năm. Trong đó, chiếm 63% tài sản là lượng tiền gửi ngân hàng và tiền mặt với 9.228 tỷ đồng. Khoản tiền lãi trong quý là đóng góp lớn nhất trong doanh thu tài chính. 

Trong quý, các khoản phải thu ngắn hạn tăng gấp 4 lần so với ngày đầu năm, từ 188 tỷ đồng lên 814 tỷ đồng. Biến động chủ yếu ở mục trả trước cho người bán ngắn hạn, tăng từ 86 tỷ đồng lên 673 tỷ đồng.

Về nguồn vốn, DCM gần như không có nợ vay. Trong quý, doanh nghiệp có thêm các khoản phí quảng cáo (90,9 tỷ đồng), phí an sinh xã hội (35,9 tỷ đồng), góp phần đưa chi phí phải trả của doanh nghiệp tăng từ 238 tỷ đồng lên 378 tỷ đồng. Các chi phí khác biến động không đáng kể. 

Vốn chủ sở hữu đạt 10.810 tỷ đồng, trong đó vốn góp chủ sở hữu là 5.294 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 3.154 tỷ đồng.(lợi nhuận sau thuế chưa phân phối kỳ này đạt 136,5 tỷ đồng).