Đạm Cà Mau (DCM): Đứt chuỗi lãi trăm tỷ, vẫn còn 9.800 tỷ gửi ngân hàng
Gần 400 tỷ tiền lãi trong 9 tháng
Theo báo cáo tài chính, tính đến ngày 30/9, tổng tài sản của DCM ở mức 14.714 tỷ đồng, tăng 3,8% so với ngày đầu năm 2023.
Doanh nghiệp nắm giữ hơn 2.300 tỷ đồng tiền mặt cùng 7.500 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn 3-12 tháng, tổng cộng hơn 9.800 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Trong 9 tháng, khoản tiền gửi này đã mang về cho DCM gần 400 tỷ lãi.
Giá trị hàng tồn kho giảm nhẹ còn 2.400 tỷ đồng. Trong khi đó, khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho của doanh nghiệp lại giảm sâu tới 99%, từ 139 tỷ đồng xuống còn 1,2 tỷ đồng.
Nợ ngắn hạn của doanh nghiệp tăng 54% so với đầu năm lên hơn 4.400 tỷ với hơn 1.300 tỷ là chi phí dự phòng phải trả cho tiền khí, cao hơn đầu năm khoảng 80%.
Vay nợ ngắn hạn tăng mạnh lên 292 tỷ đồng (đầu năm chỉ hơn 2,5 tỷ đồng), hầu hết là khoản vay kỳ hạn 2 tháng với Vietcombank Thủ Thiêm để bổ sung nhu cầu vốn lưu động. Khoản vay này có kỳ hạn 2 tháng với lãi suất 3,2%/năm. Tại ngày 30/9, số dư gốc của khoản vay là 11,92 triệu USD, tương đương 291,6 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo của khoản vay là khoản tiền gửi có kỳ hạn với số tiền 100 tỷ đồng tại ngân hàng trên của doanh nghiệp.
Mất chuỗi lãi trăm tỷ
Về tình hình kinh doanh, trong quý III/2023, DCM thu về 3.010 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán lại tăng 23%, lên mức 2.833 tỷ đồng.Doanh thu và giá vốn chuyển động ngược chiều theo hướng tiêu cực, dẫn đến lãi gộp chỉ đạt 177 tỷ đồng, giảm 82% so với cùng kỳ.
Doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ tăng mạnh lên 200 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ, nhờ tăng lãi tiền gửi. Chi phí tài chính cũng tăng 16% nhưng tác động không đáng kể. Chi phí bán hàng tăng 32% lên 192 tỷ đồng vì tăng chi phí quảng cáo, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp giảm mạnh 44% còn 85 tỷ đồng do giảm trích quỹ phát triển khoa học công nghệ.
Khấu trừ các khoản chi phí, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp còn 74 tỷ đồng, giảm 89% so với mức 731 tỷ đồng ghi nhận cùng kỳ năm trước.Đây là quý đầu tiên lãi ròng của Đạm Cà Mau rơi xuống dưới 100 tỷ đồng, sau 11 quý liên tiếp lãi trên trăm tỷ, đồng thời cũng là quý thứ 3 liên tiếp chứng kiến lợi nhuận giảm sâu sau chuỗi lãi nghìn tỷ từ quý IV/2021 đến quý IV/2022 (trừ quý III/2022 lãi ròng 731 tỷ đồng).
DCM cho biết sản lượng tiêu thụ sản phẩm quý III thực chất tăng 36% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá các mặt hàng phân bón giảm kéo doanh thu thấp xuống, trong khi giá vốn tăng mạnh. Bên cạnh đó, chi phí bán hàng gia tăng do Công ty đẩy mạnh hoạt động bán hàng, mở rộng thị trường và xuất khẩu hàng hóa.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt 9.036 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn lại tăng thêm 11%, lên mức 7.919 tỷ đồng. Trong đó, mặc dù doanh thu ure giảm tới 31% (tương ứng giảm 2.926 tỷ đồng), còn 6.325 tỷ đồng thì giá vốn ure vẫn tăng 1,2%, lên mức 5.164 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2023 chỉ còn 616 tỷ đồng, giảm 81% so với mức 3.272 tỷ đồng ghi nhận cùng kỳ năm trước.
Mục tiêu doanh thu 20.000 tỷ đồng vào năm 2025
Cùng với kết quả quý III, DCM cũng công bố kế hoạch hoạt động, sản xuất kinh doanh đến năm 2025. Cụ thể, doanh nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng bình quân 20%/năm với doanh thu, hướng đến đạt 20.000 tỷ đồng vào năm 2025. Trong đó, tập trung vào 3 nhóm sản phẩm chính là nhóm Urê và gốc Urê, nhóm sản phẩm NPK và nhóm sản phẩm kinh doanh phục vụ thị trường. Thị phần hướng đến tối thiểu 11% vào năm 2025 - tương đương 1,18 triệu tấn.
Năm 2023, Đạm Cà Mau đạt kế hoạch lợi nhuận sau thuế là 1.383 tỷ đồng. Với kết quả 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp đã hoàn thành 44% kế hoạch năm về lợi nhuận.
Theo báo cáo phân tích doanh nghiệp ngày 12/7, chứng khoán ABS Research cho rằng có khả năng DCM sẽ “kết thúc chu kỳ tăng trưởng” trong năm 2023. Công ty chứng khoán cho rằng năm 2022, DCM được hưởng lợi nhờ giá phân bón tăng phi mã do đứt gãy chuỗi cung ứng, do đó thu về 15.924 tỷ đồng doanh thu và 4.275 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, vượt tới 834% mục tiêu lợi nhuận.
Bước sang năm nay, tình hình sẽ khó khăn hơn. Đánh giá về triển vọng doanh nghiệp thời gian tới, ABS Research cho rằng biên lợi nhuận năm 2023 của DCM có thể bị thu hẹp do giá nguyên liệu đầu vào hạ nhiệt nhưng tốc độ giảm chậm hơn giá bán đầu ra. Tuy nhiên, mảng NPK được được coi là “điểm sáng” với kỳ vọng tăng trưởng khi nhà máy sản xuất phân bón NPK vận hành từ năm 2021 và hiện mới chỉ đạt 38% công suất. ABS Research ước tính sản lượng sản xuất năm 2023 sẽ đạt 162.000 tấn, tăng 41% so với cùng kỳ nhờ tăng công suất là nhu cầu tiêu thụ tăng khi giá phân NPK hạ nhiệt.
ABS Research dự phóng mức doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2023 của DCM lần lượt là 12.410 tỷ đồng và 1.451 tỷ đồng, giảm 22% và 66,4% so với cùng kỳ.