VCBS: Doanh thu nửa cuối năm của Đạm Cà Mau có thể đạt hơn 6.200 tỷ, lợi nhuận tăng gấp đôi nửa đầu năm
Nhu cầu nội địa dự báo cải thiện nửa cuối năm 2023
Trên thế giới, theo dự báo của Argus, nhu cầu tiêu thụ trong nửa cuối năm 2023 được dự báo tăng, tập trung ở Ấn Độ và Brazil. Ấn Độ cần nhập khẩu 4,5-5 triệu tấn urê trong nửa cuối năm. Nhu cầu ở Đông Nam Á rất thấp với nhiều quốc gia trong khu vực đang ở thời kỳ trái vụ. Tại Thái Lan, mùa vụ tiếp theo sẽ bắt đầu vào tháng 11 và bắt đầu nhập khẩu phân bón từ tháng 10. Tuy nhiên hiện tượng El Nino làm giảm nhu cầu phân bón tại Thái Lan do đang trải qua thời kỳ khô hạn nghiêm trọng khiến hoạt động nông nghiệp giảm.
Trong nước, sản lượng urê được dự báo cải thiện trong nửa cuối năm 2023 do nhu cầu vụ Thu Đông và Đông - Xuân trong nước tăng cao. Thị trường urê nội địa suy giảm trong quý I, chủ yếu do nhu cầu diễn biến chậm vào mùa thấp điểm. Tuy nhiên bắt đầu từ quý II, nhu cầu cải thiện hơn nhờ mùa gieo trồng mới.
Tại khu vực ĐBSCL sẽ bắt đầu gieo và chăm bón từ tháng 4, trong khi một số khu vực thuộc Đồng Tháp, Kiên Giang, Cần Thơ sẽ bắt đầu xuống giống lúa thu đông vào cuối tháng 6. Tại khu vực miền trung, dự báo cũng sẽ gia tăng do nhu cầu chăm bón cho vụ hè thu. Tại miền Bắc, nhu cầu được dự báo tăng khi chuẩn bị cho vụ lúa Đông Xuân, đây là thời điểm tiêu thụ phân bón lớn nhất năm.
Những biến động thế giới tác động ra sao đến giá phân bón?
Giá urê thế giới được kỳ vọng hồi phục kể từ quý III do nhu cầu phân bón thế giới được kỳ vọng cao hơn trong nửa cuối năm (yếu tố mùa vụ), đặc biệt ở 2 thị trường nhập khẩu phân urê lớn nhất thế giới là Brazil và Ấn Độ. Sáng kiến Biển Đen giữa Nga và Ukraine chấm dứt có thể khiến giá nông sản tăng mạnh, dẫn đến giá phân urê phục hồi ở các quốc gia do sức mua tăng. Cùng với đó là nguồn cung khan hiếm vào nửa cuối năm.
Tại khu vực Trung Đông, Chính phủ Ai Cập quyết định gia hạn vô thời hạn việc cắt giảm 30% nguồn cung khí đốt đối với tất cả các nhà sản xuất phân urê tại nước này, ảnh hưởng lớn đến nguồn cung toàn cầu. Nga tiếp tục áp đặt hạn ngạch mới ở mức 16,3 triệu tấn cho xuất khẩu phân bón. Trong đó 10,66 triệu tấn hạn ngạch áp dụng cho phân urê, UAN và AN, có hiệu lực từ ngày 1/6 đến ngày 30/11/2023. Theo thông tin từ Bloomberg, Trung Quốc ngày 2/9 vừa qua đã yêu cầu một số nhà sản xuất phân bón tạm dừng xuất khẩu urê và điều này sẽ gia tăng nguy cơ thắt chặt nguồn cung phân bón toàn cầu.
Hiện nguồn cung urê trong nước đang dư thừa. Riêng nguồn cung phân bón từ công suất sản xuất phân đạm urê của 4 nhà máy thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã lên tới 2,5 triệu tấn/năm. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ trong nước chỉ khoảng 1,6 - 1,8 triệu tấn/năm. Giá urê trong nước biến động tương quan với giá urê thế giới, do đó kỳ vọng giá urê sẽ phục hồi theo xu hướng giá phân bón thế giới trong nửa cuối năm 2023, tuy nhiên khó tăng mạnh như trong năm 2021 và 2022, trừ khi có biến động địa chính trị bất ngờ xảy ra.
Tại Đạm Cà Mau, nhà máy urê hết khấu hao kể từ quý IV sẽ thúc đẩy lợi nhuận doanh nghiệp từ năm 2024. Theo đó, chi phí khấu hao ước tính trong năm 2023 hơn 800 tỷ đồng. Nhà máy urê DCM đi vào hoạt động từ quý IV/2011, được sử dụng chính sách khấu hao đường thẳng trong vòng 12 năm với chi phí khấu hao hằng năm gần 1.000 tỷ đồng/năm. Do đó, chi phí khấu hao máy móc thiết bị trên doanh thu sẽ giảm từ mức 7% trong năm 2023 về gần 1% trong giai đoạn 2024-2029 (chủ yếu là chi phí khấu hao nhà máy NPK). Điều này sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí và mở rộng biên lãi gộp, qua đó thúc đẩy lợi nhuận kể từ năm 2024.
Thêm vào đó, giá khí đầu vào ước tính giảm theo đà giảm của giá dầu, hỗ trợ biên lợi nhuận doanh nghiệp.
Xét về từng mảng kinh doanh, VCBS ước tính sản lượng tiêu thụ Urê năm 2023 của DCM đạt 885.000 tấn, tăng nhẹ 0,7% so với cùng kỳ, dựa trên nhu cầu tiêu thụ trong nước được dự báo phục hồi do giá phân urê được dự báo giảm 36%, sản lượng xuất khẩu chiếm 30% tổng sản lượng.
Giá phân urê sẽ đạt trung bình 9.400 đồng/kg, giảm 36% so với cùng kỳ, với giả định giá urê sẽ hạ nhiệt và về mức 430 USD/tấn trong năm 2023. Giá bán bình quân giảm chủ yếu do xu hướng giảm của giá dầu và nguồn cung phân bón được dự báo tăng trong bối cảnh nhu cầu chỉ tăng nhẹ. Trong giai đoạn 2024F–2027F, giá ước tính sẽ dao động quanh mức 7.300 – 8.600 đồng/kg.
Với phân NPK, trang Marketwatch dự báo tăng trưởng với tốc độ kép hàng năm của mặt hàng này là 3,78% trong giai đoạn 2023- 2028. Nhu cầu phân bón nội địa trong năm 2023 được dự báo tăng 10% - 18% (trong đó NPK tăng 6%-7% so với cùng kỳ) cao hơn năm 2022 nhưng thấp hơn 8 -13% so với năm 2021. Do ảnh hưởng từ giá phân đơn đầu vào tăng cao đã gia tăng áp lực về chi phí sản xuất cho các doanh nghiệp sản xuất NPK.
Tuy nhiên, DCM có lợi thế hơn so với các doanh nghiệp NPK khác khi có khả năng tự chủ được nguồn phân Urê đầu vào. Do đó, công ty chứng khoán ước tính sản lượng tiêu thụ phân NPK của DCM trong năm 2023 sẽ đạt 150.000 tấn, tăng 16% so với cùng kỳ, cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của mảng phân NPK nội địa dựa vào hệ thống phân phối rộng lớn, với giá bán trung bình đạt 11.200 đồng/kg.
Nhìn chung, cho nửa cuối năm 2023, VCBS dự phóng DCM sẽ đạt gần 6.300 tỷ doanh thu, tăng 4,5% so với 6 tháng đầu năm. Lợi nhuận sau thuế theo đó cũng tăng lên gần 950 tỷ, tăng gần gấp đôi nửa đầu năm.