Đạm Cà Mau (DCM): Lợi nhuận ròng 2022 cao hơn 5 năm trước cộng lại, riêng lãi tiền gửi lên tới 260 tỷ đồng
Kết quả kinh doanh cả năm 2022 vượt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận
Cụ thể, trong quý IV/2022, Đạm Cà Mau ghi nhận doanh thu thuần 4.458 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá vốn tăng tới 31% khiến doanh nghiệp lãi gộp giảm 14%, xuống 1.276 tỷ đồng. Biên lãi gộp giảm xuống 29% từ 38% trong năm 2021.
Trừ các chi phí, doanh nghiệp báo lãi ròng 1.004 tỷ đồng, giảm khoảng 8% so với cùng kỳ.
Lũy kế cả năm, Đạm Cà Mau ghi nhận doanh thu thuần đạt 15.924 tỷ đồng, tăng 61% so với 2021. Trong đó, doanh thu lớn nhất đến từ việc bán ure cả trong nước và xuất khẩu với 12.466 tỷ đồng, tiếp theo là hàng hoá phân bón và bao bì với 2.065 tỷ đồng, doanh thu bán thành phẩm NPK 1.253 tỷ đồng, bán phế phẩm và sản phẩm khác gần 530 tỷ đồng.
Doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh 80% lên 301 tỷ đồng. Trong đó lãi tiền gửi chiếm 87% với 262 tỷ đồng, còn lại 39 tỷ đồng lãi chênh lệch tỷ giá.
Tuy nhiên, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng tăng lần lượt 66% và 14% lên 699 tỷ đồng và 604 tỷ đồng.
Trừ các chi phí, doanh nghiệp báo lãi ròng 4.281 tỷ đồng, cao gấp 2,3 lần cùng kỳ. Không những lập “kỷ lục” về lãi ròng kể từ khi doanh nghiệp thành lập, con số này còn cao hơn tổng lợi nhuận từ 2017 đến 2022.
Thời điểm cuối tháng 12/2022, doanh nghiệp phân bón này đã điều chỉnh tăng chỉ tiêu tổng doanh thu hợp nhất cả năm lên 14.525 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế lên 3.661 tỷ đồng, lần lượt tăng thêm 5.465 tỷ đồng doanh thu (tăng 60%) và thêm 3.147 tỷ đồng lợi nhuận – kế hoạch này gấp 7 lần mục tiêu cũ. Với chỉ tiêu kế hoạch mới, Đạm Cà Mau đã vượt 10% kế hoạch doanh thu và vượt 17% kế hoạch lợi nhuận.
Bức tranh tươi sáng trong kinh doanh đã phần nào được thể hiện trong tình hình lưu chuyển tiền tệ của doanh nghiệp. Cụ thể, dòng tiền thuần từ kinh doanh ghi nhận 5.786 tỷ đồng, tăng 125% so với năm 2021, đến từ lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trước thay đổi vốn lưu động (6.949 tỷ đồng).
Dòng tiền thuần từ đầu tư hiện âm 2.374 tỷ đồng, do tiền thu hồi cho vay, bán lại các công cụ nợ (9.810 tỷ đồng) và tiền thu lãi cho vay, cổ tức và lợi nhuận (209 tỷ đồng) không đủ để bù tiền cho vay, mua các công cụ nợ của đơn vị khác (12.260 tỷ đồng) và mua sắm, xây dựng tài sản cố định và tài sản dài hạn (133 tỷ đồng). Dòng tiền tài chính tăng gần 3 lần lên âm 1.636 tỷ đồng, chủ yếu để trả nợ gốc vay và cổ tức, lợi nhuận cho chủ sở hữu.
Trong kỳ, dòng tiền dương 1.775 tỷ đồng, cải thiện nhiều so với con số âm 82 tỷ đồng trong năm 2022.
Thu hơn 260 tỷ đồng từ lãi tiền gửi ngân hàng trong quý IV
Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Đạm Cà Mau là 14.193 tỷ đồng, tăng 28% so với đầu năm. Trong đó, tổng tiền mặt và tiền gửi các kỳ hạn của doanh nghiệp đạt tới 8.938 tỷ đồng, tương đương gần 63% tổng tài sản; bao gồm: 2.126 tỷ đồng tiền mặt và 6.812 tỷ đồng đầu tư tài chính nắm giữ đến ngày đáo hạn (tiền gửi có kỳ hạn gốc từ trên 3 tháng đến 12 tháng). Khoản tiền gửi này đã đem về cho doanh nghiệp 262 tỷ đồng tiền lãi riêng trong quý IV.
Tại ngày 31/12/2022, hàng tồn kho khoảng 2.272 tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm, chủ yếu là thành phẩm và nguyên vật liệu.
Bên kia bảng cân đối, Đạm Cà Mau ghi nhận nợ phải trả 3.572 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Phần lớn đến từ phải trả người bán ngắn hạn 1.021 tỷ đồng, dự phòng 763 tỷ đồng. Vay và thuê nợ tài chính cả ngắn hạn và dài hạn chỉ hơn 3,6 tỷ đồng.
Theo giải trình, khoản vay này là lần giải ngân đầu tiên nằm trong hạn mức 615,7 tỷ đồng Đạm Cà Mau ký với Ngân hàng Thương Mại Cổ Phần Sài Gòn – Hà Nội (SHB) ngày 8/11/2017, mục đích đầu tư dự án sản xuất phân bón phức hợp từ Urê nóng chảy công suất 300.000 tấn/năm. Thời hạn vay là 60 tháng kể từ lần giải ngân đầu tiên. Lãi suất cho vay áp dụng trong thời hạn 12 tháng kể từ lần giải ngân đầu tiên là 7,5%/năm, các lần tiếp theo điều chỉnh 3 tháng/lần, mức lãi suất điều chỉnh được xác định bằng bình quân lãi suất huy động dành cho cá nhân kỳ hạn 12 tháng trả lãi cuối kỳ của các ngân hàng: BIDV, Vietcombank, Vietinbank và SHB tại thời điểm điều chỉnh cộng biên độ 1,7%/năm.
Ngoài ra, trong kỳ Đạm Cà Mau cũng ký hợp đồng tín dụng vay vốn với ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Chi Nhánh Cà Mau (VietinBank), khoản vay kỳ hạn 2 tháng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh. Tính đến 31/12/2022 các khoản vay này đã tất toán.
Vốn chủ sở hữu tính đến cuối năm 2022 ghi nhận 10.621 tỷ đồng, trong đó Tập đoàn Dầu khí Việt Nam góp 4.000 tỷ đồng, tương đương 38% vốn.
Báo cáo Chiến lược 2023 ngày 9/1 của Công ty Cổ phần Chứng khoán Dầu khí (PSI) nhận định, giá ure dự báo giảm trong năm 2023 so với giá trung bình năm 2022 tuy nhiên vẫn có thể neo ở mức cao, giúp các doanh nghiệp ngành phân bón có thể tiếp tục được hưởng lợi.
Với các doanh nghiệp ngành phân bón, PSI nhận định, cả Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo; mã: DPM) và Đạm Cà Mau đều có thương hiệu mạnh trên thị trường, do đó có tính cạnh tranh tốt, hiệu suất nhà máy hoạt động cao.
Bên cạnh đó, giá ure có thể tiếp tục neo ở mức cao so với lịch sử trong năm 2023, vì thế DPM và DCM có thể sẽ tiếp tục hưởng lợi và trả cổ tức bằng tiền ở mức cao hấp dẫn để mua vào.