Để nhà ở xã hội đến được đúng đối tượng thụ hưởng

Nhật Di 14:33 | 13/07/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Xây dựng nhà ở xã hội là để đáp ứng nhu cầu an cư của người thu nhập thấp, công nhân lao động. Tuy nhiên, nghịch lý xảy ra khi những đối tượng thụ hưởng chính sách lại gặp khó khi tiếp cận phân khúc nhà ở này, trong khi những người có điều kiện lại dễ dàng mua được.

Hồi tháng 5 vừa qua, Hà Nội chứng kiến hàng nghìn người người đến xếp hàng chờ bốc thăm mua nhà ở xã hội dự án Trung Văn (quận Nam Từ Liêm). Hơn 1000 bộ hồ sơ đủ điều kiện mua nhà nhưng chỉ có 149 căn hộ được bốc thăm và nhiều người đã phải ra về tay trắng bởi tỷ lệ chọi quá lớn. Nhiều người thất vọng cho rằng đi bốc thăm mua nhà ở xã hội mà như chơi xổ số. Đáng chú ý, trong số những người đến xếp hàng chờ bốc thăm mua nhà có nhiều người đi ô tô đến, đỗ đầy 2 bên đường...

Trước thực trạng người thu nhập thấp khó tiếp cận được với nhà ở xã hội trong khi những người có điều kiện hơn lại dễ dàng mua được, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) đã có văn bản gửi  Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Bộ Xây dựng về thực trạng và giải pháp ngăn chặn vấn đề này. 

Theo HoREA, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các tiêu chí về điều kiện của các đối tượng hưởng chính sách về nhà ở xã hội tưởng chừng rất chặt chẽ, nhưng thực ra là chưa chặt chẽ và chưa sát với thực tế cuộc sống và có thể lách luật.

 Nhiều người giàu vẫn thuộc đối tượng mua nhà ở xã hội. Ảnh VNM.

Ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM lý giải, có một phần do các tiêu chí để được mua nhà ở xã hội hiện nay tưởng chừng chặt chẽ nhưng thực tế có thể "lách luật". Một trong số đó là các tiêu chí điều kiện về thu nhập của đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội.

Cụ thể, tại Luật Nhà ở 2014 quy định người được hưởng chính sách nhà ở xã hội phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập đối với các khoản thu nhập từ tiền công, tiền lương theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.

Tuy nhiên, thực tế có nhiều người làm thêm nghề "tay trái" nhưng lại tạo ra thu nhập cao hơn, thậm chí cao hơn nhiều lần so với thu nhập của nghề chính thể hiện trên bảng tiền lương, tiền công chính thức.

Do đó, có một số người thu nhập cao nhưng vì luật không tính các khoản thu nhập khác không phải tiền công, tiền lương, dẫn đến họ vẫn hội đủ tiêu chí điều kiện về thu nhập, đó là không thuộc diện nộp thuế thu nhập cá nhân.

Bên cạnh đó, theo ông Châu, Luật Thuế thu nhập cá nhân cho phép miễn thuế thu nhập cá nhân đối với 16 trường hợp. Trong đó, thu nhập từ tiền lãi ngân hàng hoặc tiền kiều hối.

Đối với khoản thu nhập từ tiền gửi tiết kiệm của người nghỉ hưu, già yếu, mất sức lao động hoặc số tiền kiều hối có giá trị không lớn để cải thiện cuộc sống thì quy định miễn thuế thu nhập cá nhân rất chính xác và thể hiện sự nhân văn. Nhưng sẽ không hợp lý khi miễn, không đánh thuế thu nhập cá nhân đối với các khoản thu nhập rất lớn từ lãi tiền gửi tiết kiệm hoặc từ kiều hối.

Ông Châu dẫn ví dụ có trường hợp gửi tiền ngân hàng với số tiền rất lớn, khoảng 40 - 50 tỷ đồng với lãi suất khoảng 7%/năm, đến cuối năm người này nhận được lãi vài tỷ đồng. Đây là một số tiền rất lớn nhưng không thuộc diện nộp thuế thu nhập cá nhân và nghiễm nhiên họ đủ điều kiện mua nhà ở xã hội.

Từ đó, ông Châu đề nghị ngoài điều kiện về thu nhập với đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội không thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập cá nhân hoặc thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân bậc 1 của các bậc chịu thuế, cần bổ sung thu nhập chịu thuế còn bao gồm các khoản thu nhập khác không phải là tiền công, tiền lương.

Bên cạnh đó, cần sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân theo hướng giao thẩm quyền cho Chính phủ quy định các trường hợp miễn thuế thu nhập cá nhân đối với một số khoản thu nhập từ lãi tiền gửi tại các tổ chức tín dụng hoặc thu nhập từ kiều hối.

Theo ông Châu, cũng chỉ đến khi thực hiện hoàn thành Đề án 06 của Chính phủ thì lúc đó việc xác nhận điều kiện về nhà ở và điều kiện về thu nhập mới chính xác được.

 Người dân xếp hàng chờ nộp hồ sơ mua nhà ở xã hội tại dự án NOXH Trung Văn. Ảnh Nhật Di.

 Một lần đóng thuế thu nhập không mua được nhà ở xã hội

Tại Hội thảo về đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội mới đây, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM cho biết, về đối tượng mua nhà ở xã hội, quy định luật hiện nay đang rất vướng: "Các quy định luật yêu cầu đối tượng người có thu nhập thuộc điện phải đóng thuế thu nhập cá nhân thì không được mua nhà ở xã hội. Trong khi một số cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang có thể có mức lương đến 11 triệu đồng/tháng, nhưng không có nhà ở, thì họ không thể mua được nhà. Điều này phát sinh thực tế, nếu 1 lần phải đóng thuế thu nhập cá nhân, thì muôn đời không mua được nhà ở xã hội", ông Khiết thông tin.

Trong khi đó, Tại phiên thảo luận liên quan đến nhà ở xã hội tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Đại biểu Quốc hội Ngô Trung Thành (phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật) cho rằng quy định người được hưởng chính sách nhà ở xã hội phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập đối với các khoản thu nhập từ tiền công, tiền lương theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân là đúng. Đây cũng không phải là "lỗ hổng" chính sách.

Theo ông Thành, "lỗ hổng" lớn nhất chính là việc chưa quản lý được thu nhập thực tế của người dân nói chung và người thuộc diện mua nhà ở nói riêng. Có những khoản thu nhập chúng ta quản lý được như tiền công, tiền lương và từ khoản thu nhập này xác định họ là người có thu nhập thấp.

"Còn những khoản khác, thu nhập ngoài do không quản lý được nên không thể xác định được tổng thu nhập của họ, cũng như đây có đúng là người có thu nhập thấp hay không. Vì vậy, mấu chốt ở đây là phải có các biện pháp, chính sách để kiểm soát, quản lý được tổng thu nhập của người dân. Việc này không chỉ có ý nghĩa với vấn đề mua nhà ở xã hội mà còn là quản lý xã hội, chống thất thu thuế nói chung", ông Thành nêu rõ.

 Nhu cầu về nhà ở xã hội là rất lớn. Ảnh Đông Bắc.

Đồng quan điểm, Đại biểu Hoàng Văn Cường (ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội) cũng chỉ rõ trong thời gian tới, cần làm tốt hơn công tác quản lý về thuế thu nhập cá nhân. Tất cả các hoạt động kinh doanh đều có khai báo thuế hay làm thêm bên ngoài do các tổ chức, đơn vị chi trả thì người trả tiền đều phải khai báo thuế tại nguồn.

Ông đề nghị việc quản lý thu thuế, lịch sử nộp thuế không chỉ với người làm việc ở các tổ chức, cơ quan - nơi có hợp đồng ký kết chính thức, mà cần mở rộng đến tất cả những người đã nhận các khoản thu nhập không thường xuyên.

"Quan trọng nhất phải có chính sách, cơ chế đủ mạnh để có thể quản lý được tất cả những ai có tên trong khu vực phải đóng thuế", ông Cường nói.

Theo ông Cường, cần tăng cường việc quản lý, thông tin công khai hệ thống đăng ký về nhà ở, đất ở để xác định rõ lịch sử người này có nhà, có mua bán nhà không. Từ đó ngăn chặn những trường hợp cố tình "gian lận".

Kèm theo đó, phải có chế tài xử lý rất nghiêm minh bằng tiền hoặc thu hồi nhà, tài sản đối với những trường hợp không phải thu nhập thấp nhưng lại "chen" vào ở nhà ở xã hội.

 

Sẽ cắt giảm điều kiện cho các đối tượng mua nhà ở xã hội

Trước bất cập và "lỗ hổng" hiện nay của nhà ở xã hội Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà ở và thị trường bất động sản – Bộ Xây dựng, ông Hà Quang Hưng cho biết, tại Luật nhà ở 2014 sửa đổi dự kiến bổ sung thêm các doanh nghiệp có lao động trong các khu công nghiệp sẽ thuộc đối tượng mua hoặc thuê lại nhà ở xã hội cho công nhân của mình.

Trong Luật sửa đổi sẽ theo xu hướng cắt giảm điều kiện cho các nhóm đối tượng thụ hưởng. Ví dụ hiện nay, các nhóm đối tượng này để mua được nhà ở xã hội phải đảm bảo 3 điều kiện: thứ nhất về nhà ở, không có nhà hoặc diện tích nhà dưới 10m2. Thứ hai, về thu nhập dưới mức phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Thứ 3, điều kiện về cư trú - tức là người mua phải cư trú tối thiểu từ 1 năm trở lên tại địa phương có dự án nhà xã hội....