Điểm sáng thị trường bán lẻ 2021 - Bài cuối: Hướng đến chuỗi bán lẻ an toàn

Mỹ Phương 07:00 | 03/01/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Hiện nay, thị trường bán lẻ Việt Nam không chỉ là "sân chơi" của những thương hiệu bán lẻ truyền thống, mà có sự tham gia của nhà đầu tư, doanh nghiệp sản xuất, nên những đơn vị tham gia vào thị trường bán lẻ trong hay ngoài nước đều phải nhanh chóng nắm bắt xu hướng thị trường, thiết lập lại chuỗi giá trị bán lẻ "an toàn" để giữ chân khách hàng.

"An toàn" trong lĩnh vực bán lẻ còn được hiểu là không dừng lại ở biện pháp phòng chống dịch COVID-19, mà còn là cuộc mua bán và sáp nhập (M&A), hay ứng dụng công nghệ và số hóa điểm bán của tất cả thương hiệu bán lẻ đang hoạt động tại Việt Nam.

Mô hình bán lẻ tích hợp lên ngôi

Giá trị đơn hàng của người dân TP Hồ Chí Minh tăng cao hơn những dịp cuối tuần bình thường. Ảnh minh họa: Mỹ Phương/TTXVN

Ghi nhận thực tế tại thị trường TP Hồ Chí Minh, trong tháng 11/2021 đã đón nhận sự gia nhập thị trường của mô hình bán lẻ tích hợp (Integrated Retail) với tên gọi “Chợ đa năng G Market”. 

Đây là mô hình bán lẻ hàng thiết yếu ứng dụng số hóa đầu tiên tại Việt Nam, cung cấp hơn 10.000 mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, áp dụng quy trình khép kín "FHD" (Farm/Factory - Hub - Door).

Theo ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng Giám đốc Grove Group (Tập đoàn phân phối chuyên doanh), với mô hình này, hàng hóa được chọn lọc kỹ từ trang trại, nhà máy (Farm/Factory) đạt chuẩn và tổ chức vận chuyển, đưa vào bảo quản trong điều kiện nhiệt độ tốt nhất tại hệ thống kho chuyên biệt (Hub). Tại Hub, sản phẩm được nhân viên kiểm tra, sàng lọc, đóng gói và giao đến khách hàng (Door) trong thời gian nhanh nhất. 

 “Chợ đa năng G Market” đã và đang đưa vào hoạt động ngày càng nhiều Hub mua hàng tích hợp hệ thống kho hàng tự động thông minh ở các khu vực, gồm thành phố Thủ Đức; quận 7, 8, 10, 12, Bình Tân, Bình Thạnh.

Với mỗi đơn hàng được đặt thành công trên www.gmarket24h.com, khách hàng sẽ được cấp 1 mã số riêng và chỉ cần nhập mã số tại kho hàng tự động thông minh là sẽ lấy được hàng. Ngoài ra, khách hàng cũng có thể chọn hình thức giao hàng tận nơi trong trường hợp không có thời gian hoặc không muốn đi lấy hàng.

Còn trong tháng 12/2021 vừa qua, Công ty cổ phần thực phẩm dinh dưỡng Nutifood đã đồng loạt khai trương 5 Ngôi nhà Dinh Dưỡng tại các quận trung tâm của TP Hồ Chí Minh. Đây là một trong những dự án trọng điểm mà Nutifood triển khai trong năm 2021, với mong muốn mang những sản phẩm, thức uống bổ dưỡng... đến gần hơn với khách hàng. 

Cụ thể, Ngôi nhà Dinh dưỡng Nutifood đã có mặt tại quận 4, Tân Bình, Gò Vấp và Bình Thạnh. Điểm đặc biệt của Ngôi nhà Dinh dưỡng Nutifood là mỗi khách hàng sẽ có được “giải pháp dinh dưỡng của chuyên gia” phù hợp nhất cho riêng mình hoặc gia đình. 

Liên quan đến dự án chuỗi Ngôi nhà Dinh dưỡng Nutifood, ông Trần Bảo Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Nutifood cho biết, dự kiến trong năm 2022, Nutifood sẽ xây dựng 300 Ngôi nhà Dinh dưỡng Nutifood trên cả nước, để có thể chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người tiêu dùng. Nutifood cũng mong muốn phổ cập kiến thức về dinh dưỡng cho người tiêu dùng Việt, để mọi người có thể lựa chọn các sản phẩm phù hợp với từng lứa tuổi, thể trạng, đảm bảo tăng cường sức khỏe, sống vui vẻ mỗi ngày. 

Kết quả khảo sát vừa công bố của Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) cũng cho thấy, rất nhiều cửa hàng thực đóng cửa trong thời gian dịch bệnh lan rộng, nhưng không có nghĩa là không còn quan trọng nữa. Thương mại điện tử sẽ không thay thế được vai trò của cửa hàng vật lý, nên xu hướng nhà đầu tư, doanh nghiệp mở và xây dựng thương hiệu chuỗi cửa hàng sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới. 

Tuy nhiên, hiện nay hệ thống cửa hàng không còn là một địa điểm chỉ để trưng bày, bán lẻ sản phẩm mà có vai trò trong tích hợp vào quy trình mua hàng trực tuyến khi xu hướng hướng mô hình trực tuyến-hợp nhất-ngoại tuyến (OMO) sẽ tiếp tục phát triển. Một số doanh nghiệp sử dụng cửa hàng ngoại tuyến làm trung tâm thực hiện cho các kênh trực tuyến, chuyển đổi tất cả kho hàng và trung tâm phân phối hiện có thành kho chứa đa kênh. 

Đặc biệt, khi đại dịch được kiểm soát tốt hơn, khách hàng sẽ quay trở lại nhiều hơn, cửa hàng truyền thống là nơi lý tưởng để giới thiệu các mặt hàng mới. Đối với hoạt động của cửa hàng, điều quan trọng là tạo ra một môi trường an toàn, không chỉ cho khách hàng mà còn cho nhân viên, để họ có thể làm việc mà không phải lo lắng quá mức. 

Tương tự, kết quả một khảo sát của Kantar Việt Nam (Công ty cung cấp dịch vụ kiểm toán, thuế, tư vấn và pháp lý) cũng chỉ ra rằng, hiện nay người tiêu dùng có xu hướng ưu tiên mua sắm hàng hóa có giá trị thật, hữu ích, nhất là đối với nhóm ngành hàng tiêu dùng nhanh, hàng thực phẩm... Bên cạnh đó, quy mô và nhân khẩu của hộ gia đình Việt đang có xu thế giảm, nên nhu cầu cá nhân ngày càng quan trọng hơn.

Hơn thế nữa, hoạt động mua sắm của nhiều gia đình Việt trở nên phức tạp hơn khi bất cứ thành viên trong gia đình có thể tự mua, không chỉ phụ thuộc vào một người nội trợ hay ai đó trong gia đình mua hết. Điều này dẫn đến bài toán khó khăn cho tất cả kênh bán lẻ, kể cả kênh hiện đại và truyền thống, kênh online và offline.

Yêu cầu trải nghiệm số tại điểm bán

Một số chuyên gia cho rằng, dịch COVID-19, đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi kỹ thuật số, cùng với đó là nhu cầu và sở thích của khách hàng đã trải qua một sự thay đổi mạnh mẽ.

Đồng thời, trong bối cảnh "thích ứng, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", khách hàng sẽ quay lại cửa hàng bán lẻ với kỳ vọng cao hơn đáng kể về trải nghiệm tại cửa hàng. 

Trải nghiệm này, phần lớn được thúc đẩy bởi mức độ mà các cửa hàng bán lẻ tích hợp một cách chặt chẽ với các công nghệ như tương tác công nghệ di động, số hóa sản phẩm, thông tin hàng tồn kho theo thời gian, quản lý khách hàng thân thiết và thiết kế tại cửa hàng.

Do đó, lựa chọn các yếu tố số hóa phù hợp sẽ rất quan trọng đối với nhà bán lẻ để mang lại trải nghiệm khách hàng phong phú, nhanh chóng và qua đó góp phần nâng cao lòng tin của người tiêu dùng.

Bên cạnh việc dễ dàng khám phá và phân loại sản phẩm, khách hàng hiện nay còn thích quy trình mua hàng không cần chạm, các cửa hàng bán lẻ thanh toán tự động không người bán. Sự kết hợp của các công nghệ trí tuệ nhân tạo AI (Artificial intelligence), robot, IOT (Internet of Things), thực tế ảo VR (Virtual Reality), thực tế ảo tăng cường AR (Augmented Reality), phần mềm máy học (Machine Learning)... sẽ cho phép khách hàng mua sắm tại cửa hàng ngoại tuyến mà không cần tương tác với cá nhân khác và đáp ứng nhanh hơn nhu cầu của khách hàng. 

Hệ thống tự động hóa trong các trung tâm phân phối và cửa hàng cũng giúp cải thiện tốc độ và sự chính xác của quy trình thực hiện đơn hàng đa kênh.

Ngày càng nhiều thương hiệu bán lẻ hiểu rằng khách hàng hiện đang cảnh giác với những phương thức thanh toán liên quan đến bất kỳ hình thức tiếp xúc vật lý nào như tiền mặt, cắm thẻ vào thiết bị thanh toán (POS)... và phương thức thanh toán an toàn, không tiếp xúc ngày càng được ưa chuộng. 

Trên thực tế, tình hình triển khai công nghệ trong doanh nghiệp bán lẻ cho thấy các ứng dụng mới như AI, AR, Blockchain, IOT... đang được nhiều doanh nghiệp đưa vào quy trình vận hành chuỗi bán lẻ.

Song song đó, một số ít doanh nghiệp đã bắt đầu triển khai ứng dụng Big Data (dữ liệu lớn), Machine Learning (máy học), RPA (tự động hóa quy trình bằng robot)...

Trong đại dịch mô hình bán lẻ đa kênh (Omni-channel) đã được nhiều doanh nghiệp triển khai trên diện rộng. Một số mô hình bán lẻ khác đang được nhiều doanh nghiệp lên triển khai hoặc mới bắt đầu triển khai, gồm: cửa hàng trong cửa hàng (Shop in shop); cửa hàng đa thương hiệu (Multi-brand store); hệ thống siêu thị áp dụng công nghệ điều chỉnh tự động, có quầy tính tiền cho khách tự thanh toán; phát triển siêu thị, cửa hàng thành điểm kết hợp cung cấp dịch vụ tài chính (dịch vụ ngân hàng truyền thống và cổng thanh toán kỹ thuật số)....

Theo ông Phạm Hồng Sơn, Giám đốc Uniliver toàn cầu Gro 24/7, phụ trách chuỗi bán lẻ toàn cầu Uniliver một số yếu tố digital (công nghệ), omnichannel (bán hàng đa kênh)... cũng khiến cho khách hàng có thể xem và đặt hàng online, sau đó lựa chọn nhận hàng là tại một cửa hàng gần nhà, trong khu dân cư...

Vì vậy, doanh nghiệp, nhà bán lẻ, thương nhân, tiểu thương... dù kinh doanh ở kênh bán lẻ nào, cần xác định đối tương khách hàng mục tiêu để có phương thức kinh doanh, bán hàng phù hợp.

Ngoài ra, người tiêu dùng có thể vào mạng xã hội để xem sản phẩm, tham khảo giá cả... nhưng họ cũng luôn sẵn sàng ra cửa hàng tạp hóa, chợ mua sắm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu.

Điều này cho thấy, kênh bán lẻ truyền thống vẫn giữ vai trò quan trọng trên thị trường nội địa tại Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng.

Từ khóa: #bán lẻ