Kim ngạch xuất khẩu lập kỷ lục trong năm 2022, kịch bản nào cho ngành cao su năm 2023?

Lạc Lạc 10:00 | 22/01/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sau nhiều năm giá mủ cao su xuống thấp, năm 2022 là năm thứ 2 ngành cao su "vực dậy", đạt mốc kỷ lục với kim ngạch xuất khẩu đạt 3,31 tỷ USD. Thế nhưng, trong bối cảnh khó khăn chung của tình hình kinh tế thế giới, đã có rất nhiều kịch bản đặt ra cho năm 2023.

Kim ngạch xuất khẩu đạt kỷ lục nhưng xuất hiện nhiều gam màu xám về cuối năm

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, diện tích trồng cao su năm 2022 đạt 929,5 nghìn ha, giảm 0,1%, sản lượng đạt 1.291,5 nghìn tấn, tăng 1,5% so với 2021. 

Cả nước xuất khẩu được 2,14 triệu tấn cao su thiên nhiên, đem về 3,31 tỷ USD, tăng 9,6% về lượng và tăng 1,1% về giá so với năm 2021. Tuy chỉ tăng nhẹ so với năm trước, nhưng kim ngạch xuất khẩu cao su cũng đã thiết lập mốc kỷ lục mới với 3,31 tỷ USD.

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mặt hàng cao su lần đầu tiên đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD vào năm 2006 và luôn duy trì ở mức trên dưới 1 tỷ USD cho đến năm 2009. Sang 2010, xuất khẩu cao su tăng trưởng đột biến, cả nước xuất khẩu 760.000 tấn cao su và lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này chạm mốc 2,3 tỷ USD. Đến năm 2021, xuất khẩu cao su đạt 816,5 nghìn tấn và giá trị xuất khẩu tăng vọt lên đến 3,2 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên xuất khẩu cao su vượt qua 3 tỷ USD. 

 

Xét về thị trường, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với vị trí thứ 3 toàn cầu về giá trị xuất khẩu, cao su Việt Nam đã có mặt tại hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đồng thời, cao su Việt Nam đang ngày càng thâm nhập sâu hơn vào nhiều thị trường quan trọng như Trung Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu, Hàn Quốc, Ấn Độ…

Trong năm 2022 vừa qua, cao su của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang khu vực châu Á, chiếm tới 90,6% tổng trị giá xuất khẩu cao su cả năm. Cụ thể, xuất khẩu cao su sang khu vực châu Á đạt 1,86 triệu tấn, trị giá gần 3 tỷ USD, tăng 12,9% về lượng và tăng 6,2% về trị giá so với năm 2021.

Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất tiêu thụ cao su của Việt Nam, với 1,5 triệu tấn, trị giá 2,34 tỷ USD; tăng 14% về lượng và tăng 6,3% về trị giá so với năm 2021. Thị trường Trung Quốc chiếm 79,8% trong tổng giá trị xuất khẩu cao su của Việt Nam năm 2022.

 

 

Dù vậy, bên cạnh những triển vọng sáng, các phân tích chỉ ra rằng trong năm qua, trong khi giá trị xuất khẩu cao su đã lập mức kim ngạch kỷ lục mới 3,31 tỷ USD, tăng gần gấp rưỡi so với năm 2011, nhưng khối lượng xuất khẩu lại tăng tới 2,6 lần. Điều này cho thấy, giá xuất khẩu mỗi tấn mủ cao su chỉ còn bằng 40% so với cách đây 11-12 năm. Giá cao su xuất khẩu bình quân năm 2022 chỉ đạt 1.547 USD/tấn, giảm 7,8% so với năm 2021.

Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ cao su toàn cầu phục hồi là yếu tố thúc đẩy xuất khẩu cao su trong năm qua. Tuy nhiên trước biến động tỷ giá USD tăng cao, trong khi giá mủ cao su lại xuống thấp trong mấy tháng cuối năm, khiến cho mối tương quan giá thành sản xuất cao su và giá bán mất cân đối.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2022, giá mủ cao su tăng cao đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cao su phát triển mạnh mẽ, làm cho ngành cao su khởi sắc sau một năm vực dậy. Từ quý III/2022, giá cao su xuất khẩu giảm dần. Đến giai đoạn quý IV/2022, những biến động kinh tế, chính trị thế giới tác động trực tiếp đến hoạt động xuất nhập khẩu cao su, khiến giá cao su giảm rất sâu so với năm trước. Bên cạnh đó, những biến động về tỷ giá cùng với các chính sách về thuế trong nước đã vô tình gây cản trở cho ngành cao su phát triển.

Theo ông Võ Hoàng An, Phó Chủ tịch Hiệp hội cao su Việt Nam, trong 2 tháng cuối năm 2022, xuất khẩu cao su của Việt Nam gặp khó khăn do đồng USD đã bước vào chu kỳ tăng giá. Trong khi đó, giá mủ cao su lại xuống thấp đã khiến mối tương quan giá thành sản xuất cao su và giá bán mất cân đối.

Hơn nữa, vấn đề gây khó khăn cho doanh nghiệp là phải nộp thuế trước, sau đó sẽ được hoàn thuế sau khi xuất khẩu. Thế nhưng thời gian chờ hoàn thuế quá lâu, khiến doanh nghiệp tồn đọng vốn trong thuế, không có vốn xoay vòng cho nhập nguyên liệu vào nhà máy, phân bổ sản xuất, chế biến, đáp ứng hợp đồng xuất khẩu tiếp theo. Điều này gây tốn kém chi phí để trả lãi suất vay ngân hàng cho số vốn tạm nộp thuế giá trị gia tăng, cũng làm chậm thêm hoạt động xuất khẩu, mang về kim ngạch không như kỳ vọng.

Triển vọng sáng cho ngành cao su năm 2023

Dự báo về triển vọng xuất khẩu cao su trong năm mới, Hiệp hội Cao su Việt Nam cho rằng sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong nửa đầu năm 2023. Vào cuối tháng 12/2022, giá cao su thế giới xuống đáy của tháng. Đóng cửa ngày 26/12/2022, giá cao su RSS3 kỳ hạn tháng 5 trên sở Osaka giảm phiên thứ 2 liên tiếp với mức giảm 1,05% xuống 1.633 USD/tấn. Đây là mức thấp nhất của giá cao su kể từ ngày 28/11/2022, khi nhu cầu chưa hồi phục đúng với kỳ vọng của thị trường. Sang đến ngày giao dịch đầu năm 2023, giá cao su vẫn trong trạng thái giảm nhẹ.

Trung Quốc vẫn là nước nhập khẩu cao su lớn nhất của tế giới, chiếm hơn 22% tổng nhập khẩu cao su trên toàn thế giới. Hiện Trung Quốc  đã bắt đầu mở cửa trở lại sau thời gian duy trì Zero COVID, tuy nhiên dự báo nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ mất thêm thời gian để phục hồi hoàn toàn. Điều này sẽ tác động xấu đến thị trường cao su và giá cao su trên thế giới trong tháng đầu năm.

Ở một góc nhìn lạc quan hơn, dẫn Dân Việt, ông Jom Jacob - Chuyên gia phân tích, nhà đồng sáng lập WhatNext Rubber Media International dự báo, giá cao su thiên nhiên thế giới năm 2023 có tín hiệu tích cực và duy trì đà tăng trong suốt 6 tháng đầu năm.

Trước hết, giữa tháng 12/2022, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ quyết định tăng lãi suất với tốc độ chậm hơn. Tốc độ tăng lãi suất năm 2023 chậm là thông tin khả quan đối với nền kinh tế toàn cầu, và có thể hỗ trợ hoạt động mua đầu cơ trên thị trường cao su.

Yếu tố thứ 2 là thị trường Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ cao su thiên nhiên lớn nhất thế giới (42%) gần như không có hoạt động sản xuất cao su thiên nhiên trong 3 tháng đầu năm. Do nhiệt độ quá thấp, người trồng cao su tại Trung Quốc ngừng thu hoạch vào giữa tháng 12 hàng năm. Sau mùa nhiệt độ cực thấp sẽ là mùa cao su rụng lá và thay lá. Sẽ mất vài tháng để Trung Quốc ghi nhận sản lượng từ việc cạo mủ. Trung Quốc đánh giá nguồn cung cao su sẽ thiếu hụt từ tháng 2 trở đi, giai đoạn mà các nước sản xuất chính bắt đầu bước vào mùa rụng lá hàng năm. Vì thế, theo ông Jom Jacob, các công ty Trung Quốc sẽ thu mua cao su với số lượng lớn trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.  

Nhìn chung, vị chuyên gia này nhận định giá cao su thiên nhiên từ tháng 1 đến tháng 6/2023 dự kiến sẽ tăng nhờ yếu tố cơ bản cung - cầu thuận lợi.

Cũng theo chiều hướng tươi sáng, mới đây, tập đoàn ISRG của Singapore đã dự báo nhu cầu sử dụng cao su trên toàn thế giới sẽ tăng trưởng đều đặn 2,4% mỗi năm trong giai đoạn 2023-2031, tăng mạnh so với mức tăng trưởng 1,8% trong năm 2022. Ngành cao su cũng đang kỳ vọng vào sự phục hồi nhu cầu từ Trung Quốc sau khi nước này dỡ bỏ chính sách Zero-Covid.