Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thành lập mới giảm 2,6%
Đây cũng là xu thế chung khi thống kê chung của tất cả các lĩnh vực có 147.200 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 0,5% về số doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2023.
So sánh số doanh nghiệp thành lập mới phân chia theo 7 nhóm lĩnh vực hoạt động thì số lượng doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thành lập mới đứng thứ 6, chỉ trước nhóm sản xuất phân phối, điện, nước, gas (1.092 doanh nghiệp) và thấp hơn nhiều so với nhóm dẫn đầu là bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (59.961 doanh nghiệp).
Tuy nhiên, nếu về số lượng doanh nghiệp giải thể thì nhóm kinh doanh bất động sản lại đứng thứ 3 trong số 7 nhóm lĩnh vực hoạt động được thống kê.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), với 3 bộ luật mới Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực sớm từ 1/8/2024, thị trường đã bắt đầu ghi nhận những tín hiệu phục hồi trở lại sau thời gian dài trầm lắng. Tuy nhiên, trong giai đoạn chuyển tiếp để các luật thực sự đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả tích cực, doanh nghiệp bat động sản vẫn còn đối mặt với không ít khó khăn, vướng mắc về pháp lý.
Các khó khăn chủ yếu tập trung ở khâu xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, giao đất cho đến cả những thách thức hiện hữu trong việc tiếp cận nguồn vốn…
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Cây - Chủ tịch HĐQT Công ty Phát triển nhà Constrexim phản ánh, nhiều địa phương không dám ký văn bản chấp thuận đầu tư, khiến tình trạng doanh nghiệp phải chờ đợi lâu. Điều đó dẫn đến nhiều dự án bị kéo dài thời gian triển khai và doanh nghiệp đầu tư rất mệt mỏi.
“Ở các nước, nhà phát triển bất động sản rất dễ tính toán lợi nhuận đầu tư do giá đất được xác định rõ ngay từ đầu khi chấp thuận đầu tư. Còn tại Việt Nam, nhà đầu tư rất khó dự toán bởi có nhiều chi phí phát sinh và thời gian chấp thuận đầu tư dự án thường kéo dài hàng năm trời. Như vậy, giá bất động sản sẽ bị đẩy lên ngày càng cao để bù đắp chi phí” – ông Cây dẫn chứng.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá bất động sản đột biến. Nếu không có giải pháp can thiệp kịp thời để giải quyết vấn đề thì người dân sẽ là đối tượng phải gánh chịu nhiều nhất; đồng thời gâu méo mó thị trường…
Theo Công ty cổ phần Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating), nhiều chính sách mới liên quan đến bất động sản sẽ thúc đẩy hoạt động phát triển dự án vào năm 2025 và xa hơn. Nhiều quy định mới về bất động sản được ban hành gần đây sẽ thúc đẩy việc phát triển các dự án và bán hàng vào năm 2025 và xa hơn.
Khi dòng tiền được cải thiện, khả năng thanh toán nợ của các chủ đầu tư bất động sản bắt đầu cải thiện. Mặc dù doanh số bán hàng dự án đã phục hồi từ quý I/2024 nhưng năm 2024 các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn; trong đó, phần lớn doanh nghiệp sẽ khó hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2024.
Các chuyên gia cho rằng, năm 2025 thị trường sẽ tốt hơn nhờ “trợ lực” của nhiều Thông tư và Nghị định hướng dẫn được ban hành hoặc có hiệu lực trong quý III/2024 sẽ đẩy nhanh việc phát triển dự án và bán hàng vào năm 2025.
Cụ thể có hơn 20 Nghị định, Thông tư đã được ban hành trong quý III/2024 để hỗ trợ thực hiện các Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023. Chủ đầu tư được hướng dẫn rõ ràng hơn để tiến hành các thủ tục và thúc đẩy phát triển nhiều dự án mới như: định giá đất, thu hồi đất, các khoản phí và nhiều yếu tố khác...
Ngoài ra, nỗ lực của Chính phủ từ đầu năm 2024 trong việc đẩy nhanh phê duyệt pháp lý cho các dự án bất động sản đã giúp gia tăng các dự án được cấp phép mới và đủ điều kiện bán hàng trong quý III/2024. Do đó, năm 2025, các chuyên gia dự báo, nhiều chủ đầu tư sẽ tăng mạnh số lượng dự án mới, giúp cải thiện doanh số bán hàng và dòng tiền./.