Doanh nghiệp muốn làm 6.000 căn nhà ở xã hội tại Nghệ An tiềm lực ra sao?
Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An đã có văn bản gửi các sở ngành và đơn vị liên quan về việc xem xét đề nghị của Công ty cổ phần Đầu tư Hacom Holdings (Hacom Holdings). Trước đó, ngày 28/4/2025, Hacom Holdings đã có văn bản gửi UBND tỉnh Nghệ An về việc cho phép đầu tư dự án Khu đô thị phường Hưng Dũng, TP Vinh, thông qua thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất và đăng ký đầu tư dự án nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoan 2026-2030.
Theo UBND tỉnh Nghệ An, Công ty cổ phần Đầu tư Hacom Holdings đã đề xuất hai nội dung gồm: cho phép nghiên cứu, thực hiện thủ tục đầu tư dự án xây dựng Khu đô thị phường Hưng Dũng, TP Vinh, với quy mô khoảng 82,07 ha, áp dụng theo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, cũng như các quy định khác có liên quan của Chính phủ.
Cùng với đó, Hacom Holdings đăng ký đầu tư xây dựng 6.000 căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2026 - 2030 thuộc dự án trên.

Dự án nhà ở xã hội tại Nghệ An. Ảnh BNA.
Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Hoàng Phú Hiền đã giao Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở: Xây dựng, Tài chính; UBND TP Vinh và các cơ quan liên quan nghiên cứu nội dung đề xuất của Hacom Holdings, tổng hợp đề xuất của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ UBND tỉnh giao tại văn bản 3734/UBND-CN ngày 5/5/2025, báo cáo UBND tỉnh theo đúng quy định của pháp luật.
Trước đó, vào ngày 9/10/2023, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Kế hoạch số 778 triển khai thực hiện đề án xây dựng nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, đặt mục tiêu trong giai đoạn năm 2021 - 2030 sẽ hoàn thành xây dựng 28.500 căn nhà ở xã hội, trong đó có 9.000 nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, 19.500 nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp.
Từ năm 2021 đến nay, tỉnh Nghệ An đã hoàn thành xây dựng 1.756 căn tại 3 dự án, công trình; trong đó có 300 căn hộ nhà ở xã hội cho công nhân và 1.456 phòng lưu trú công nhân khu công nghiệp.
Hiện có 34 dự án, công trình đang triển khai đầu tư xây dựng (dự án đã có chủ trương đầu tư, đã lựa chọn chủ đầu tư; đã cấp phép xây dựng, đã khởi công xây dựng) với hơn 29.000 căn hộ.
Hacom Holdings tiềm lực ra sao?
Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần Đầu tư Hacom Holdings (tiền thân là Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Hà Nội) thành lập vào tháng 9/2005. Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc và nắm cổ phần chi phối tại doanh nghiệp là ông Trần Phú Chiến, sinh năm 1976.
Hiện trụ sở chính doanh nghiệp tại tòa nhà The Light, đường Tố Hữu, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội.
Ban đầu, Hacom Holdings được biết đến là nhà thầu xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp, hạ tầng khu đô thị, đường, cầu, nhà máy, đồng thời tư vấn dự án bất động sản, nhà ở và thương mại.
Đến năm 2012, doanh nghiệp mở rộng kinh doanh vào đầu tư bất động sản trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận phía Bắc.
Để phục vụ việc mở rộng kinh doanh, Hacom Holdings liên tục tăng vốn điều lệ, từ vài trăm tỷ đồng lên hàng nghìn tỷ đồng trong giai đoạn từ 2018 trở đi. Cụ thể, tháng 8/2018, doanh nghiệp bắt đầu nâng vốn từ 336 tỷ đồng lên 500 tỷ đồng. Thời điểm đó ông Trần Phú Chiến sở hữu 71% cổ phần. Chỉ 3 tháng sau đó, công ty tăng vốn lên 1.000 tỷ đồng.
Từ tháng 6/2020 và đến cuối tháng 6/2021, Hacom Holdings hai lần bơm vốn liên tiếp lên 2.000 tỷ đồng và 3.000 tỷ đồng. Đến tháng 5/2022, vốn điều lệ tập đoàn chính thức cán mốc 4.000 tỷ đồng. Có thể thấy, chỉ sau gần 4 năm, Hacom Holdings đã tăng vốn điều lệ gấp 12 lần.
Tuy nhiên, đến tháng 12/2024, doanh nghiệp của Chủ tịch Trần Phú Chiến giảm vốn điều lệ xuống còn 3.000 tỷ đồng và duy trì từ đó đến nay.
Thông tin trên website, hiện tổng số nhân sự của Hacom Holdings và hệ sinh thái của doanh nghiệp lên tới gần 150 người là những cán bộ quản lý, kỹ sư, chuyên gia trong các lĩnh vực bất động sản, năng lượng, tài chính, xây dựng.
Hacom Holdings hiện có các công ty thành viên như: Công ty cổ phần Năng lượng Hacom, trụ sở đặt tại thôn thôn Quán Thẻ 2, xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận; Công ty cổ phần Năng lượng Hacom Bạc Liêu, trụ sở đặt tại ấp Vĩnh Mới, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu; Công ty cổ phần DV&TM Petrolimex Lâm Đồng, trụ sở đóng tại phường 9, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng…
Từ năm 2018, Hacom Holdings bắt đầu phát triển địa bàn, lấn sân sang các lĩnh vực mới hơn như năng lượng tái tạo, dịch vụ du lịch, các dự án bất động sản trung và cao cấp tại một số địa phương giàu tiềm năng như Ninh Thuận, Nha Trang, Đà Lạt, Vũng Tàu. Tiêu biểu trong số dự án đầu tay của Hacom Holdings là Công viên biển Bình Sơn rộng 24,6 ha tại tỉnh Ninh Thuận, với vốn đầu tư 400 tỷ đồng.
Hacom Holdings cũng được biết đến là nhà đầu tư xây dựng các dự án quy mô lớn như khu đô thị Đông Bắc tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm rộng 60ha với tổng mức đầu tư trên 2.000 tỷ đồng; khu đô thị biển Bình Sơn Ocean Park quy mô 52 ha, vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng (đều ở tỉnh Ninh Thuận); tuyến đường Nguyễn Thiện Thuật - TP Nha Trang tỉnh Khánh Hòa với vốn đầu tư 200 tỷ đồng và dự án đối ứng 13 ha vốn 2.000 tỷ đồng...
Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, Hacom Holdings là nhà đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời Hacom Solar đặt tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận với công suất 50 MWp. Ngoài ra doanh nghiệp này đang đề xuất đầu tư dự án Nhà máy Điện gió Cam Nghĩa 50 MW; Nhà máy Điện mặt trời Hacom Quảng Trị - 50 MWp tại tỉnh Quảng Trị và được địa phương này thống nhất về mặt chủ trương… Vào tháng 4/2023, Hacom Holdings cũng đã đề xuất với tỉnh Quảng Trị để đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội, với tổng mức đầu tư khoảng 700 tỷ đồng.