Doanh nghiệp thành lập mới tháng 4 cao kỷ lục, vẫn còn nhiều thách thức để phục hồi
Mỗi tháng có 20,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động
Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 4, cả nước có khoảng 15.001 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 4,9% so với tháng 3 và tăng 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Số vốn đăng ký đạt 164,1 nghìn tỷ đồng, giảm 15,3% so với tháng 3 và giảm 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 10,9 tỷ đồng, giảm 19,2% so với tháng 3 và giảm 9,6% so với cùng kỳ 2021.
Số lao động đăng ký tăng 11,7% so với tháng 3 và tăng và tăng 10,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, cả nước còn có 7.034 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 63,6% so với tháng trước và tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, tổng số doanh nghiệp tái gia nhập thị trường trong tháng 4 đạt 22.035 doanh nghiệp.
Cũng trong tháng 4, cả nước tổng cộng 10.380 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Trong đó bao gồm 5.391 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 81,1% so với tháng trước và tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Ngoài ra, 3.762 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 52,1% so với tháng trước nhưng giảm 32,9% so với cùng kỳ năm ngoái. 1.227 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 13,9% so với tháng trước nhưng giảm 20,4%.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, cả nước có 49,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng số vốn đăng ký đạt 635,3 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký 348,2 nghìn lao động, tăng 1,2% về vốn đăng ký và tăng 2,3% về số lao động.
Dù vậy, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 4 tháng đầu năm đạt 12,8 tỷ đồng, giảm 9,9% so với cùng kỳ năm 2021. Nếu tính cả 1.345,5 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 17,1 nghìn doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 4 tháng đầu năm là 1.980,8 nghìn tỷ đồng, tăng 39,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tính theo khu vực kinh tế, số doanh nghiệp thành lập mới chủ yếu thuộc khu vực dịch vụ (36.073 doanh nghiệp, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái). Còn lại, 12.807 doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, tăng 5,3% và 711 doanh nghiệp thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng 2,4%.
Bên cạnh đó, còn có 30,9 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 60,6% so với cùng kỳ năm 2021), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 4 tháng đầu năm 2022 lên 80,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 26,9% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 20,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Ngoài ra, có tổng cộng 61.536 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong đó bao gồm 41.001 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 44,6% so với cùng kỳ năm trước), 14.973 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể (giảm 8,7%) và 5.562 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (giảm 17,5%). Như vậy, bình quân một tháng có gần 15,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Tổng cục Thống kê nhận định số doanh nghiệp gia nhập thị trường tăng vọt cho thấy các giải pháp điều hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã tạo được niềm tin cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Nhiều thách thức cho sự phục hồi của khu vực doanh nghiệp
Trong báo cáo triển vọng kinh tế Việt Nam do nhóm nghiên cứu Chứng khoán Vietcombank (VCBS) thực hiện hồi đầu năm nay, các chuyên gia VCBS nhận định doanh nghiệp là đối tượng hưởng lợi từ các gói hỗ trợ kinh tế nằm trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trị giá gần 350 nghìn tỷ đồng kéo dài trong 2 năm 2022-2023, mà cụ thể là các chương trình giảm thuế VAT, các gói hỗ trợ lãi suất 2%, giảm phí…
Trong khuôn khổ gói này, dù chính sách tài khóa chiếm đa số, nhưng chính sách tiền tệ linh hoạt với mục tiêu nhất quán đến nay là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp sau đại dịch cũng được nhận định sẽ kích thích tâm lý lạc quan kinh doanh cũng như thúc đẩy đà phục hồi kinh tế.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đối diện nhiều rủi ro, từ xung đột Nga - Ukraine cho đến chính sách Zero-COVID ở Trung Quốc làm tăng áp lực lạm phát, VCBS cho rằng mục tiêu giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp cũng như nền kinh tế phục hồi sau dịch sẽ gặp thách thức lớn. Bên cạnh đó, một số khó khăn khác như diễn biến phức tạp của đại dịch và việc công nhân chưa hoàn toàn trở lại khu công nghiệp khiến nhiều doanh nghiệp đối diện tình trạng thiếu lao động cũng được VCBS cảnh báo trong báo cáo.
Dù vậy nhìn chung, giới chuyên gia vẫn tỏ ra lạc quan về tiềm năng phục hồi của khu vực doanh nghiệp. Chứng khoán Mirae Asset nhận định: “Các chính sách hỗ trợ kinh tế, duy trì mặt bằng cho vay thấp, ổn định vĩ mô để hỗ trợ doanh nghiệp cũng đóng vai trò rất quan trọng trong sự hồi phục của nền kinh tế”. Kỳ vọng với triển vọng phục hồi sáng của khu vực doanh nghiệp, tăng trưởng kinh tế năm nay có khả năng đạt mục tiêu 6-6,5% mà Quốc hội đưa ra.