Khách hàng mục tiêu vẫn khó tiếp cận nhà ở xã hội
Sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị tại phiên kỳ họp Quốc hội hồi đầu tháng 11 liên quan đến nhà ở xã hội, rất nhiều cử tri tiếp tục nên lên những khó khăn về phân khúc nhà ở này.
Ngày 17/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các Đại biểu Quốc hội đơn vị TP Cần Thơ tiếp xúc cử tri quận Ninh Kiều, Cái Răng và huyện Phong Điền sau kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV.
Phát biểu tại cuộc tiếp xúc, đánh giá cao kết quả của kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, thành tựu kinh tế - xã hội đạt được thời gian qua, cử tri phản ánh nhiều vấn đề "nóng" đang được xã hội quan tâm.
Cử tri cho rằng, hiện nay có rất nhiều công nhân, người lao động đang có nhu cầu về nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp, trong đó có cán bộ công chức.
Trong khi đó các dự án đầu tư về nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp ít được các nhà đầu tư quan tâm hoặc nếu có thì giá nhà quá cao so với mức thu nhập của người lao động.
Cử tri đề nghị ngành chức năng cho biết, trong thời gian tới sẽ có những giải pháp gì để có nhiều dự án nhà ở xã hội giúp cho người có thu nhập thấp, có được ngôi nhà để an cư lạc nghiệp, để an tâm công tác?
Cử tri cũng mừng vì Quốc hội thảo luận sửa đổi Luật Đất đai, đồng thời kiến nghị cần giảm bớt các thủ tục hành chính không cần thiết theo quy định của Luật Đất đai. Bộ Tài nguyên và Môi trường quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi chuyển mục đích sử dụng đất, nhất là đất ở tại khu vực đô thị.
Trả lời ý kiến của cử tri về vấn đề xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, Thủ tướng cho biết, thời gian qua Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, quy định pháp luật và chỉ đạo đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội cho cho công nhân, cán bộ công chức, người thu nhập thấp tại đô thị với một số chính sách ưu đãi.
Đặc biệt, Chính phủ đã ban hành Nghị định; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn, số lượng dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại các địa phương trong thời gian qua còn nhiều hạn chế.
Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030".
Hiện nay, Đề án đang được Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt để các cấp, các ngành triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Thủ tướng cũng cho biết, ông vừa quyết định thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp. Tổ công tác do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm Tổ trưởng.
- TIN LIÊN QUAN
-
Bình Dương thêm 1.600 ha đất để phát triển nhà ở xã hội 21/09/2022 - 07:07
Người thu nhập thấp ở TP HCM hiện khó tiếp cận nhà ở xã hội
Tại buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM về giám sát thực hiện Luật Nhà ở trên địa bàn thành phố giai đoạn năm 2016-2021 hồi tháng 8/2022, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM cho biết, giai đoạn 2016-2021, số lượng nhà ở xã hội đã hoàn thành là gần 15.000 căn hộ với 19 dự án. Giai đoạn tiếp theo (2021-2025), TP HCM dự kiến triển khai 25 dự án với tổng số căn hộ hơn 28.600 căn.
Giai đoạn trên, TP HCM có 19 dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành mới chỉ giải quyết nhu cầu nhà ở của một bộ phận người thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức gặp khó khăn về nhà ở. Theo đó, số lượng nhà ở xã hội vẫn chưa giải quyết nhu cầu rất lớn về nhà ở của người dân, nhất là người có thu nhập thấp.
Từ đó lãnh đạo Sở Xây dựng TP HCM kiến nghị, cần rà soát lại các quy định pháp luật còn chưa đồng bộ, chưa thống nhất liên quan đến nội dung phát triển nhà ở. Bởi hiện nay thực tế nhiều dự án chậm hoặc không thể triển khai do vướng nhiều quy định. Trong đó, thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội hiện nay nhiều và khó hơn so với quy định về thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện, chưa thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia.
Ông Huỳnh Thanh Khiết cho biết, nếu theo đúng quy trình để một dự án để đủ điều kiện triển khai phải mất hơn 1 năm và trải qua nhiều bước. Do đó, TP HCM kiến nghị có quy trình theo hướng đơn giản và rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội.
Đồng thời, kiến nghị Chính phủ phân cấp cho UBND TP HCM xem xét, quyết định điều chỉnh dự án xây dựng nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư; điều chỉnh nhà ở phục vụ tái định cư hoặc điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng nhà ở phục vụ tái định cư sang làm nhà ở xã hội hoặc sang làm nhà ở thương mại… Điều này giúp TP HCM chủ động quyết định tính khả thi khi xây dựng nhà ở tại các dự án khu đô thị và phát triển nhà ở, phù hợp với nhu cầu từng khu vực, thời điểm.
Trong khi đó, ông Bùi Văn Sổn, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội TP HCM cho biết, năm 2022, Ngân hàng Chính sách xã hội phân bổ, cấp nguồn vốn cho vay là 15,7 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay chỉ mới giải ngân vay được 500 triệu đồng. Những năm trước, nguồn vốn không giải ngân được phải trả về.
Theo ông Sổn, nhu cầu vay vốn mua nhà ở xã hội tại TP HCM rất lớn, trong khi nguồn cung nhà ở xã hội trên địa bàn TP HCM hạn chế, chưa đáp ứng đủ. Ông Sổn nêu ra một số nguyên nhân, đó là một số dự án nhà ở xã hội tại TP HCM chậm tiến độ hoặc tạm ngưng do ảnh hưởng dịch Covid-19 vừa qua.
Bên cạnh đó, khách hàng gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn cho vay mua nhà ở xã hội. Cùng với đó việc xác nhận người mua nhà ở xã hội chưa có nhà ở địa phương cũng gặp khó khăn… Ngoài ra, mức vay hiện nay là 500 triệu đồng, trong khi giá nhà xã hội hiện nay cũng đã hơn 1 tỷ đồng nên nhiều người khó tiếp cận vay mua nhà.
Giá nhà ở xã hội quá cao so với thu nhập người dân
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, đại biểu Tô Văn Tám (thường trực Ủy ban Pháp luật) nói, mục tiêu xây dựng nhà ở xã hội là hướng tới người có thu nhập thấp, giải quyết nhà ở giá rẻ. Do đó, ông đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân giá nhà quá cao so với thu nhập của người dân. "Có thể đưa giá nhà ở xã hội về đúng với thu nhập của người lao động, công nhân, người thu nhập thấp hay không, thời gian bao lâu?", ông Tám chất vấn.
Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị thừa nhận việc phát triển nhà ở xã hội chưa đạt mục tiêu đề ra. Giá nhà đang ở mức cao so với thu nhập của người dân, người lao động. Nhiều nguyên nhân khiến giá cao, như nguồn cung chưa được đảm bảo; quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội còn hạn chế; nguồn vốn phát triển chưa đảm bảo; chính sách ưu đãi nhà đầu tư chưa thực sự thu hút; quy trình, thủ tục xây nhà phức tạp.
"Thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh sửa đổi quy định pháp luật để thu hút nguồn lực, cố gắng đáp ứng mục tiêu đảm bảo nhà ở cho người thu nhập thấp", Bộ trưởng Xây dựng nói, cho biết đề án xây dựng một triệu căn nhà xã hội đã được Bộ trình Thủ tướng, sẽ đảm bảo giá nhà ở xã hội phù hợp với người thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp.
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết các phương án phát triển nhà ở xã hội thời gian tới. Ông Nghị thông tin, hiện nay nhà ở xã hội mới đạt 36% so với nhu cầu; đạt 7,79 triệu m2 so với yêu cầu 12 triệu m2.
Quy định pháp luật còn vướng mắc, đặc biệt là Luật Nhà ở và luật khác có liên quan đến trình tự, thủ tục đầu tư, giá nhà, chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư, quy định nhà ở xã hội phải dành tối thiểu 20% cho thuê... Việc bố trí nguồn vốn xây nhà xã hội cũng gặp khó khăn khi mới đáp ứng được 35% yêu cầu.
Một số địa phương chưa thực sự quan tâm xây dựng nhà ở xã hội, nhà công nhân, nên chưa đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm, hàng năm; chưa xác định rõ quỹ đất; chưa xây dựng hạ tầng kỹ thuật quanh khu vực làm nhà ở xã hội và tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tham gia xây nhà.
"Thời gian tới, chúng tôi sẽ hoàn thiện hệ thống pháp luật, tháo gỡ vướng mắc tạo điều kiện nhằm tăng nguồn cung nhà ở xã hội. Các cơ quan sẽ tập trung triển khai đề án phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nói.
Giá nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp cũng được bà Lệ phát biểu khi thảo luận tại tổ về dự án Luật Đất đai sửa đổi ngày 3/11. Bà Lệ trăn trở khi người dân thu nhập trung bình và thấp thiếu trầm trọng nhà ở vừa túi tiền thì bất động sản phân khúc cao cấp, trung cấp xuất hiện rất nhiều. Điều này sẽ tác động đến mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội cho đa số người yếu thế trong xã hội, nhất là người thu nhập trung bình thấp ở các đô thị.
Bà đề nghị dự án Luật Đất đai sửa đổi cần điều chỉnh chính sách quy hoạch, ưu đãi, sử dụng quỹ đất. Mục tiêu là tạo điều kiện cho người dân có thể tiếp cận đất đai, nhà ở. "Cần làm sao để không chỉ doanh nghiệp, người thu nhập cao mà tầng lớp công nhân, người lao động chân tay cũng có điều kiện tìm được nhà ở khu vực trung tâm đô thị, giúp họ thuận tiện đi làm và sinh hoạt", bà Lệ nói.
Dự báo từ nay đến năm 2030, cả nước cần khoảng 2,4 triệu căn nhà ở xã hội, nhà công nhân. Ngày 17/10, Bộ Xây dựng có tờ trình gửi Thủ tướng, đề xuất các đơn vị tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động khoảng 1,13 triệu tỷ đồng để xây 1,4 triệu căn nhà ở xã hội, nhà cho công nhân đến năm 2030.
Hỗ trợ cho vay 2.306 tỷ đồng mua nhà ở xã hội
Triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30-1-2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Xây dựng đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân gói hỗ trợ mua, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, sửa chữa nhà...
Tính đến hết quý III/2022, ngân hàng đã giải ngân được 2.306 tỷ đồng cho 6.673 khách hàng thuộc đối tượng vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở.
Đối với việc giải ngân gói hỗ trợ cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ, Bộ Xây dựng đã 3 lần công bố danh mục các dự án đủ điều kiện được vay, với số lượng 21 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, dự án cải tạo chung cư cũ, quy mô xây dựng 19.897 căn hộ, tổng mức đầu tư là 20.179 tỷ đồng.