Bộ Xây dựng phản hồi việc chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội theo hình thức đấu thầu
Đầu tháng 8 năm nay, tại Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đề xuất xây 1 triệu căn hộ cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp từ nay đến 2030. Đề xuất được Thủ tướng đồng ý và giao Bộ lập đề án.
Đến ngày 17/10, Bộ Xây dựng chính thức trình Thủ tướng đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030. Đề án đặt mục tiêu, giai đoạn 2022-2025, cả nước sẽ xây 571.000 căn và 2026-2030 là 845.500 căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Những thành phố lớn sẽ tập trung phát triển nhà ở xã hội theo đề án này gồm Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng...
Sau đề án này, nhiều doanh nghiệp lớn đang thể hiện sự quan tâm đến việc đầu tư dự án nhà ở xã hội. Mới đây, một doanh nghiệp tại Vĩnh Phúc muốn hướng tới phát triển dự án nhà ở xã hội đã gửi thắc mắc lên Bộ Xây dựng: Thông tư số 09/2021/TT-BXD yêu cầu phải có quy hoạch chi tiết tại khu vực dự án để phục vụ công tác lựa chọn chủ đầu tư dự án theo hình thức đấu thầu thì có phù hợp với Luật Nhà ở, Luật Quy hoạch đô thị và Nghị định số 25/2020/NĐ-CP hay không? Trường hợp khu vực dự kiến bố trí dự án nhà ở xã hội (được bố trí trên đất hợp pháp của doanh nghiệp) nhưng mới có quy hoạch phân khu thì thực hiện như thế nào? Cơ quan, đơn vị nào có trách nhiệm lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500?
Phản hồi thắc mắc của doanh nghiệp, Bộ Xây dựng cho hay: về việc lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội theo hình thức đấu thầu: Tại Điểm b, Khoản 7, Điều 108 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư (sửa đổi, bổ sung Khoản 3, Điều 16 Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/2/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư) có quy định:
Đối với dự án theo quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 1 Nghị định này, căn cứ quy định của pháp luật chuyên ngành, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ ban hành quy định hoặc trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án; phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất và các nội dung khác (nếu có), bảo đảm mục tiêu cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế, trong đó bao gồm nội dung.
Khoản 7, Điều 1 Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 1/4/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội có quy định: "Bộ Xây dựng hướng dẫn quy định về điều kiện, tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội".
Tại Khoản 1, Điều 3 Thông tư số 09/2021/TT-BXD ngày 16/8/2021 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội và Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 1/4/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP có quy định:
Dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội phải lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Khoản 2, 3, 5 và 6, Điều 11 Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/2/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 4, Điều 108 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư) và các điều kiện sau:
a) Không sử dụng nguồn vốn quy định tại Khoản 1, Điều 53 Luật Nhà ở để đầu tư xây dựng công trình;
b) Không thuộc các trường hợp quy định tại Điểm c và d, Khoản 2, Điều 57 Luật Nhà ở (trừ trường hợp quy định tại Khoản 3, Điều 8 Thông tư này);
c) Đã có Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư;
d) Có quy hoạch chi tiết xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt".
Như vậy, căn cứ các quy định pháp luật nêu trên thì việc lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội theo hình thức đấu thầu thực hiện theo quy định của Thông tư số 09/2021/TT-BXD ngày 16/8/2021 của Bộ Xây dựng là phù hợp với các quy định pháp luật về nhà ở, đấu thầu, đầu tư.
Theo đó, một trong các điều kiện của dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội phải lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu là quy hoạch chi tiết xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Đối với việc chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội đối với doanh nghiệp có quyền sử dụng đất: Tại Điểm c, Khoản 2, Điều 57 Luật Nhà ở quy định: "Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã có quyền sử dụng đất hợp pháp, phù hợp với quy hoạch xây dựng nhà ở, có đủ điều kiện làm chủ đầu tư và có nhu cầu xây dựng nhà ở xã hội thì doanh nghiệp, hợp tác xã đó được giao làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội;".
Khoản 7, Điều 1 Nghị định số 49/2021/NĐ-CP quy định: "Đối với trường hợp quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 57 Luật Nhà ở thì thực hiện theo quy định của pháp luật đầu tư. Nhà đầu tư đăng ký làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội phải đáp ứng điều kiện có chức năng kinh doanh bất động sản theo quy định của pháp luật kinh doanh bất động sản và trong văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời xác định nhà đầu tư đó làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội;".
Theo Điều 7 Thông tư số 09/2021/TT-BXD: "1. Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 57 Luật Nhà ở thì nhà đầu tư đăng ký làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội phải đáp ứng điều kiện có chức năng kinh doanh bất động sản theo quy định của pháp luật kinh doanh bất động sản.
Cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định tại Khoản 5, Điều 29 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP đối với nhà đầu tư được lựa chọn làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo quy định tại Khoản 1 Điều này".
Như vậy, pháp luật về nhà ở chỉ quy định trường hợp doanh nghiệp có quyền sử dụng đất hợp pháp, phù hợp với quy hoạch xây dựng nhà ở, đáp ứng điều kiện có chức năng kinh doanh bất động sản theo quy định của pháp luật kinh doanh bất động sản thì được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội trên diện tích đất hợp pháp đó.
Việc lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 thực hiện theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 (Khoản 7, Điều 19).
Việc phê duyệt quy hoạch đô thị thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan nhà nước, thực hiện theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và được sửa đổi, bổ sung tại Luật số 35/2018/QH14.
Nhiều 'ông lớn' tham gia phát triển nhà ở xã hội
Tính đến nay, trên địa bàn cả nước, đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị và nhà ở công nhân khu công nghiệp, quy mô xây dựng khoảng 155.800 căn, với tổng diện tích hơn 7.790.000 m2. Đang tiếp tục triển khai 401 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 454.360 căn, với tổng diện tích khoảng 22.718.000 m2; trong đó có 245 dự án với quy mô 300.000 căn hộ đang thực hiện thủ tục đầu tư và có 156 dự án với quy mô 156.700 căn hộ đang đầu tư xây dựng.
Không chỉ các dự án đã khởi công mà hàng loạt doanh nghiệp cũng cho biết đang có ý định đầu tư các dự án nhà ở xã hội quy mô lớn.
Từ đầu năm nay, nhiều "ông lớn" trong ngành bất động sản như Tập đoàn Hưng Thịnh, Vinhomes, Novaland, Becamex IDC, Hoà Bình Group... đã công bố xây dựng hàng trăm nghìn căn nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ vừa túi tiền cho người lao động.
Đơn cử, Vinhomes sẽ bắt đầu lên kế hoạch hoàn thiện 500.000 căn hộ nhà ở xã hội trong vòng 5 năm tới, với giá bán dự kiến khoảng 300 đến 950 triệu đồng căn. Quy mô các dự án khoảng 50 - 60ha tại vùng ven tại các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng... Trước mắt, Vinhomes sẽ triển khai dự án tại Hà Nội, TP HCM.
Mới đây, Masterise Group cũng công bố trên truyền thông sẽ triển khai phát triển khoảng 25.000 căn nhà ở xã hội trong thời gian 3-5 năm tới. Đồng thời, doanh nghiệp sẽ phối hợp với các đối tác để tạo ra các giải pháp tài chính phù hợp (lãi suất thấp) nhằm đảm bảo khách hàng thuộc đối tượng có thể sở hữu nhà ở xã hội của Masterise Homes.
Hòa Bình Group đặt mục tiêu xây khoảng 10.000 căn hộ nhà ở xã hội ở nhiều tỉnh, thành trong năm 2022. Trong đó có 2.000 căn hộ nhà ở xã hội được đề xuất xây dựng tại 393 Lĩnh Nam và dự án nhà ở xã hội quy mô lớn tại huyện Đông Anh.
Tập đoàn Novaland sẽ đầu tư xây dựng 200.000 căn hộ nhà ở xã hội tại TP HCM và các tỉnh thành phía Nam.
Ngoài ra, liên doanh BIC và Him Lam cũng đang triển khai xây dựng hạ tầng cho 3 tòa nhà cao 22 tầng và khoảng 1.900 căn hộ tại phường Thượng Thanh, quận Long Biên.
Tại tỉnh Bình Dương, Tổng công ty Becamex IDC cũng vừa khánh thành khu 2 nhà ở xã hội Định Hòa và động thổ các dự án nhà ở xã hội ở những khu vực đông công nhân lao động. Dự kiến đến năm 2023, Becamex IDC sẽ tiếp tục chi khoảng 9.500 tỷ đồng để xây dựng 20.000 căn nhà ở xã hội tại khu VietSing (TP Thuận An), khu Định Hòa (TP Thủ Dầu Một), khu Mỹ Phước (thị xã Bến Cát), khu Bàu Bàng (huyện Bàu Bàng).