Đồng Nai điều chỉnh tăng chỉ tiêu NƠXH giai đoạn 2021-2030 lên 30.000 căn

Đông Bắc 11:45 | 28/11/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
UBND tỉnh Đồng Nai vừa có cuộc họp lấy ý kiến các sở ngành, địa phương hoàn tất các nội dung để trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết điều chỉnh về Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh. Dự kiến số nhà ở xã hội sẽ tăng lên gấp 5 lần, từ 6.000 lên 30.000 căn.

 

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, trong giai đoạn 2021-2030 sẽ có khoảng 180.000 căn nhà ở được xây dựng với tổng vốn đầu tư gần 300.000 tỷ đồng, chủ yếu huy động từ các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân.

Cụ thể, giai đoạn 2021-2025, dự tính trên địa bàn tỉnh sẽ đầu tư xây dựng 90.000 căn nhà ở, trong đó khoảng 10.000 căn nhà ở xã hội, còn lại do các hộ gia đình, cá nhân tự đầu tư thực hiện. Vốn đầu tư nhà ở cho giai đoạn này gần 124.600 tỷ đồng.

Giai đoạn 2026-2030, đầu tư xây dựng thêm 90.000 căn nhà ở với tổng vốn hơn 175.100 tỷ đồng. Trong đó bao gồm 20.000 căn nhà ở xã hội và 70.000 căn nhà ở của các hộ gia đình, cá nhân.

Để đáp ứng nhu cầu về nơi ở cho người dân, tỉnh đã quy hoạch sử dụng đất tăng thêm hơn 10.000 ha đất ở cho những năm tới và chủ yếu tăng ở những khu vực có nhiều khu công nghiệp và đông dân cư.

Như vậy, Đồng Nai dự kiến sẽ tăng chỉ tiêu nhà ở xã hội xây dựng trong giai đoạn 2021-2030 lên tới 30.000 căn.

Trong khi đó, hồi tháng 7/2021, Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai đã ban hành Nghị quyết 23/NQ- về Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu xây dựng 6.000 căn nhà ở xã hội. Quyết định 320/QĐ-UBND ngày 27/1/2022 của Đồng Nai cũng nêu rõ giai đoạn 2021-2025, xây dựng 2.500 căn nhà ở xã hội tương ứng 200.000 m2 sàn với tổng vốn đầu tư 2.539 tỷ đồng. Giai đoạn 2026-2030, xây 3.500 căn nhà ở xã hội tương ứng 280.000 m2 sàn với tổng vốn 4.773 tỷ đồng.

Như vậy, so với Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030 đã được phê duyệt trước đây, dự kiến, chỉ tiêu xây nhà ở xã hội của Đồng Nai sẽ tăng lên gấp 5 lần, từ 6.000 lên 30.000 căn.

  Số nhà ở xã hội tại Đồng Nai dự kiến sẽ tăng lên gấp 5 lần, từ 6.000 lên 30.000 căn. Ảnh BĐN.

Trước đó vào ngày 5/11, UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư và phát triển nhà ở xã hội nhằm kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây nhà ở cho công nhân và người thu nhập thấp trên địa bàn.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức cho biết, vấn đề nhà ở xã hội là vấn đề được cả hệ thống chính trị trong tỉnh chú ý phát triển. Hiện tại toàn tỉnh có 32 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất 10.270 ha, trong đó, 31 khu công nghiệp đi vào hoạt động. Tổng số người lao động tại các Khu công nghiệp có nhu cầu về chỗ ở hiện nay khoảng 410.000 người. Những năm tới, nhiều khu công nghiệp mới sẽ được đầu tư; số lượng công nhân và nhu cầu nhà ở cho công nhân sẽ tiếp tục tăng mạnh; dự báo đến năm 2025 nhu về chỗ ở công nhân khoảng 450.000 người.

Theo ông Võ Tấn Đức, số lượng nhà ở xã hội của Đồng Nai chưa đáp ứng nhu cầu của người thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, tỉnh đặt ra mục tiêu giai đoạn 2021-2025 sẽ xây dựng khoảng 10.000 căn nhà xã hội. Vốn đầu tư dự ước gần 10.200 tỷ đồng từ nguồn vốn nhà nước, các doanh nghiệp và huy động khác. Do đó, Đồng Nai mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào 37 dự án nhà ở công nhân, nhà ở xã hội với tổng diện tích trên 175 ha, chủ yếu tại thành phố Biên Hòa, các huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom, Vĩnh Cửu.

Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội đã cùng trao đổi, trình bày các tham luận về kinh nghiệm, thuận lợi và khó khăn của các đơn vị trong lĩnh vực xây dựng nhà ở xã hội. Các doanh nghiệp đề xuất, tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn về chính sách, chuẩn bị sẵn quỹ đất để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, triển khai nhà ở xã hội vùng ven thành phố, giá đất sẽ rẻ hơn và một số vấn đề liên quan khác.

Lãnh đạo Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và đầu tư cũng đã cung cấp thêm các thông tin liên quan đến các chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư như: miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, được vay vốn ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội; được hỗ trợ toàn bộ hoặc 1 phần kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án.

Lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, địa phương sẽ luôn cùng đồng hành, chia sẻ, lắng nghe để kịp thời hỗ trợ, xử lý khó khăn, vướng mắc nhằm triển khai nhanh các dự án đầu tư nhà ở xã hội, sớm hoàn thành dự án để tạo điều kiện cho người lao động có chỗ ở tiện nghi, khang trang hơn, góp phần xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, nâng cao chất lượng sống cho người dân.

Nỗ lực đảm bảo giá nhà ở xã hội phù hợp với người thu nhập thấp 

Gần đây, trong khuôn khổ chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề giá cả và nguồn cung nhà ở xã hội.

Thảo luận tại tổ về dự án Luật Đất đai sửa đổi ngày 3/11; đại biểu Nguyễn Thị Lệ trăn trở khi người dân thu nhập trung bình và thấp thiếu trầm trọng nhà ở vừa túi tiền thì bất động sản phân khúc cao cấp, trung cấp xuất hiện rất nhiều. Điều này sẽ tác động đến mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội cho đa số người yếu thế trong xã hội, nhất là người thu nhập trung bình thấp ở các đô thị. 

Đại biểu Tô Văn Tám thì nêu thực trạng nguyên nhân giá nhà quá cao so với thu nhập của người dân; đồng thời chất vấn Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị "có thể đưa giá nhà ở xã hội về đúng với thu nhập của người lao động, công nhân, người thu nhập thấp hay không, thời gian bao lâu?"

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị thừa nhận việc phát triển nhà ở xã hội chưa đạt mục tiêu đề ra.

Về phía nguồn cung, theo Bộ trưởng, hiện nay nhà ở xã hội mới đạt 36% so với nhu cầu; đạt 7,79 triệu m2 so với yêu cầu 12 triệu m2.

Trong khi đó, quy định pháp luật còn vướng mắc, đặc biệt là Luật Nhà ở và luật khác có liên quan đến trình tự, thủ tục đầu tư, giá nhà, chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư, quy định nhà ở xã hội phải dành tối thiểu 20% cho thuê... Việc bố trí nguồn vốn xây nhà xã hội cũng gặp khó khăn khi mới đáp ứng được 35% yêu cầu.

Một số địa phương chưa thực sự quan tâm xây dựng nhà ở xã hội, nhà công nhân, nên chưa đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm, hàng năm; chưa xác định rõ quỹ đất; chưa xây dựng hạ tầng kỹ thuật quanh khu vực làm nhà ở xã hội và tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tham gia xây nhà.

Về vấn đề giá, Bộ trưởng thừa nhận giá nhà ở xã hội đang ở mức cao so với thu nhập của người dân, người lao động; mà nguyên nhân đến từ nhiều yếu tố như nguồn cung chưa được đảm bảo; quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội còn hạn chế; nguồn vốn phát triển chưa đảm bảo; chính sách ưu đãi nhà đầu tư chưa thực sự thu hút; quy trình, thủ tục xây nhà phức tạp.

"Thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh sửa đổi quy định pháp luật để thu hút nguồn lực, cố gắng đáp ứng mục tiêu đảm bảo nhà ở cho người thu nhập thấp", Bộ trưởng Xây dựng nói, cho biết đề án xây dựng một triệu căn nhà xã hội đã được Bộ trình Thủ tướng, sẽ đảm bảo giá nhà ở xã hội phù hợp với người thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp.

   Bộ trưởng Bộ Xây Dựng Nguyễn Thanh Nghị trả lời chất vấn. Ảnh Quốc hội. 

 Dự báo từ nay đến năm 2030, cả nước cần khoảng 2,4 triệu căn nhà ở xã hội, nhà công nhân. Ngày 17/10, Bộ Xây dựng có tờ trình gửi Thủ tướng, đề xuất các đơn vị tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động khoảng 1,13 triệu tỷ đồng để xây 1,4 triệu căn nhà ở xã hội, nhà cho công nhân đến năm 2030.