Đồng Ruble và USD tăng giá mạnh, giá Bitcoin lao dốc không phanh

Đông Bắc 11:13 | 13/05/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tính từ đầu năm 2022 đến nay, tỷ giá đồng Ruble tăng hơn 11% so với đồng USD, biến đây trở thành loại tiền tệ tăng giá mạnh nhất trong số 31 tiền tệ lớn được theo dõi. Trong khi đó, giá USD trên thị trường ngân hàng sáng nay (13/5) đã tăng tới 140 đồng so với đầu tuần.

Đồng Ruble tăng giá mạnh nhất thế giới

Đồng Ruble Nga tiếp tục đà tăng giá trong phiên giao dịch mới nhất hôm 13/5 khi thị trường chứng khoán mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ lễ.

Diễn biến tăng giá của đồng nội tệ Nga diễn ra sau khi Moscow áp đặt một loạt biện pháp kiểm soát dòng chảy vốn, yêu cầu các khách hàng châu Âu mua khí đốt phải thanh toán bằng đồng Ruble để bảo vệ đồng tiền này sau hàng loạt biện pháp cấm vận của phương Tây liên quan tới cuộc chiến ở Ukraine.

Tuy nhiên, một số nhà chiến lược đánh giá diễn biến tăng giá đồng Ruble là không ổn định bởi nhiều cửa hàng giao dịch tiền tệ đã dừng sử dụng tỷ giá đồng Ruble trong nước do có sự chênh lệch lớn với tỷ giá trên thị trường quốc tế.

Cuối tháng 2, trong những ngày đầu tiên Nga triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine, đồng Ruble đã giảm giá mạnh. Sau khi phương Tây đưa ra hàng loạt biện pháp cấm vận Nga, đồng Ruble đã rớt giá xuống mức thấp chưa từng thấy trong lịch sử là 121,5 Ruble đổi 1 USD.

Sự phục hồi mạnh mẽ của đồng Ruble hiện tại khiến nhiều người bất ngờ. Nguyên nhân chính cho việc này là đồng Ruble vẫn đang được hỗ trợ bởi nhu cầu của thế giới đối với dầu thô và khí đốt Nga bất chấp các biện pháp trừng phạt.

Bloomberg Economics ước tính, ngay cả khi Nga tiếp tục bị cô lập khỏi nền kinh tế toàn cầu, nước này vẫn thu về gần 321 tỷ USD xuất khẩu năng lượng trong năm nay, tăng hơn 1/3 so với năm 2021.

Đồng USD tiếp tục mạnh lên

Giá USD trên thị trường liên ngân hàng trong nước sáng nay (13/5) đi ngang so với hôm qua, nhưng đã tăng tới 140 đồng so với đầu tuần.

Tỷ giá USD mua bán tại Vietcombank giao dịch quanh mức 22.920 – 23.230 đồng, tại BIDV là 22.950 - 23.230 đồng, còn tại Eximbank là 22.980 - 23.190 đồng.

Ở thị trường chợ đen, giá USD ba ngày gần đây cũng tiến sát mốc 24.000 đồng, sáng nay giao dịch ở mức 23.850 – 23.900 đồng.

Trên thị trường quốc tế, chỉ số đo sức mạnh của đồng bạc xanh USD Index lên mức cao nhất 20 năm khi giao dịch ở mức 104,7 điểm – do lo ngại động thái thắt chặt chính sách tiền tệ của các nước để đối phó lạm phát tăng khắp nơi.

Trong khi đó, giá vàng miếng sáng nay giảm theo diễn biến thế giới - nhưng mức giảm vẫn thấp hơn. Giá vàng miếng tại Công ty Vàng bạc đá quý SJC giảm 300.000 đồng so với cuối chiều hôm qua, xuống 69,4 – 70 triệu đồng một lượng. Giá vàng miếng SJC tại PNJ cũng giảm 200.000 đồng một lượng về 69,4 – 70 triệu đồng.

Với giá vàng nhẫn - mặt hàng được nhiều người quan tâm gần đây - dao động quanh 5,43-5,45 chiều mua và 5,53-5,554 triệu đồng một chỉ tuỳ nơi.

Trên thị trường quốc tế, giá vàng giảm hơn 30 USD một ounce - nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank tương đương với mức giảm 840.000 đồng một lượng. Mỗi lượng vàng thế giới quy đổi hiện có giá khoảng 51,1 triệu đồng - thấp hơn giá trong nước 18,9 triệu đồng

Giá Bitcoin lao dốc không phanh

Giá Bitcoin hôm 12/5 (giờ Mỹ) có thời điểm lao dốc xuống dưới mức 27.000 USD/đồng khi đà bán tháo lan rộng. Cụ thể, theo dữ liệu của CoinMarketCap, giá Bitcoin có thời điểm giảm còn 26.300 USD mỗi đồng, đánh dấu ngưỡng thấp nhất kể từ cuối năm 2020.

Diễn biến giá Bitcoin trong một tuần qua

Tính đến cuối phiên giao dịch chiều trên sàn Mỹ, giá Bitcoin đã phục hồi phần nào lên 27.847 USD/đồng, nhưng vẫn giảm 8,62% so với 24 giờ trước đó. Giá trị vốn hóa thị trường của Bitcoin bị thu hẹp còn 530 tỷ USD. Các nhà đầu tư ồ ạt bán tháo, khối lượng giao dịch tăng vọt 56,52% so với 24 giờ trước đó lên 85 tỷ USD. Như vậy, so với mức kỷ lục 68.789 USD/đồng được thiết lập hôm 10/11/2021, giá Bitcoin đã sụt giảm hơn 60%.

Đến thời điểm 11 giờ sáng 13/5 (giờ Việt Nam), giá Bitcoin đã phục hồi về quanh 30.000 USD/ đồng, đưa vốn hóa thị trường đồng tiền này về 580 tỷ USD.

Tiền số toàn cầu gần đây chịu sức ép cùng với thị trường chứng khoán. Tài sản số đang ngày càng diễn biến tương đồng với cổ phiếu, do các nhà quản lý tài sản truyền thống tham gia vào thị trường này. Trong thời kỳ biến động, các quỹ này có thể sẽ bán tài sản số hơn là nắm giữ.

Các stablecoin - có giá được neo vào các tiền tệ do chính phủ phát hành - vài ngày qua cũng lao dốc. Đồng Luna giao dịch quanh 0,15 USD, giảm 97% so với 24 giờ trước. Tether – stablecoin lớn nhất về vốn hóa – hiện chỉ còn 0,97 USD. TerraUSD cũng giảm mạnh chỉ còn 0,54 USD.

Tương tự diễn biến trên thị trường Bitcoin, chứng khoán Mỹ đêm qua cũng giảm điểm sau báo cáo tháng 4 cho thấy lạm phát dai dẳng hơn dự kiến. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 đạt 8,3%, làm tăng lo ngại Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) siết chính sách tiền tệ hơn nữa để ghìm lạm phát. Nhà đầu tư cho rằng lãi suất tăng có thể gây sức ép lên tăng trưởng vốn đang chịu tác động từ việc phong tỏa tại Trung Quốc và xung đột ở Ukraine.

Một năm qua, diễn biến của Bitcoin và các tiền số lớn khác ngày càng tương đồng với cổ phiếu công nghệ. Việc này khiến nhiều nhà phân tích càng có lý do để phủ nhận quan điểm tiền số đóng vai trò phòng trừ lạm phát.