Dư địa thị trường M&A doanh nghiệp nhà nước còn rất lớn

17:12 | 21/12/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đó là nhận định của Luật sư Phạm Duy Nghĩa, Trọng tài viên VIAC, Giám đốc Chương trình Thạc sĩ Chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam tại Hội thảo “Giao dịch M&A: Nhận diện rủi ro pháp lý, phòng ngừa và giải quyết tranh chấp”.

Theo Luật sư Phạm Duy Nghĩa, các quy định luật pháp về mua bán và chuyển nhượng tài sản công, hay còn được gọi là cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) rất phức tạp và nhiều rủi ro. Đặc biệt, trong các giao dịch M&A với doanh nghiệp nhà nước cần lưu ý một số vấn đề về quyền phát triển dự án hoặc quyền sử dụng đất để tránh tranh chấp pháp lý về sau. Bởi, theo quy định tại Luật Đất đai, quyền sử dụng đất hoàn toàn khác quyền xây dựng và phát triển dự án trên lô đất đó. 

Chẳng hạn, vụ việc đang diễn ra tại công ty Lavenue, liên quan đến khu đất vàng 8-12 Lê Duẩn tại TP. Hồ Chí Minh. Về vụ việc này, theo ông Phạm Duy Nghĩa, cần xem xét các vấn đề pháp lý có thể phát sinh như việc mua lại cổ phần liệu có hợp pháp; quyền phát triển lô đất (8-12 Lê Duẩn) có được giao hợp pháp cho Công ty Lavennue hay không bằng việc kiểm tra quá trình cấp phép dự án Lavenue Crown? Trong trường TPHCM thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và rút lại phê duyệt dự án Lavennue Crown, làm cách nào để giải quyết các hậu quả tài chính?.

Dư địa thị trường M&A doanh nghiệp nhà nước còn rất lớn - ảnh 1
 
Khu đất vàng 8-12 Lê Duẩn (TP. Hồ Chí Minh).
Do đó, theo ông Nghĩa, để tránh rủi ro, doanh nghiệp nên có góc nhìn tổng quan hơn trong việc mua bán sáp nhập trong bối cảnh tái cơ cấu doanh nghiệp tại Việt Nam.
Theo đó, về quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp, cần chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước từ chủ yếu quản lý công thành thực thể thương mại: DNNN sẽ mang hình thức pháp lý của Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) hoặc Công ty Cổ phần hoặc có thể là hợp nhất các đơn vị nhỏ lẻ thành các công ty lớn hơn hoặc thành tập đoàn kinh tế nhà nước và tổng công ty.
Đồng thời, quá trình cổ phần hóa cũng thay đổi cơ cấu sở hữu của doanh nghiệp. Trong đó các nhà đầu tư trong và ngoài nước được nắm giữ cổ phần của doanh nghiệp sau cổ phần hóa bằng việc đa dạng hóa quyền sở hữu: Bán cổ phần cho các nhà đầu tư tư nhân, ban quản lý và nhân viên, cho thuê và chuyển giao các công ty vốn nhà nước (nhỏ) cho tập thể người lao động, bán các DNNN nhỏ cho các nhà đầu tư tư nhân.
Ông Nghĩa cho rằng, để doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro trong các giao dịch M&A, chúng ta nên tạo dựng một sân chơi bình đẳng. Đồng thời, quản lý doanh nghiệp nhà nước theo quy tắc thị trường: Minh bạch, cạnh tranh, quản trị doanh nghiệp.
Nhà nước cũng thể hiện rõ mong muốn thoái vốn nhà nước khỏi DNNN và chỉ giữ lại hình thức doanh nghiệp 100% vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp chủ chốt (giữ lại 240/2700 doanh nghiệp). Nhưng, những con số thống kê cho đến thời điểm hiện tại cho thấy quá trình này mới được thực hiện rất ít, chỉ khoảng 8% trên tổng số vốn Nhà nước muốn bán.
Dư địa thị trường M&A doanh nghiệp nhà nước còn rất lớn - ảnh 2
 Luật sư Phạm Duy Nghĩa, Trọng tài viên VIAC.
Tuy nhiên mua bán công sản nhà nước phức tạp hơn nhiều so với việc mua bán vốn tư nhân và do đó vấn đề rà soát pháp lý cần được làm rất kỹ lưỡng. Doanh nghiệp nhà nước hoặc phần vốn nhà nước không chỉ có một ông chủ, bên mua cần mời luật sư rà soát kỹ bởi có khi tổng giám đốc hay chủ tịch hội đồng quản trị cũng chưa phải là những người có đầy đủ thẩm quyền quyết định và ký kết các hợp đồng M&A. Có những vấn đề phải do Bộ chủ quản công ty (phần vốn nhà nước) đó quyết định mới đúng và phải xin ý kiến của rất nhiều người. Nếu thiếu đi một ý kiến đồng ý thì khi thanh tra nhà nước tiến hành rà soát quy trình quyết định bán phần vốn nhà nước sẽ cho rằng chưa phù hợp quy trình và hợp đồng bán cổ phần nhà nước đã ký với nhà đầu tư tư nhân có thể có rủi ro về hiệu lực.
Ông Nghĩa nhận định: “Khác với giao dịch M&A trong khối tư nhân, công ty mục tiêu trong giao dịch M&A với DNNN chỉ là ngón tay cuối cùng trong nhiều ngón tay khác mà bên mua cần nắm để có thể hoàn thành được cái bắt tay với DNNN trong thương vụ M&A của mình”.
Do đó, khi đưa ra một số gợi ý cho doanh nghiệp đang mong muốn thực hiện M&A với DN nhà nước, ông Nghĩa thông tin thêm rằng, nhà đầu tư cần hiểu rằng khi thực hiện M&A để kiểm soát DNNN có nghĩa là nhà đầu tư mong muốn làm ăn lâu dài tại Việt Nam (mua cổ phần để kiểm soát công ty chứ không phải chỉ mua để sau đó bán lại) và do đó nhà đầu tư cần tìm hiểu rất nhiều yếu tố khác để thích nghi với các điều kiện tại Việt Nam.
Đặc biệt, Việt Nam hiện nay được đánh giá là nền kinh tế rất mở bằng việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTAs) mà nổi bật nhất gần đây là CPTPP. Điều 17 của CPTPP đã ràng buộc rất chặt chẽ nhà nước trong việc quản lý các công ty của mình khi thực hiện các giao dịch với nhà đầu tư tư nhân theo hướng bảo vệ nhà đầu tư tư nhân. Và nhiều công cụ cũng được đưa cho nhà đầu tư tư nhân để bảo vệ mình trong các giao dịch này như là khởi kiện chính quyền ra trọng tài quốc tế.
Trước những dự báo về giao dịch M&A sẽ tiếp tục phát triển mạnh hơn trong thời gian tới, Luật sư Nghĩa nhận định rằng giao dịch M&A với khối DNNN đang còn nhiều dư địa phát triển và sẽ là xu hướng phát triển hơn nữa trong thời gian sắp tới. Tuy quá trình có thể phức tạp nhưng là cơ hội tốt cho tất cả các nhà đầu tư với những chiến lược cẩn thận, kỹ lưỡng và chuyên nghiệp.