Cận cảnh 5 dự án FDI 'khủng' trong 9 tháng đầu năm

13:20 | 27/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong 9 tháng đầu năm có 5 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với số vốn trên 600 triệu USD/dự án được đầu tư vào Việt Nam.

1 Dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II

Nhà máy điện dùng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Long An I và II sẽ được xây dựng tại khu dịch vụ công nghiệp Đông Nam Á, thuộc dự án Cảng Quốc tế Long An (xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) với tổng số vốn đầu tư là 3 tỉ đô la Mỹ.

Theo đó vào ngày 21-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác đã có chuyến thăm Cảng Quốc tế Long An và khảo sát vị trí xây dựng nhà máy điện LNG Long An I và II tại khu dịch vụ công nghiệp Đông Nam Á (thuộc dự án Cảng Quốc tế Long An, tại huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An).
Nhà máy điện LNG Long An I và II có diện tích 90 héc ta, đặt trong khu dịch vụ công nghiệp Đông Nam Á rộng 239 héc ta thuộc dự án Cảng Quốc tế Long An. Vốn đầu tư nhà máy này khoảng 3 tỉ đô la Mỹ, dự kiến bắt đầu vận hành vào tháng 12-2025.

Dự án có công suất dự kiến 3.000 MW, bao gồm hai nhà máy tuabin khí chu trình hỗn hợp, công suất mỗi nhà máy 1.500 MW.

Cũng trong ngày 21-3, tỉnh Long An đã trao Quyết định chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án nhà máy điện LNG Long An I và II cho Công ty VinaCapital GS Energy Pte. Ltd (chủ đầu tư dự án) để chuẩn bị khởi công.

Tại buổi khảo sát, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao công tác chuẩn bị mặt bằng để khởi công xây dựng nhà máy điện LNG Long An I và II. Thủ tướng cho rằng sự điều phối và hợp tác chặt chẽ giữa nhà đầu tư, địa phương và các bộ ngành liên quan đã thúc đẩy quá trình triển khai xây dựng nhà máy điện LNG Long An I và II đúng tiến độ yêu cầu.

2 Dự án LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc)

Dự án LG Display Hải Phòng do LG Display Co., Ltd thuộc Tập đoàn LG Hàn Quốc làm chủ đầu tư. Dự án thực hiện tại Khu công nghiệp Tràng Duệ. Đây là phần vốn đầu tư tăng thêm được điều chỉnh từ tổng vốn đầu tư 2,5 tỷ USD đã đầu tư trước đó. Mục tiêu dự án là mở rộng sản xuất các sản phẩm màn hình OLED TV, màn hình OLED nhựa cho các thiết bị, màn hình LCD... the đó dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 2,15 tỷ USD (trong đó điều chỉnh tăng 1,4 tỷ USD ngày 30/8/2021 và tăng 750 triệu USD ngày 04/02/2021).

Theo ông Lê Trung Kiên, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, ngày 26.8, Công ty LG Display Việt Nam Hải Phòng nộp hồ sơ đăng ký điều chỉnh, tăng vốn đầu tư 1,4 tỉ USD để tăng sản lượng màn hình OLED nhựa từ 9,6-10,1 triệu sản phẩm/tháng lên thành 13-14 triệu sản phẩm/tháng. Chỉ trong vòng 3 ngày, Ban quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng đã hoàn thành báo cáo, thẩm định hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án. Đến ngày 31.8, đã trao giấy chứng nhận đăng ký điều chỉnh dự án 1,4 tỉ USD cho nhà đầu tư. "Đây là mốc thời gian kỷ lục về giải quyết thủ tục hành chính ngắn nhất cho dự án đầu tư FDI có giá trị tới 1,4 tỉ USD tại Việt Nam" - ông Kiên cho biết.

Theo ghi nhận từ Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, Công ty LG Display Việt Nam Hải Phòng được cấp giấy chứng nhận lần đầu vào ngày 15.4.2016. Tại thời điểm này, dự án có vốn đầu tư ban đầu 1,5 tỉ USD - là dự án có vốn FDI lớn nhất được đầu tư tại Hải Phòng. Dự án chuyên sản xuất màn hình OLED nhựa cho các thiết bị di động, màn hình OLED ti vi, màn hình LCD... Trong những năm tiếp theo, Tập đoàn LG liên tục điều chỉnh tăng vốn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất của dự án. Đến nay, dự án có tổng vốn đầu tư lên 4,65 tỉ USD, trở thành dự án có vốn đầu tư FDI, cũng là dự án đầu tư lớn nhất trên địa bàn Hải Phòng.

Theo dự kiến của LG Display Việt Nam, sau khi hoàn thiện dây chuyền sản xuất mới, doanh thu xuất khẩu của LG Display sẽ tăng thêm khoảng 6,5 tỉ USD/năm; nộp ngân sách tăng thêm khoảng 25 triệu USD, tạo thêm việc làm cho 10.000 lao động.

Dự kiến tháng 3-2021, dự án sẽ bắt đầu triển khai và đến tháng 5-2021 sẽ chính thức đưa vào sản xuất. Khi đi vào sản xuất sẽ tạo thêm việc làm cho khoảng 5.000 lao động; giải quyết nhu cầu về nhà ở cho khoảng 10.000 công nhân và chuyên gia.

3 Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản)

Dự án nhà máy nhiệt điện Ô Môn II nằm ở Trung tâm Điện lực Ô Môn thuộc phường Phước Thới, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ có công suất thiết kế là 1.050 MW với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,3 tỷ USD đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phê duyệt Quyết định chủ trương đầu tư vào ngày 31/12/2020. Dự án đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào ngày 22/1/2021.

Mục tiêu xây dựng nhà máy nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp điện cho lưới điện khu vực và hệ thống điện quốc gia; thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước để góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Cần Thơ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Với dự án này, các nhà đầu tư Nhật Bản đã vươn lên đứng đầu trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư tại thành phố Cần Thơ.

Dự án Ô Môn II dự kiến áp dụng công nghệ tua bin khí chu trình hỗn hợp tiên tiến, sử dụng nhiên liệu sạch là khí thiên nhiên, có hiệu suất cao, thân thiện với môi trường và phù hợp với xu thế phát triển bền vững hiện nay. Do đó, các ảnh hưởng của nhà máy đến môi trường, cảnh quan du lịch, an sinh xã hội được giảm thiểu tối đa và được kiểm soát chặt chẽ. Theo tiến độ dự kiến, nhà máy sẽ vận hành thương mại năm 2024-2025 để đảm bảo phù hợp với tiến độ chung của Chuỗi dự án khí – điện Lô B. Khi vận hành, dự án sẽ đóng vai trò đáng kể cho quốc gia và địa phương, cụ thể:

Bổ sung sản lượng điện vào khoảng 6300 GWh cho hệ thống điện từ năm 2025 trở đi, trong đó chủ yếu sẽ cung cấp điện tại chỗ cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Tăng đáng kể tỉ trọng nhiệt điện trong cơ cấu nguồn điện của hệ thống nhằm giải quyết vấn đề thiếu điện vào mùa khô do các nhà máy thuỷ điện hết nước. Đồng thời cũng làm tăng nguồn điện dự phòng cho hệ thống.

Thúc đẩy việc khai thác và sử dụng nguồn khí đốt thiên nhiên từ các mỏ lô B. Đa dạng hóa nguồn phát điện để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia;

Tạo ra công ăn việc làm cho người lao động trong nhà máy điện với mức thu nhập ổn định, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương và phúc lợi trong khu vực lân cận; Mang lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách quốc gia thông qua các khoản thu; Khuyến khích, thu hút các dự án khác đầu tư vào khu vực.

4 Dự án nhà máy sản xuất giấy Kraft Vina

Dự án nhà máy sản xuất giấy Kraft Vina công suất 800.000 tấn/năm (Nhật Bản), tổng vốn đầu tư 611,4 triệu USD với mục tiêu sản xuất giấy kraft, giấy lót và giấy bao bì tại Vĩnh Phúc (cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 23/7/2021).

5. Dự án Nhà máy Công ty TNHH Polytex Far Eastern Việt Nam

Ngày 21-5, UBND tỉnh Bình Dương đã tổ chức trao giấy chứng nhận đầu tư và điều chỉnh đầu tư các dự án FDI với tổng vốn gần 1 tỉ đô la Mỹ, trong đó riêng Tập đoàn Far Eastern (Đài Loan) rót thêm hơn nửa tỉ đô la để mở rộng năng lực nhà máy kéo sợi.

Cụ thể, Công ty TNHH Polytex Far Eastern thuộc Tập đoàn Far Eastern đã đón giấy chứng nhận điều chỉnh tăng thêm 610 triệu đô la Mỹ để mở rộng năng lực sản xuất các sản phẩm xơ tổng hợp polyester, sản phẩm kéo sợi cotton tại khu công nghiệp Bàu Bàng, huyện Bàu Bàng.

Như vậy, kể từ khi đón nhận giấy chứng nhận đầu tư cách đây gần 6 năm (giữa năm 2015) với số vốn đăng ký ban đầu là 274 triệu đô la, sau hai lần điều chỉnh tăng vốn, đến nay Tập đoàn Far Eastern đã nâng tổng vốn đầu tư vào khu sản xuất của mình ở tỉnh Bình Dương lên đến 1,37 tỉ đô la.

Đây là một trong những dự án đầu tư sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phục vụ ngành công nghiệp dệt may có quy mô lớn của Tập đoàn Far Eastern đầu tư vào Việt Nam sau khi doanh nghiệp này phát triển ở thị trường Trung Quốc và Đài Loan.