Facebook, Google, Netflix và chuyện nộp thuế thị trường bản địa

16:12 | 26/10/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Google, Facebook, Youtube, Netflix đang kiếm được số tiền “khổng lồ” từ người dùng Việt Nam. Nhưng những công ty công nghệ này vẫn chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng thuế ở thị trường bản địa.
Google, Facebook, Youtube, Netflix đang kiếm được số tiền “khổng lồ” từ người dùng Việt Nam. Nhưng những công ty công nghệ này vẫn chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng thuế ở thị trường bản địa.
 
Facebook, Google, Netflix và chuyện nộp thuế thị trường bản địa - ảnh 1
 
Vẫn chưa nghiêm túc trong thực hiện nghĩa vụ đóng thuế
 
Theo báo cáo “Social Media Stats” từ hãng nghiên cứu dữ liệu eMarketer, tính đến tháng 5/2019, trong các mạng xã hội có lượng người dùng lớn tại thị trường Việt Nam thì Facebook đứng đầu với hơn 57% dân số sử dụng, tiếp đến là Twitter và YouTube với tỉ lệ gần tương đương nhau – trên dưới 13% dân số sử dụng…
 
Theo đại diện của Tổng cục Thuế, Luật An ninh mạng hiện đã có hiệu lực thi hành. Do đó, các doanh nghiệp nước ngoài có thu nhập phát sinh tại Việt Nam phải có lưu trữ dữ liệu tại đây, có nghĩa vụ phải kê khai, nộp thuế với cơ quan thuế. Facebook, Google, Netflix là những công ty có thị phần quảng cáo trực tuyến lớn nhất thế giới và hiện diện tại hàng chục quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên thông qua các phương thức luồn lách tinh vi, các tập đoàn công nghệ Mỹ chỉ phải đóng những khoản thuế rất nhỏ so với doanh thu khổng lồ.
 
Số liệu trong 9 năm từ 2010 đến 2018 của công ty dữ liệu ANTS cho biết doanh số thị trường quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam đã tăng đến hơn 20 lần.Năm 2018, dung lượng thị trường quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam đã tăng lên 550 triệu USD, trong đó Google và Facebook cộng lại chiếm khoảng 70% với 387 triệu USD, 30% còn lại được chia sẻ cho các mạng quảng cáo trực tuyến khác và gần 1.000 đầu báo điện tử và trang thông tin trực tuyến.
 
Google, Facebook, Youtube, Netflix đang kiếm được số tiền “khổng lồ” từ người dùng Việt Nam. Theo dữ liệu các ngân hàng cung cấp, chỉ riêng tại Hà Nội đã có hơn 18.300 tổ chức, cá nhân có hoạt động bán hàng online với tổng thu nhập 1.462 tỷ đồng từ Google, Facebook, Youtube... 
 
Đơn cử như Netflix là dịch vụ phát trực tuyến các chương trình truyền hình, phim cùng nhiều nội dung khác trên các thiết bị có kết nối internet. Doanh nghiệp này cung cấp dịch vụ vào Việt Nam từ năm 2016, hiện có khoảng 300.000 thuê bao ở Việt Nam. Netflix thu mỗi thuê bao ít nhất 120 USD/năm, như vậy doanh thu mỗi năm lên đến 30 triệu USD. Tuy nhiên, Netflix lại không chịu sự quản lý như các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trong nước, cũng như không thực hiện các nghĩa vụ về thuế và phí quyền cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền theo quy định. 
 
Bài học từ các nước trong ASEAN
 
Ngày 12/10, Reuters đưa tin tính đến nay, đã có 36 công ty công nghệ bị Indonesia yêu cầu nộp thuế VAT, trong đó có Microsoft, Facebook, Netflix, Google, Disney, Tiktok... Trong danh sách công bố ngày 9/10, Indonesia tiếp tục gọi tên đoàn Microsoft và Alibaba Cloud cùng nhiều công ty công nghệ như GitHub, UCWeb Singapore, Nexmo… phải trả thuế VAT trên doanh thu.
 
Tổng cục thuế Indonesia cho biết từ ngày 1/11/2020 các công ty được liệt kê trong danh sách sẽ được triển khai áp thuế. Theo luật này, các công ty không thường trú tạo ra doanh thu hàng năm ít nhất 600 triệu rupiah (tương đương 41.000 USD) từ sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật phục vụ hơn 12.000 người dùng tại Indonesia sẽ phải nộp 10% thuế VAT cho chính phủ Indonesia.
 
Trước đó, Thái Lan và Malaysia cũng cân nhắc nhiều loại thuế với ngành bán hàng trực tuyến. Thái Lan và Philippines áp thuế VAT 7-12% đối với những tập đoàn công nghệ cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, trong đó có Google, Amazon, Netflix và Spotify.
 
Năm 2017, Facebook đóng thuế 15,8 triệu bảng (20,6 triệu USD) tại Anh, tương đương 1% doanh thu kỷ lục 1,3 tỷ bảng (1,7 tỷ USD). Dù doanh thu tăng hơn 50% nhưng trong bản báo cáo tài chính lợi nhuận trước thuế chỉ tăng vỏn vẹn 6%. Cùng năm, Amazon chỉ đóng 4,5 triệu bảng (5,8 triệu USD) tiền thuế trên doanh thu 8,7 tỷ bảng (11,3 tỷ USD). Google nộp 49,3 triệu bảng (64,4 triệu USD) thuế trong khi doanh thu 5,7 tỷ bảng (7,4 tỷ USD).
 
Trên thực tế, các đại lí quảng cáo là đối tác cung cấp dịch vụ quảng cáo trực tuyến cho Facebook và Google tại Việt Nam có đóng một loại thuế gọi là Thuế nhà thầu (FCT). Loại thuế này được pháp luật Việt Nam qui định với mức 10% trong lĩnh vực quảng cáo, áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân nước ngoài như Facebook, Google…có phát sinh thu nhập từ cung ứng dịch vụ hoặc dịch vụ gắn với hàng hóa tại Việt Nam.
 
Tổng cục Thuế Việt Nam cũng khẳng định Việt Nam thu thuế VAT với các tổ chức nước ngoài hoạt động kinh doanh tại Việt Nam thông qua thuế nhà thầu nước ngoài. Trong đó, Google, Facebook, Netflix… có thu nhập tại Việt Nam thì các doanh nghiệp này đều phải nộp cả thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân. Nhưng thực tế, những công ty công nghệ trên đã né hoặc trốn được không ít loại thuế nhờ cách đặt chi nhánh tại nhiều nơi và lợi dụng sơ hở về luật thuế của các quốc gia.
 
Trả lời báo chí ông Đặng Ngọc Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế khẳng định ngành thuế sẽ phối hợp với các đơn vị như các công ty quản lý về hạ tầng, các ngân hàng thương mại, kể cả các trung gian thanh toán để hỗ trợ cho ngành thuế chia sẻ thông tin, tăng cường quản lý và làm việc trực tiếp với các công ty công nghệ nước ngoài như Google, Facebook, Amazon...  
 
Đến nay đã có một số công ty nước ngoài nộp thuế, chẳng hạn Netflix đã làm việc với cơ quan thuế và nộp thuế.  Nhưng với dịch vụ, như các sản phẩm trí tuệ, game online... Việt Nam vẫn chưa thu được. Để quản lý được khoản thu này, cần có sự vào cuộc của các nhà mạng, các trung gian thanh toán, các ngân hàng thương mại…
 
Theo đại diện của Tổng cục Thuế, Luật An ninh mạng hiện đã có hiệu lực thi hành. Do đó, các doanh nghiệp nước ngoài có thu nhập phát sinh tại Việt Nam phải có lưu trữ dữ liệu tại đây, có nghĩa vụ phải kê khai, nộp thuế với cơ quan thuế.
 
Người có thu nhập từ Google, Facebook, YouTube phải đóng thuế ra sao?
 
Các chuyên gia cho rằng cơ quan thuế cần phối hợp với hệ thống ngân hàng, đồng thời áp dụng công nghệ để quản lý, thu thuế các cá nhân có thu nhập từ Google, Facebook, YouTube.
 
Theo quy định, người có thu nhập từ mạng nước ngoài với số tiền từ 100 triệu đồng mỗi năm trở lên sẽ phải kê khai và đóng thuế 7% số tiền nhận được.
 
Vừa qua cơ quan thuế đã mời cá nhân tên Trần Đức Phương lên làm việc, truy thu và phạt tổng cộng hơn 4 tỷ đồng tiền thuế. Người này kiếm được hơn 41 tỷ đồng từ Google. 
 
Nói về vấn đề truy thu thuế với người có doanh thu phát sinh từ Google, Facebook, YouTube, ông Nguyễn Nam Bình, Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, cho biết Cục Thuế đang phải thu thập dữ liệu của các cá nhân này qua tài khoản cá nhân mở tại ngân hàng, các công cụ tính lượng truy cập để kiểm tra, giám sát.
 
Quá trình quản lý gặp nhiều khó khăn bởi đặc thù của hoạt động kinh doanh thương mại điện tử và nền tảng số nói chung thường không có văn phòng đại diện và không đăng ký doanh nghiệp. Do đó, ông Bình mong muốn đẩy mạnh tuyên truyền để các cá nhân có thu nhập từ những nguồn này tự giác kê khai, nộp thuế, chứ không phải chờ cơ quan thuế phát hiện và xử lý.
 
Mỹ Duyên