Gần 50 doanh nghiệp chậm trả lãi hoặc gốc trái phiếu

Đông Bắc 08:37 | 09/03/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo số liệu của HNX, đến ngày 5/3, có khoảng 46 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc TPDN với tổng dư nợ vào khoảng 121.100 tỷ đồng.

  

Báo cáo mới đây về thị trường trái phiếu của Chứng khoán VnDirect, đơn vị này ước tính giá trị đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) năm 2023 vào khoảng 252.000 tỷ đồng, tăng 64% so với 2022. Trong đó giai đoạn quý II-III được đánh giá là khá thử thách với gần 160.000 tỷ trái phiếu đáo hạn.

Riêng quý I/2023 sẽ có khoảng 31.000 tỷ đồng TPDN đáo hạn (giảm 41% so với cùng kỳ), tuy nhiên áp lực đáo hạn sẽ tăng mạnh trong quý II và III với giá trị lần lượt khoảng 76.500 tỷ đồng (tăng 120% so với cùng kỳ) và 83.000 tỷ đồng (tăng 39% so với cùng kỳ).

Sau giai đoạn thách thức này, lượng TPDN đáo hạn sẽ giảm về mức 61.000 tỷ đồng (tăng 14% so với cùng kỳ) trong quý IV/2023. (VnDirect lưu ý chỉ bao gồm các đợt phát hành TPDN riêng lẻ từ năm 2019 tới nay và đã loại trừ khoản TPDN được mua lại trước hạn từ năm 2021).

 Nhóm doanh nghiệp bất động sản là chiếm tỷ trọng lớn nhất với 43% tổng giá trị đáo hạn trái phiếu riêng lẻ trong năm 2023. Ảnh minh họa (Đông Bắc).

46 doanh nghiệp chậm trả lãi hoặc gốc

 Theo thông báo của Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), đến ngày 5/3/2023, có khoảng 46 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc TPDN.

VnDirect ước tính, tổng dư nợ TPDN của các doanh nghiệp này vào khoảng 121.100 tỷ đồng, chiếm gần 12% dư nợ TPDN toàn thị trường. Khoảng gần 38.500 tỷ đồng TPDN của các doanh nghiệp trong danh sách sẽ đáo hạn trong năm 2023, chiếm khoảng 15% tổng giá trị đáo hạn toàn thị trường cả năm.

VnDirect cho rằng để thị trường TPDN có thể phục hồi sẽ cần thêm nhiều giải pháp đồng bộ khác. Đầu tiên là cần thêm nhiều giải pháp quyết liệt hơn từ doanh nghiệp để củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào TPDN. Các doanh nghiệp bất động sản cũng phải nỗ lực tái cơ cấu, tái cấu trúc sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thực của thị trường, đồng thời có biện pháp xử lý hàng tồn kho nhằm thu tiền về để giải quyết những khó khăn hiện tại về dòng tiền.

Tiếp đến là cơ quan quản lý cần có phương án đẩy nhanh giải quyết các thủ tục pháp lý cho các dự án bất động sản.

Cuối cùng là bài học từ việc xử lý khủng hoảng TPDN tại các nước khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc, việc hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng, để giải quyết vấn đề thanh khoản ngắn hạn là rất quan trọng. Vì vậy, VnDirect cho rằng thị trường chờ đợi những tín hiệu tích cực hơn từ các nhóm giải pháp này.

 

Thêm hai doanh nghiệp thông báo hoãn trả nợ trái phiếu cho nhà đầu tư

Mới đây nhất, Công ty CP Dịch vụ Thương mại TP HCM - Công ty Setra và Hưng Thịnh Quy Nhơn vừa thông báo chậm, hoãn trả gốc, lãi trái phiếu cho nhà đầu tư.

Hưng Thịnh Quy Nhơn vừa công bố chậm thanh toán lãi lô trái phiếu HQNCH2124005. Lô trái phiếu này phát hành ngày 26/5/2021 và đáo hạn vào ngày 26/5/2024, tổng giá trị phát hành 1.600 tỷ đồng. Số tiền lãi phải thanh toán đến hạn là 44,7 tỷ đồng tuy nhiên, Hưng Thịnh Quy Nhơn mới trả được 22,3 tỷ đồng. Số còn lại, Hưng Thịnh Quy Nhơn dự kiến ngày thanh toán tiếp theo sẽ là ngày 10/3/2023.

Cụ thể, lô trái phiếu này có kỳ hạn 36 tháng, lãi suất 11% năm đầu đầu tiên, được bảo lãnh thanh toán và được bảo đảm bằng tài sản, có lãi suất kết hợp giữa lại suất cố định và lại suất thả nổi.

Cụ thể, lô trái phiếu được bảo lãnh thanh toán của Tập đoàn Hưng Thịnh. Tài sản bảo đảm gồm 320 triệu cổ phần của Hưng Thịnh Quy Nhơn, động sản, quyền tài sản, các khoản thu phát sinh; quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất đã hình thành hoặc sẽ hình thành trong tương lai liên quan đến dự án thành phần thuộc dự án tại xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn, Khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định.

Các bên tham gia thu xếp trái phiếu cho Hưng Thịnh Quy Nhơn bao gồm Công ty chứng khoán Tiên Phong trong vai trò tư vấn phát hành; Công ty Chứng khoán Thủ Đô là tổ chức đại diện cho chủ sở hữu trái phiếu và Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) là tổ chức nhận tài sản đảm bảo.

Một doanh nghiệp khác là Công ty CP Dịch vụ Thương mại TP HCM - Công ty Setra. Công ty này vừa thông báo không có tiền thanh toán 20 mã trái phiếu cho nhà đầu tư. Cụ thể, theo Setra 20 lô trái phiếu từ SET.H2025.01 đến SET.H2025.20 ngày thanh toán theo kế hoạch là 28/2/2023. Tổng số tiền phải thanh toán là 104,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, do công ty chưa thu xếp được nguồn vốn thanh toán nên chưa trả được cho nhà đầu tư.

Setra cũng không cho biết sẽ thanh toán vào ngày nào. Setra là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, được thành lập năm 1999 trụ sở chính đặt tại số 2 Công trường Mê Linh, Phường Bến Nghé, Q1. Tp.HCM. Hiện Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Trần Văn Tuấn (SN 1980).

Trước đó, vào năm 2020, Setra công bố đã phát hành 31 lô trái phiếu, huy động tổng cộng 3.750 tỷ đồng. Các trái phiếu này kỳ hạn 36 tháng, đáo hạn 31/7/2023. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản bảo đảm; lãi suất trái phiếu không được tiết lộ.