Giấc mơ iPhone 'made in Vietnam' lần này có thành hiện thực?

09:43 | 24/09/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong thời gian ngắn, hàng loạt các nhà cung ứng của Apple như Pegatron, Foxconn, Luxshare,... đều đầu tư hoặc mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Đây được coi là một tin mừng cho giấc mơ iPhone 'made in Vietnam'.
Theo đánh giá báo chí truyền thông trong nước những ngày qua, nếu có một ngày thực sự iPhone made in Vietnam xuất hiện, đó không chỉ là bước tiến lớn trong ngành sản xuất mà còn giúp quảng bá cái tên ‘made in Vietnam’ ra quốc tế. Ngoài ra, người tiêu dùng Việt còn được hưởng lợi như giá iPhone giảm, có Apple Store tại Việt Nam,... Nhưng sau bao lần rộ lên tin đồn rồi lại… thôi, lần này mong ước với trái táo cắn dở có thành hiện thực?
 
Gần đây Việt Nam vừa đón nhận một tin vui là tập đoàn công nghệ hàng đầu Đài Loan Pegatron - đối tác của Apple, Sony, Microsoft,... đã lên kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD vào nước ta. Pegatron sẽ triển khai lần lượt 3 dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao tại Việt Nam: Pegatron Việt Nam 1 vốn đầu tư dự kiến 19 triệu USD đã được cấp chứng nhận đầu tư, Pegatron Việt Nam 2 vốn đầu tư dự kiến 481 triệu USD đang thực hiện thủ tục đầu tư và Pegatron Việt Nam 3 vốn đầu tư dự kiến 500 triệu USD dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2026-2027. trong giai đoạn 3 này, Petragon bày tỏ ý định chuyển trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Điều đáng nói là Pegatron hiện đang xử lý khoảng 30% đơn đặt hàng lắp ráp từ Apple. Đây cũng là nhà sản xuất thiết bị điện tử theo hợp đồng lớn thứ hai thế giới chỉ sau Foxconn - tập đoàn cũng đến từ Đài Loan. Tuy chưa có gì chính thức nhưng dự án của Pegatron mong muốn sẽ tạo ra 22.5000 việc làm mới, đóng góp và ngân sách nước ta 100 tỷ đồng. Sản phẩm sản xuất ra ngoài cung cấp cho Apple còn có thể có khách hàng là Microsoft, Sony, Lenovo,...
 
Giấc mơ iPhone 'made in Vietnam' lần này có thành hiện thực? - ảnh 1
Pegatron cung ứng khoảng 30% đơn lắp ráp cho Apple
 
Trước Pegatron, hàng loạt các hãng sản xuất lớn cho Apple khác cũng đã lần lượt xuất hiện hoặc mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Đầu tiên là Foxconn vốn đã có mặt ở nước ta từ lâu, nhưng vừa mới đề xuất đầu tư thêm một khu công nghiệp quy mô 600 ha tại Bắc Giang và mở rộng KCN Bình Xuyên 2 tại Vĩnh Phúc. Tiếp đó là tập đoàn Winstron vừa xin cấp phép đầu tư dự án 300 triệu USD tại Khu công nghiệp Đồng Văn 3 (Hà Nam).
 
Tập đoàn Luxshare xây nhà máy ở Bắc Giang để chuyển một phần dây chuyền lắp ráp tai nghe Apple AirPods về Việt Nam. Từ đó cũng có tin đồn rằng tập đoàn này đang xem xét đặt dây chuyền lắp ráp iPhone tại đây. Tất cả các nhà sản xuất kể trên đều có mảng hoạt động cung cấp linh kiện cho Apple với tỷ lệ không nhỏ.
 
Làn sóng đầu tư tìm đến Việt Nam và nhiều nước khác là một ảnh hưởng rõ rệt từ cuộc chiến tranh thương mại Trung - Mỹ vẫn đang rất căng thẳng. Lâu nay, Trung Quốc - vốn được mệnh danh là ‘công xưởng của thế giới’ là căn cứ địa sản xuất quan trọng nhất của Nhà Táo. Nhưng Apple đã và đang tìm cách giảm thiểu hoạt động ở Trung Quốc. 

Nhưng nếu không phải là Trung Quốc thì cũng chưa có gì đảm bảo Việt Nam sẽ là nước được chọn (dù là bởi Apple hay đối tác của Apple). Trước khi có kế hoạch đổ 1 tỷ USD vào Việt Nam, Pegatron từng trình lên chính phủ Indonesia kế hoạch đổ vốn 695 triệu đến 1 tỷ USD cũng để lắp ráp chip cho điện thoại và sản phẩm của Apple. Nhưng đến nay kế hoạch ở Indonesia vẫn chưa đi vào thực hiện. 
 
Giấc mơ iPhone 'made in Vietnam' lần này có thành hiện thực? - ảnh 2
Dù có hy vọng nhưng chưa có gì chắc chắn về việc Việt Nam có thể sản xuất iPhone 
 
Vậy iPhone “Made in Vietnam” còn cách hiện thực bao xa? Đây không phải lần đầu tiên những hy vọng về iPhone được ghi ‘made in Vietnam’ xuất hiện. Trong các năm qua, nhiều địa phương khu vực phía Bắc nước ta đón hàng loạt doanh nghiệp công nghệ lớn của thế giới đến đầu tư, sản xuất. Nổi bật nhất là Samsung Hàn Quốc, đối thủ hàng đầu của chính Apple đã có nhà máy ở Thái Nguyên từ năm 2014.
 
Nhưng mô hình, phương thức sản xuất của Samsung và Apple có nhiều khác biệt. Theo Báo đầu tư, ngành sản xuất và nhân lực của Việt Nam vẫn ở trình độ thấp hơn nếu so với các nước đi trước về công nghệ, công nghiệp. Cơ hội để bước chân vào chuỗi cung ứng chưa nhiều. Tức chúng ta chỉ có thể làm thợ lắp ráp dựa trên những công nghệ và linh kiện đã có sẵn. Để đạt đủ điều kiện sản xuất ra iPhone ‘made in Vietnam’ như iPhone ‘made in India’ hay ‘made in China’ như các nước bạn vẫn cần đợi thời cơ hoặc có sự thay đổi.
 
Kim Chi