Giai đoạn 2021-2025, Bình Thuận cần 37.468 tỷ đồng để phát triển nhà ở
UBND tỉnh Bình Thuận vừa phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở của tỉnh giai đoạn 2021-2025. Theo địa phương này, việc phát triển nhà ở phải gắn với phát triển thị trường bất động sản nhà ở, phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở trong từng giai đoạn của địa phương và tuân thủ pháp luật về nhà ở, quy hoạch, kế hoạch do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
Trong năm nay, tổng diện tích nhà ở thực hiện đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh khoảng hơn 1,2 triệu m2 sàn, trong đó có 2.075 căn nhà ở xã hội, 1.412 căn nhà ở thương mại, 376 căn nhà tái định cư, còn lại là nhà dân tự xây dựng.
Tổng nhu cầu vốn thực hiện phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025 là 37.468 tỷ đồng. Trong đó, nhà ở thương mại khoảng 9.200 tỷ đồng; nhà ở công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức khoảng 24 tỷ đồng; nhà ở xã hội khoảng 4.493 tỷ đồng; nhà ở tái định cư khoảng 2.327 tỷ đồng; nhà ở dân tự xây khoảng 21.425 tỷ đồng.
Trong đó, riêng năm 2022 ước nhu cầu vốn khoảng 7.417 tỷ đồng, với nhu cầu vốn cho nhà ở xã hội là hơn 992 tỷ đồng, nhà ở thương mại là hơn 1.626 tỷ đồng.
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, trong năm nay, cùng với các dự án khu đô thị đang triển khai xây dựng, tỉnh tiếp tục kêu gọi và chấp thuận đầu tư các dự án nhà ở theo các khu vực đã được quy hoạch để phát triển nhà ở.
Việc dành quỹ đất cho việc phát triển nhà ở đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chung xây dựng được phê duyệt, trong đó đặc biệt quan tâm tới quỹ đất bố trí tái định cư phục vụ cho nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng và chỉnh trang đô thị.
Dự kiến diện tích đất ở phát triển nhà ở khoảng 208,50 ha, trong đó đất ở phát triển nhà ở xã hội là 18,25 ha; Đất ở phát triển nhà ở thương mại là 20,09 ha.
Bên cạnh đó, tỉnh Bình Thuận cũng đã nêu giải pháp phát triển cho từng loại hình nhà ở. Theo đó, tỉnh sẽ tạo cơ chế khuyến khích chuyển đổi mô hình đầu tư xây dựng nhà ở thấp tầng sang nhà ở cao tầng hiện đại tại khu vực đô thị, đồng bộ với yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, góp phần khuyến khích, đa dạng hóa nguồn cung sản phẩm nhà ở theo hướng giảm giá thành căn hộ chung cư, tăng khả năng tiếp cận nhà ở cho người dân phù hợp với khả năng chi trả.
Hoàn thiện cơ chế, chế tài để xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm chính sách, pháp luật về nhà ở nhằm hạn chế, ngăn ngừa các khiếu nại, tranh chấp trong lĩnh vực nhà ở.
Tăng cường thực hiện quản lý sau đầu tư xây dựng nhà ở, ban hành các quy chế để quản lý cũng như quy định việc bàn giao, tiếp nhận, bảo trì các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong dự án phát triển nhà ở.
Đối với nhà ở xã hội, tỉnh sẽ xem xét sử dụng nguồn thu từ việc nộp bằng tiền tương đương với giá trị quỹ đất 20% của các dự án nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị theo quy định để phát triển nhà ở xã hội.
Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội liên kết với các tổ chức tín dụng đưa ra các gói tín dụng vay vốn đối với người mua, thuê, thuê mua sản phẩm của dự án.
Đồng thời, huy động mọi nguồn vốn đầu tư nhà ở xã hội, bao gồm: nguồn vốn từ ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh (kể cả nguồn vốn trong nước và vốn vay ưu đãi của các tổ chức, cá nhân ngước ngoài).