Giải ngân đầu tư công chậm: Lập 6 Tổ công tác kiểm tra từng cơ quan và địa phương
Chia sẻ tại tọa đàm “Hỗ trợ và phục hồi kinh tế Việt Nam trong điều kiện bình thường mới” ngày 27/4 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), TS Vũ Sỹ Cường, Phó Trưởng Bộ môn Phân tích chính sách tài chính (Học viện Tài chính) nhận định năm nay giải ngân đầu tư công vẫn là một thách thức.
Theo báo cáo ngày 25/4/2022 của Bộ Tài chính về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn NSNN lũy kế 3 tháng, ước thực hiện 4 tháng kế hoạch năm 2022, tỷ lệ ước giải ngân 4 tháng đầu năm 2022 đạt 18,48% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (18,65%). Trong đó, giải ngân vốn trong nước đạt 19,57%, vốn nước ngoài đạt 3,25%.
Có 7 Bộ và 8 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 25%. Ngoài ra, 43/51 Bộ và 28/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 17%, trong đó có 17 Bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn.
Theo TS. Cường, bên cạnh các nguyên nhân dẫn đến chậm giải ngân năm nay như vấn đề liên quan đến thể chế, các nguyên nhân khách quan như giá nhiên nguyên vật liệu thế giới tăng vọt, lao động chưa phục hồi hoàn toàn...; có một lý do muôn thuở là năng lực quản lý của các chủ đầu tư, cơ quan quản lý, nhà thầu thi công tất cả các cấp.
"Chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận, năng lực quản lý và đầu tư xây dựng của cán bộ các cấp đều còn hạn chế, trong khi rất nhiều dự án đầu tư công là những vấn đề mới, phức tạp cả về mặt kỹ thuật, kinh tế", ông Cường nói thêm.
Sốt ruột trước tiến độ giải ngân còn chậm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 548/QĐ-TTg thành lập 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.
Lập 6 Tổ công tác kiểm tra giải ngân đầu tư công, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Thường trực
Theo Quyết định 548 của Thủ tướng, 6 Tổ công tác sẽ được thành lập để đôn đốc giải ngân đầu tư công tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đến ngày 30/4/2022 chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 được giao; có tỷ lệ giải ngân đến ngày 30/4/2022 dưới mức trung bình của cả nước (18,48%)
Tổ công tác số 1 do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh làm Tổ trưởng, kiểm tra các Bộ, cơ quan: Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Ủy ban Dân tộc, Ban Quản lý lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; các địa phương: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.
Tổ công tác số 2 do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái làm Tổ trưởng, kiểm tra các Bộ, cơ quan: Văn phòng Trung ương Đảng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam; các địa phương: Long An, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu.
Tổ công tác số 3 do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam làm Tổ trưởng, kiểm tra các Bộ, cơ quan: Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lao động - Thương binh và Xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học quốc gia Hồ Chí Minh, Ban quản lý Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội nhà văn Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam; các địa phương: Cao Bằng, Bắc Kạn.
Tổ công tác số 4 do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành làm Tổ trưởng kiểm tra các Bộ, cơ quan: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Hội nông dân Việt Nam, Tập đoàn điện lực Việt Nam, Liên minh hợp tác xã Việt Nam, Ủy ban toàn quốc liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc; các địa phương: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai.
Tổ công tác số 5 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Tổ trưởng, kiểm tra các địa phương: Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nam.
Tổ công tác số 6 do Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Tổ trưởng, kiểm tra các địa phương: Vĩnh Phúc, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bình Phước.
Thành phần tham gia các Tổ công tác của Lãnh đạo Chính phủ gồm Lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra Chính phủ và một số cơ quan liên quan. Thành phần cụ thể từng Tổ công tác do Tổ trưởng quyết định.
Thủ tướng Chính phủ giao lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Thường trực các Tổ công tác do Lãnh đạo Chính phủ làm Tổ trưởng, có trách nhiệm giúp Tổ trưởng xây dựng báo cáo kết quả kiểm tra và đề xuất, kiến nghị của Tổ công tác.
Giải ngân chậm: Không thể hô hào chung chung, sẽ xem xét trách nhiệm người đứng đầu
Với việc thành lập 6 Tổ công tác, Thủ tướng chỉ đạo các Tổ thực hiện nhiệm vụ rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc; phân tích nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư công, nhất là dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; kiến nghị các giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
Đồng thời, hướng dẫn thực hiện thống nhất quy định của pháp luật về đầu tư công và các quy định có liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư công. Đánh giá việc chấp hành quy định về lập, phân bổ, giao kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2022 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo 6 Tổ công tác xem xét trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, rà soát, xử lý các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công tại từng bộ, cơ quan, địa phương, trong đó có trách nhiệm người đứng đầu; thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công, chỉ đạo của Tổ trưởng Tổ công tác.
Qua đó, có báo cáo kết quả kiểm tra và đề xuất, kiến nghị cụ thể các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, gửi Thủ tướng Chính phủ trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra đối với bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Việc quy trách nhiệm cá nhân đứng đầu để thúc đẩy tiến độ giải ngân là vấn đề từng được nhiều chuyên gia kinh tế đề cập. Trở lại với TS. Vũ Sỹ Cường, ông nhận định Chính phủ đang đi đúng hướng và Thủ tướng Chính phủ cũng rất quyết liệt trong việc chỉ đạo thúc đẩy tiến độ giải ngân các dự án cao tốc, từ giải phóng mặt bằng đến cung cấp nguyên vật liệu.
Theo ông Cường đây là một bài toán cần nhiều giải pháp hơn để giải quyết. Một trong những giải pháp quan trọng, theo đề xuất của TS. Cường là Chính phủ nên xây dựng chỉ số đánh giá năng lực, khả năng giải ngân đầu tư công để đo lường khả năng thực thi các dự án đầu tư công tương tự chỉ số năng lực cạnh tranh địa phương PCI.
“Địa phương nào phân bổ chậm dự toán thì năm sau bị cắt, nhà thầu nào thi công không đảm bảo chất lượng, tiến độ thì bị loại bỏ”, ông Cường nhấn mạnh. Việc xây dựng bộ chỉ số như vậy sẽ khiến các địa phương sẽ cạnh tranh với nhau, bộ ngành địa phương nào giải ngân chậm thì chuyển sang bộ ngành, địa phương khác.
TS. Cường cũng nhấn mạnh vấn đề quy trách nhiệm cá nhân của các lãnh đạo đơn vị để thúc đẩy giải ngân đầu tư công, bởi theo vị này, nếu chỉ "hô hào chung chung" thì rất khó bởi giải ngân đầu tư công chậm "đã trở thành căn bệnh kinh niên của nền kinh tế".