Hà Nội: Giảm thuế GTGT cho 72.272 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh
Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội Trương Việt Dũng chủ trì buổi họp báo. Dự buổi họp báo còn có đại diện lãnh đạo các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã. Tại buổi họp báo, phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Vũ Duy Tuấn cho biết Triển khai thực hiện các nhiệm vụ phục hồi và phát triển KTXH theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ thành phố đã hoàn thành công tác chỉ trả hỗ trợ cho 12/12 nhóm đối tượng khó khăn do ảnh hưởng bởi COVID-19.
Thành phố đã thực hiện việc hỗ trợ phục hồi phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; Giảm thuế GTGT cho 72.272 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh với tổng số thuế GTGT được giảm là 13.212 tỷ đồng; Gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất cho 18.644 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh với tổng số tiền gần 11,94 nghìn tỷ đồng (Thuế thu nhập doanh nghiệp là 2,97 nghìn tỷ đồng; Thuế thu nhập cá nhân là 10 tỷ đồng; Thuế GTGT hơn 8,11 nghìn tỷ đồng; Tiền thuê đất là 847 tỷ đồng).
Thẩm định và phê duyệt hỗ trợ cho hơn 2,6 triệu lượt đối tượng với kinh phí gần 2.660 tỷ đồng. Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động cho 420,28 nghìn lượt lao động trong 13,97 nghìn lượt doanh nghiệp với số tiền là 220,4 tỷ đồng.
Về vấn đề cân đối thu - chi ngân sách được đảm bảo; Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước 332.961 tỷ đồng, đạt 106,8% dự toán, tăng 2,7% so với thực hiện năm 2021. Tổng chi ngân sách địa phương dự kiến 100.567,7 tỷ đồng, đạt 94,1% dự toán giao đầu năm, trong đó, chi đầu tư phát triển 46.022,7 tỷ đồng, đạt 90,1% dự toán; chi thường xuyên 50.883,9 tỷ đồng, đạt 95,5% dự toán giao đầu năm.
Kinh tế quý IV/2022 phục hồi mạnh mẽ GRDP quý II, III tăng cao hơn quý trước đó: Quý I tăng 5,91%; Quý II tăng 8,22%; Quý III tăng 15,30%; Quý IV tăng 6,76%. Năm 2022, GRDP dự kiến tăng 8,89%, trong đó: Dịch vụ tăng 10,06%, Công nghiệp và xây dựng tăng 7,74%; Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,58%, Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,76%. Xuất khẩu phục hồi mạnh, nhập khẩu duy trì mức tăng cao: Kim ngạch xuất khẩu năm 2022 ước đạt 17,34 tỷ USD, tăng 11,9%; Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 40,26 tỷ USD, tăng 15%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng tăng 26,5% (cùng kỳ giảm 6,3%); Ước cả năm 2022 đạt 615,96 nghìn tỷ đồng, tăng 10,9%. Ngành du lịch phục hồi mạnh.
Lũy kế 11 tháng, khách trong nước đến Hà Nội đạt 1,277 triệu lượt, tăng 57%; khách quốc tế 952 nghìn lượt, tăng gần gấp 5 lần. Tổng thu từ khách du lịch 11 tháng đầu năm tăng hơn 5 lần. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 11 tháng đầu năm tăng 8,7%; ước năm 2022 IIP tăng khoảng 8%. Sản xuất nông nghiệp ổn định; cây trồng phát triển tốt, đàn lợn, trâu, bò và gia cầm đều tăng. Vốn đầu tư thực hiện tăng mạnh, doanh nghiệp phục hồi phát triển.
Ước năm 2022, vốn đầu ta phát triển đạt 468 nghìn tỷ đồng, tăng 13,8% và bằng khoảng 39% GRDP. Lũy kế 11 tháng đầu năm, thành phố Hà Nội thu hút khoảng 1.540,4 triệu USD vốn FDI (tăng 11,6%). Trong 11 tháng đầu năm 2022, có 27.601doanh nghiệp thành lập mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 312.377 tỷ đồng (tăng 26% về số lượng doanh nghiệp và tăng 4% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước).
Về nhiệm vụ trọng tâm rong thời gian tới, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Vũ Duy Tuấn cho biết, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách tiền tệ, tín dụng trên địa bàn. Bảo đảm nguồn vốn cho nền kinh tế, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng. Hà Nội tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp. Đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các thủ tục về quy hoạch, đầu tư, đất đai, xây dựng và giải phóng mặt bằng. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện xử lý 191 dự án có sử dụng đất chậm tiến độ trên địa bàn. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp theo chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ về thuế, phí, tín dụng...
Hà Nội cũng tập trung phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch. Củng cố, cải tạo để nâng cao năng lực nội tại, đồng thời xây dựng thêm các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi theo kế hoạch; Phát triển thêm các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, thúc đẩy các hoạt động liên kết vùng, hỗ trợ quảng bá, kết nối cung - cầu sản phẩm với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Phát triển mạnh thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến, không dùng tiền mặt; Phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tăng từ 10% trở lên.
Thí điểm phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng NTM, du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm thực tế tại các làng nghề, các điểm du lịch gắn với các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số. Hà Nội cũng chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hoá, giáo dục; Kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; Bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; Cuộc vận động xây dựng "Người Hà Nội thanh lịch, văn minh"; Thực hiện phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa, nâng cao chất lượng các chỉ tiêu về văn hóa. Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, bảo tồn, tôn tạo các di tích; Phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô. Đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao quần chúng, nâng cao tỷ lệ người dân tham gia luyện tập thể thao thường xuyên và thành tích các môn thể thao trọng điểm...
Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 02/12/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về việc tổ chức Tết Quý Mão 2023 trên địa bàn Thành phố; Kế hoạch số 116-KH/TU ngày 17/11/2022 của Thành uỷ Hà Nội về kế hoạch tổ chức các hoạt động trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 của Thành phố; Để đảm bảo nhân dân đón Xuân mới vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm với phương châm “mọi người, mọi nhà đều có Tết”, UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã thực hiện tốt việc đảm bảo trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông và công tác duy trì vệ sinh môi trường; kịp thời ngăn chặn mọi hành vi gây rối, làm mất trật tự trị an như: đốt pháo nổ, đua xe; bẻ cành, hái lộc, phá hoại cây xanh...
Thành phố cũng tăng cường quản lý, sắp xếp, kiểm tra việc thu phí, giá dịch vụ tại các điểm trông giữ xe, nhất là tại các điểm vui chơi công cộng, địa điểm tín ngưỡng... trên địa bàn; tổ chức chu đáo chế độ trợ cấp Tết tới các đối tượng chính sách xã hội và thăm hỏi, tặng quà người có công, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc... Các sở, ngành, địa phương chú trọng triển khai việc đảm bảo bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhất là các mặt hàng phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán; đẩy mạnh các hoạt động văn nghệ, thể thao, vui chơi lành mạnh mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc để nhân dân vui Xuân, đón Tết.