Hà Nội tiếp tục dừng phiên đấu giá 27 lô đất ngoại thành
Dừng đấu giá đất tại ba phường quận Hà Đông
Hà Nội đang rất "sốt" qua các phiên đấu giá đất thời gian qua. Sau khi huyện ngoại thành Thanh Oai, Hoài Đức giá trúng vượt mức 100 triệu đồng/m2, các cơ quan chức năng đã vào cuộc kiểm tra việc giá tăng bất thường. Theo đó, huyện Hoài Đức đã phải dừng phiên đấu giá 52 lô đất dự kiến diễn ra ngày 26/8 để chờ đoàn kiểm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường xác minh các vấn đề liên quan.
Mới đây, Công ty Đấu giá hợp danh số 5 Quốc gia là đơn vị tổ chức phiên đấu giá các thửa đất tại quận Hà Đông dự kiến tổ chức vào ngày 7/9 đã thông báo tạm dừng. Việc này được thực hiện theo yêu cầu của Ban quản lý Đầu tư xây dựng quận Hà Đông. Thời điểm tổ chức lại phiên đấu giá này chưa được nhà chức trách xác định.
Theo kế hoạch, quận Hà Đông dự định tổ chức đấu giá 27 thửa đất tại 3 phường Phú Lương, Yên Nghĩa và Dương Nội. Trong đó, phường Phú Lương có 17 thửa đất, diện tích từ 57,5 đến 72,1 m2. Giá khởi điểm các lô đất này từ hơn 26-32,3 triệu đồng một m2, tương ứng tiền cọc 330-370 triệu đồng một lô.
Hai thửa đất thuộc phường Yên Nghĩa có giá khởi điểm 30,2 triệu đồng một m2. Tương tự, 6 lô ở phường Dương Nội từ 22,7 triệu đồng mỗi m2.
Thông báo dừng phiên đấu giá đầu tháng 9 tại Hà Đông được đưa ra trong bối cảnh các cơ quan quản lý yêu cầu rà soát, chấn chỉnh công tác đấu giá đất, khi nhiều nơi ghi nhận mức trúng cao gấp hơn chục lần khởi điểm những ngày qua.
Ngoài huyện Hoài Đức và quận Hà Đông thông báo dừng đấu giá đất, một số địa phương khác dự kiến vẫn tổ chức đấu giá bình thường. Theo kế hoạch, ngày 29/8, huyện Phúc Thọ sẽ đấu giá 39 thửa đất, giá khởi điểm từ 19,8 triệu đồng một m2. Trong tháng 9, huyện này tiếp tục bán đấu giá thêm 13 thửa tại xã Trạch Mỹ Lộc. Tương tự, các huyện như Ba Vì, Mỹ Đức, Mê Linh cũng tổ chức đấu giá hàng chục lô đất giữa tháng 9.
Khó xác định hành vi đầu cơ trong đấu giá đất
Từ sự việc giá đất cao bất thường tại phiên đấu giá đất ở huyện Thanh Oai, Hoài Đức vừa qua, Hội môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) đưa quan điểm, giá lô đất tại vùng ven, hạ tầng, tiện ích không nổi bật lại có giá hơn 100 triệu đồng một m2 bằng đất nền tại các khu đô thị, khu vực đông dân cư là bất bình thường, có thể xuất phát từ động cơ không lành mạnh.
Cụ thể, nhiều nhà đầu tư tham giá các phiên đấu giá này là những những người có nghề, thường tham gia với mục đích lướt sóng. Tuy nhiên, theo Hội môi giới Bất động sản, ngay cả khi nhà đầu tư bỏ cọc, vẫn khó có thể xác định và xử lý hành vi đầu cơ, thổi giá. Việc này cũng giống với diễn biến của tình trạng sốt giá chung cư ở Hà Nội thời gian qua.
Theo VARS, quyền xác định giá bán là của chủ sở hữu tài sản, các bên tham gia giao dịch theo nguyên tắc thuận mua vừa bán. "Họ hoàn toàn có thể bỏ cọc mà không cần chứng minh. Và việc họ đẩy giá khi bất kỳ hàng hóa nào khan hiếm trên thị trường là điều không thể tránh khỏi", nội dung được đăng tải trong bản tin ngày 24/8 vừa qua của VARS.
Ngày 21/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương chấn chỉnh việc tổ chức đấu giá, nhằm tránh ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh và thị trường nhà ở, bất động sản. Bên cạnh việc lập đoàn kiểm tra để làm việc với huyện Thanh Oai và Hoài Đức, Bộ Tài nguyên và Môi trường hôm 23/8 cũng yêu cầu các tỉnh, thành phố điều chỉnh bảng giá đất sát thực tế để tránh trục lợi trong đấu giá.
Tuy vậy, VARS dự báo sức nóng của các cuộc đấu giá đất sẽ tiếp tục trong thời gian tới, ngay cả khi các quy định mới có hiệu lực. Bởi, các địa phương có thể vẫn áp dụng giá khởi điểm ở mức thấp, do bảng giá đất được tiếp tục sử dụng đến hết năm 2025.