Hà Tĩnh: Lên phương án sẵn sàng ứng phó với bão số 5

11:52 | 11/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Để đảm bảo an toàn trước khi bão Conson đổ bộ, Hà Tĩnh đang chuẩn bị các phương án ứng phó, sơ tán dân, chủ động ứng phó với cơn bão và mưa lớn trong những ngày sắp tới.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu có phương án sơ tán dân đảm bảo an toàn trong trường hợp xảy ra bão mạnh, mưa lũ lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, đồng thời đảm bảo an toàn phòng, chống dịch và an toàn thiên tai tại các địa điểm sơ tán, khu cách ly tập trung.

Chủ động ứng phó khẩn cấp với diễn biến của bão CONSON

Công điện về ứng phó khẩn cấp với bão số 5

Để chủ động ứng phó khẩn cấp với diễn biến của bão CONSON và tình hình mưa lớn, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã ban hành Công điện số 05/CĐ-PCTT ngày 7/9; văn bản số 215/PCTT ngày 7/9 về việc sẵn sàng ứng phó với bão CONSON và mưa lớn. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng các ngành, đơn vị, chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã tập trung triển khai ngay một số nôi dung:

Thông báo ngay cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm của bão.

Tổ chức quản lý chặt chẽ phương tiện ra khơi, kiểm tra hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại bến vừa đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, vừa đảm bảo phòng chống dịch COVID-19 tốt nhất. Đặc biệt lưu ý đối với các phương tiện tàu thuyền của các tỉnh khác vào neo đậu, tránh trú bão tại các khu vực cảng cá, âu tránh trú bão, phải thực hiện cách ly y tế và các biện pháp phòng dịch theo quy định.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và mưa lũ để có phương án ứng phó phù hợp; tăng cường công tác thông tin và truyền thông, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng ven sông suối, hạ lưu các hồ đập, vùng trũng thấp để người dân biết, chủ động phòng tránh.

Tranh thủ thời tiết thuận lợi huy động tối đa nhân lực, máy gặt hiện có để tập trung chỉ đạo thu hoạch nhanh gọn diện tích lúa hè thu còn lại đã chín, nhất là tại các địa phương có diện tích lúa hè thu vùng thấp trũng.

Tại các cảng cá tại huyện Lộc Hà, Nghi Xuân, Cẩm Xuyên… ngư dân cũng đang giằng néo các phương tiện đánh bắt.

Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, giám đốc các Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc và Nam Hà Tĩnh: tổ chức kiểm tra ngay hệ thống tiêu thoát lũ và thực hiện các biện pháp tiêu thoát nước đệm chống ngập úng cho lúa hè thu và hoa màu; tăng cường kiểm tra đảm bảo an toàn hồ chứa, đê điều và các công trình phòng, chống thiên tai.

Đề nghị các chủ đầu tư đang triển khai các dự án đầu tư xây dựng cơ bản tổ chức kiểm tra, rà soát và triển khai các phương án đảm bảo an toàn công trình, đặc biệt là các công trình đê điều, hồ đập; các hồ chứa vừa và nhỏ đã xuống cấp, tiềm ẩn nhiều rủi ro, các hồ chứa đang thi công dang dỡ (Dự án WB8) và các tuyến đê xung yếu, các dự án đang thi công như đê Đồng Môn, Hữu Phủ, Hữu Nghèn và cống tiêu thoát dưới đê.

Lực lượng chức năng giúp dân thu hoạch lúa ở các huyện Đức Thọ, Hương Sơn, Kỳ  Anh, TX. Hồng Lĩnhh...

Yêu cầu tổ chức lực lượng tuần tra, canh gác để kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố (nếu có) ngay từ đầu và có phương án chuẩn bị đầy đủ, vật tư, phương tiện, nhân lực để xử lý khi có tình huống xấu xảy ra.

Đối với các địa phương ven biển: kiểm tra, chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn cho người và tài sản của nhân dân trên các đảo và lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản trên biển, ven biển và đất liền.

Đối với các huyện miền núi: tổ chức kiểm tra, rà soát kỹ ngay tất cả các vị trí có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt sâu để kịp thời thông báo cho người dân chủ động, phòng tránh có hiệu quả. Phân công cán bộ theo dõi cụ thể các vùng có nguy cơ cao về thiên tai, chủ động triển khai các phương án ứng phó phù hợp; đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng cho người dân, không để người dân bị đói, rét, không có chỗ ở khi có tình huống xảy ra, đồng thời phải đảm bảo yêu cầu về phòng chống dịch bệnh.

Người dân Lộc Hà phải bán tôm non để chạy Bão

Xả tràn 4 hồ chứa đề phòng mưa lớn

Nhằm đảm bảo an toàn cho công trình cũng như vùng hạ dạ, Công ty TNHH MTV thuỷ lợi Nam Hà Tĩnh thông báo sẽ xả tràn 4 hồ chứa nước là Kim Sơn, Bộc Nguyên, Thượng Sông Trí, Tàu Voi.

Cụ thể, mực nước hồ Tàu Voi lúc 7h ngày 10/9 ở cao trình 13,95m; việc xả tràn bắt đầu từ 8h ngày 11/9 với lưu lượng 5 – 20 m3/s.

Mực nước hồ Kim Sơn lúc 7h ngày 10/9 ở cao trình 96,16m; việc xả tràn bắt đầu từ 8h ngày 11/9 với lưu lượng 10 – 30 m3/s.

Mực nước hồ Bộc Nguyên lúc 7h ngày 10/9 ở cao trình 19,10m; việc xả tràn bắt đầu từ 8h ngày 11/9 với lưu lượng 10 – 70 m3/s.

Công ty TNHH MTV thuỷ lợi Nam Hà Tĩnh thông báo sẽ xả tràn 4 hồ chứa nước là Kim Sơn, Bộc Nguyên, Thượng Sông Trí, Tàu Voi.

Mực nước hồ Thượng Sông Trí lúc 7h ngày 10/9 ở cao trình 27,95m; việc xả tràn bắt đầu từ 14h ngày 11/9 với lưu lượng 20 – 50 m3/s.

Căn cứ diễn biến thời tiết và mực nước hồ mà Công ty TNHH MTV thuỷ lợi Nam Hà Tĩnh sẽ kết thúc việc xả tràn.

Theo Giám đốc Công ty TNHH MTV thuỷ lợi Nam Hà Tĩnh Trần Mạnh Cường, để đảm bảo an toàn khi các hồ xả tràn, đơn vị đã thông báo cho các huyện, thị xã, thành phố và các xã chịu ảnh hưởng trực tiếp do xả lũ, khẩn trương thông báo, đôn đốc và hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản, sẵn sàng ứng phó với các sự cố có thể xảy ra.

 

Hồi 19 giờ ngày 10/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc; 111,3 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển phía Tây Nam khu vực quần đảo Hoàng Sa, cách bờ biển Quảng Trị-Quảng Nam khoảng 340km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 160km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 5-10km và có khả năng mạnh thêm. Đến 19 giờ ngày 11/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 109.8,1 độ Kinh Đông, cách bờ biển Quảng Trị-Quảng Nam khoảng 160km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-115km/giờ), giật cấp 13.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 14,0 đến 18,5 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 113,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy.

Từ đêm nay (10/9), ở vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi (bao gồm các huyện đảo Lý Sơn, Cồn Cỏ) có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, giật cấp 11; sóng biển cao từ 4,0-5,0m; biển động rất mạnh.

Cảnh báo gió mạnh trên đất liền: Từ gần sáng ngày 12/9, vùng ven biển khu vực từ Nam Quảng Bình đến Quảng Nam gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 10, khu vực sâu trong đất liền có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.

Cảnh báo mưa lớn trên đất liền: Từ đêm nay (10/9) đến 13/9 ở các tỉnh Quảng Trị đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với lượng mưa ở Quảng Trị đến Đà Nẵng phổ biến 200-300mm/đợt, có nơi trên 350mm/đợt, ở Quảng Nam-Quảng Ngãi phổ biến 100-200mm/đợt, có nơi trên 200mm/đợt)

Từ ngày 12-14/9 ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt, riêng Quảng Bình và Hà Tĩnh có nơi trên 250mm/đợt.

Từ ngày 11-12/9, các tỉnh Kon Tum và Gia Lai có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-80mm/đợt, có nơi trên 100mm/đợt.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do bão: cấp 3.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên khu vực Nam Biển Đông (bao gồm quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió Tây Nam mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, sóng biển cao từ 2,0-4,0m, biển động.

Xem  thêm: Thừa Thiên - Huế: Khẩn trương ứng phó với bão số 5, đảm bảo công tác chống dịch