Hà Tĩnh phát triển logistics

02:27 | 08/11/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng là động lực phát triển kinh tế của tỉnh Hà Tĩnh, đồng thời tỉnh này đã, đang hình thành các cụm công nghiệp, các vùng sản xuất hàng hoá, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút và phát triển dịch vụ logistics.

Hà Tĩnh nằm ở vị trí trung tâm khu vực Bắc Trung Bộ, là điểm trung chuyển hàng hóa ngắn nhất cho Lào, Đông Bắc Thái Lan, Myanmar thông qua tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây kết nối với đường hàng hải quốc tế để giao lưu hàng hóa với các quốc gia trên thế giới. Từ Vũng Áng đến cửa khẩu quốc tế Cầu Treo theo quốc lộ 8A – 1A chỉ 190km và đến cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình) 170km.

Nắm lợi thế về vị trí địa lý

Tỉnh Hà Tĩnh hiện có 2 KKT, 3 khu công nghiệp (KCN), 23 cụm công nghiệp (CCN) đang hoạt động. Ngoài KKT Vũng Áng đóng vai trò động lực của thu hút đầu tư, với nhiều dự án công nghiệp nặng, chế biến, chế tạo, các CCN cũng được phân bố đều trên khắp các huyện, thị đang tập trung thu hút các dự án về phát triển sản xuất công nghiệp nhẹ. Đến nay, trong số 23 CCN đã có 18 CCN đi vào hoạt động với 188 dự án đi vào SXKD; giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. Giá trị sản xuất hàng năm đạt khoảng 3.500 tỷ đồng.

Sự phát triển các CCN góp phần khôi phục, phát triển làng nghề truyền thống; thu hút nhiều dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh tạo ra nhóm hàng hóa xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Và đây cũng là nguồn hàng quan trọng để các doanh nghiệp đầu tư logitics hướng đến.

Hà Tĩnh đang nắm lợi thế về hệ thống cảng biển nước sâu

Theo số liệu khảo sát của Sở Công Thương Hà Tĩnh, lượng hàng hóa sản xuất trên địa bàn có nhu cầu sử dụng dịch vụ logistics chủ yếu được sản xuất tại các KKT, CCN với các nhóm hàng chủ lực như thép, may mặc, sợi, chè, ván gỗ MDF, HDF...

Trong năm 2021, tổng lượng hàng hóa sản xuất trên địa bàn có nhu cầu sử dụng dịch vụ logistics phân phối trên 5.000 container. Trong đó, nhóm hàng may mặc, dệt may, sợi: 450 container; nhóm gỗ: 4.200 container; nhóm nông sản (chè, thủy sản): 150 container và nhóm bao bì khoảng 121 contatiner.

Hàng hoá trung chuyển qua Hà Tĩnh cũng khá lớn, tổng nhu cầu vận chuyển hàng hóa nhập khẩu của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2021 dự kiến đạt 3.576 container. Hiện, các nhóm hàng container nhập khẩu qua cảng Hải Phòng, hàng nội địa đang vận chuyển về cảng Cửa Lò.

Cụ thể, máy móc thiết bị, vật liệu của Formosa trung bình 2.295 container/năm. Nguyên phụ liệu may mặc dự kiến 222 container. Từ năm 2022-2025, dự kiến trên 400 container/năm. Bông nguyên liệu cho Nhà máy sản xuất cọc sợi Vinatex Hồng Lĩnh, nhu cầu vận chuyển 400 container/năm. Hạt nhựa phục vụ sản xuất các nhà máy sản xuất bao bì 125 container/năm. Sáp nhũ tương phục vụ sản xuất Nhà máy MDF Thanh Thành Đạt Vũ Quang: 32 container/năm. Thóc (vận chuyển nội địa từ Miền Tây - Hà Tĩnh): 500 container/năm.

Hàng năm, Hà Tĩnh còn tiếp nhận một số lượng khá lớn hàng trung chuyển qua địa bàn đó là hàng hóa xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu Cầu Treo, Cha Lo, cảng Vũng Áng. Năm 2020, có hơn 300 doanh nghiệp hoạt động XNK qua 3 của khẩu này. Các mặt hàng chủ yếu như: quặng sắt, thạch cao, tinh bột sắn, sắn lát, sắn tươi, ka li, gỗ, hoa quả, vật liệu xây dựng..với khoảng 6,5 triệu tấn.

Để thu hút nhà đầu tư vào đầu tư dịch vụ logitics, ngày 8/4/2021, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định phê duyệt Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng trung tâm logistics tại Khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh, tỷ lệ 1/500. Cùng với đó là xây dựng quy hoạch hệ thống cảng cạn logitics tại KKT Cầu Treo và Đức Thọ.

Đưa KKT Vũng Áng trở thành Trung tâm Logistics

Khu kinh tế Vũng Áng hiện có 84 dự án trong nước, với tổng mức vốn đăng ký 48.700 tỷ đồng và 57 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng mức vốn đăng ký 13,6 tỷ USD, tạo công ăn việc làm ổn định cho trên 20.000 lao động.

“Trong báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020-2025 xác định Khu kinh tế Vũng Áng đóng vai trò là một trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng, dịch vụ cảng biển, logistics. Hà Tĩnh đang tập trung xây dựng Khu kinh tế Vũng Áng trở thành khu kinh tế đa chức năng, trung tâm công nghiệp và logistics, một trong ba đột phá chiến lược trong thời gian tới”, ông Nguyễn Hồng Lĩnh nói.

Cho phép cầu cảng số 1 tiếp nhận tàu container đến 30.000 DWT, cầu cảng số 2 tiếp nhận tàu container đến 45.000 DWT.

Cảng Vũng Áng khi hoàn thiện sẽ có 17 bến, trong đó có 11 bến cảng tổng hợp, container; 6 bến chuyên dùng cho nhập than và xuất nhập xăng dầu; cảng Sơn Dương giai đoạn hoàn thiện sẽ có 51 bến chuyên dùng, trong đó: có 32 bến của Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa, 13 bến tổng hợp, 6 bến tàu chuyên dụng.

Bên cạnh đó, Hà Tĩnh đang nắm lợi thế về hệ thống cảng biển nước sâu. So với khu vực, cảng Vũng Áng - Sơn Dương có lợi thế độ sâu tự nhiên lớn, từ -11m- 22m, có thể tiếp nhận được các tàu có trọng tải lớn đến 350.000 DWT. Cụm cảng Vũng Áng - Sơn Dương có luồng hàng hải ngắn (cách phao số 0 khoảng 1,7 hải lý) rất thuận lợi trong việc kết nối với các tuyến giao thông hàng hải quốc tế.

Tại Hội thảo trực tuyến: “Đánh thức tiềm năng Hà Tĩnh- Kết nối liên vùng, phát triển thị trường Việt Lào” diễn ra ngày 28/10, Giám đốc Cảng Quốc tế Lào - Việt Nguyễn Anh Tuấn, cho biết ngày 10/4/2021, Công ty Cổ phần Vận Tải Biển Tân Cảng (Tan Cang Shipping) - thành viên thuộc hệ thống Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn đã triển khai chuyến tàu container đầu tiên cập cảng Quốc Tế Lào- Việt. Đây là kết quả bước đầu đầy hứa hẹn về sự kết nối của doanh nghiệp với định hướng phát triển logistics của  Hà Tĩnh.

Tính đến nay, công ty cổ phần Vận tải biển Tân cảng (Tân cảng Shipping) đã cập cảng Vũng Áng 13 chuyến container với tổng lượng hàng đạt 459 TEU, khai thác ổn định tuyến dịch vụ vận tải biển kết nối hàng hóa Hải Phòng - Vũng Áng– TP. HCM và chiều ngược lại.

 Cục Hàng hải Việt Nam cũng đã cho phép cầu cảng số 1 tiếp nhận tàu container đến 30.000 DWT, cầu cảng số 2 tiếp nhận tàu container đến 45.000 DWT.

Phó TGĐ Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn Bùi Văn Qùy cho biết, thời gian qua, định tuyến vận tải container 4 chuyến/tháng giữa cảng Hải Phòng - Hà Tĩnh – TP. HCM và chiều ngược lại cập cảng Quốc tế Lào - Việt tại KKT Vũng Áng.

Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn mong muốn tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục có những giải pháp, hỗ trợ giúp tour tuyến duy trì hoạt động thường xuyên, giúp chủ tàu, chủ hàng trong quá trình vào cảng Vũng Áng. Đồng thời, Tân Cảng Sài Gòn và các doanh nghiệp, hãng tàu sẽ cùng phát triển các dịch vụ logistics qua tỉnh Hà Tĩnh trong thời gian tới, cũng như làm tăng thêm các hoạt động giao thương hàng hóa Quốc tế giữa hai nước Việt – Lào.

Phó Trưởng ban quản lý KKT tỉnh Hà  Tĩnh Hoàng Thanh Tùng cho biết, các doanh nghiệp khi đầu tư vào Khu kinh tế sẽ được hưởng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% áp dụng trong 15 năm, kể từ khi dự án bắt đầu hoạt động kinh doanh; được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm, kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp cho 9 năm tiếp theo. Trong quá trình sản xuất kinh doanh, sau khi quyết toán với cơ quan thuế mà bị lỗ, doanh nghiệp được chuyển khoản lỗ sang những năm sau để trừ vào thu nhập chịu thuế. Thời gian chuyển lỗ không quá 5 năm. Khu công nghiệp (nằm ngoài khu kinh tế), doanh nghiệp được hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp với thuế suất 17% trong thời hạn 10 năm, và được miễn thuế 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo. Đối với thuế nhập khẩu, doanh nghiệp được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hoá nhập khẩu theo quy định tại Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 ngày 06/4/2016.

Xem thêm: Phát triển dịch vụ logistics trở thành ngành mũi nhọn